Hideto Iwai, từng ở nhà trong suốt 4 năm thời niên thiếu (Ảnh: CNN)
Hồi Hideto Iwai 16 tuổi, anh nhốt mình trong phòng và không hề ra ngoài trong vòng 4 năm.
Giờ đây, khi Iwai trở thành một nhà viết kịch thành công, anh đồng ý nói chuyện thẳng thắn về quá khứ ẩn dật của mình.
Iwai từng cố gắng “đột phá” vào năm 15 tuổi, thế nhưng khi thất bại, niềm tin vào bản thân và niềm tin vào thế giới trong anh đều sụp đổ. Vì vậy, anh đã tìm kiếm nơi trú ẩn trong nhà của mình.
"Tôi chỉ ở trong phòng chơi điện tử, xem phim và các chương trình thể thao", Iwai nói với CNN.
Theo một cuộc khảo sát của nội các Nhật Bản, vừa được công bố thứ 4 tuần trước, hiện có 541.000 người trẻ Nhật Bản ở độ tuổi từ 15-39 sống ẩn dật, khép kín.
Hiện có 541.000 người trẻ Nhật Bản ở độ tuổi từ 15-39 sống ẩn dật, khép kín
Những người này được gọi là hikikomori, một thuật ngữ được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản sử dụng để nhận dạng những người không ra khỏi nhà hay tương tác với người khác trong ít nhất sáu tháng.
Thuật ngữ này xuất hiện từ đầu những năm 1980, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về cách xác định tình trạng này.
"Chúng tôi nghĩ rằng có một khía cạnh tâm lý về tình trạng này, có thể nó bắt nguồn từ trầm cảm và lo lắng, nhưng đôi lúc cũng có những ảnh hưởng văn hóa và xã hội" Takahiro Kato, một giáo sư tại Đại học Kyushu nói với CNN.
Các trung tâm hỗ trợ
Khi những người ít có tương tác xã hội bị đẩy vào một môi trường làm việc áp lực cao, sự thay đổi có thể là quá đột ngột đối với họ, theo Kato.
"Những người này thiếu sự vững vàng và dễ cảm thấy áp lực", Kato nói. Ông cũng nói thêm số lượng hikikomori nam giới cao hơn nữ giới vì những kỳ vọng cao mà xã hội Nhật Bản đặt trên vai những người đàn ông.
"Khi họ không thành công, họ cảm thấy suy sụp và kích hoạt mong muốn khép mình lại", Kato nói.
Một hikikomori cảm thấy tốt hơn sau khi làm việc tại một quán cà phê ở Osaka dưới sự hỗ trợ của tổ chức NPO Full House (Ảnh: Kyodo)
Theo Kato, cuộc khảo sát của nội các Nhật Bản thiếu sót ở chỗ nó không đề cập đến số lượng người lớn trên 39 tuổi cũng là hikikomori.
Ông hiện đang làm việc với một trung tâm hỗ trợ hikikomori ở Fukuoka, nơi điều trị cho những người hikikomori ở mọi lứa tuổi, giúp họ tái hòa nhập xã hội.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cha mẹ thay đổi hành vi đối với con cái sống ẩn dật. Đồng thời, Kato cũng nói rằng các buổi trị liệu theo nhóm đã giúp đưa mọi người hòa nhập xã hội dễ hơn.
Với Iwai, khi anh còn là một thiếu niên, anh đã không được tham gia các trung tâm hỗ trợ như vậy. Thay vào đó, anh nói với CNN rằng lúc 20 tuổi, anh nhận ra rằng chỉ có anh mới có thể tự kéo mình ra khỏi tình trạng này. Dần dần anh bắt đầu liên lạc với bạn bè cũ, mạo hiểm ra khỏi nhà vào buổi tối để chơi bóng đá.
Trò chuyện nhóm tại trung tâm hỗ trợ có thể sẽ giúp những hikikomori tái hòa nhập xã hội
Các trường học ảo tại Nhật Bản
Đối với những người chưa thể bước chân ra khỏi nhà, có một sự lựa chọn thay thế đó là các trường trung học ảo.
Được thành lập bởi các công ty Nhật Bản với hy vọng phát hiện và phát triển các tài năng độc đáo, những ngôi trường này cho phép học sinh phát triển với tốc độ riêng của họ ngay tại nhà.
Những ngôi trường như vậy, cùng với các trung tâm hỗ trợ, bằng cách nào đó, đã giúp đỡ các hikikomori. Con số 541.000 người năm 2016 đã giảm 151.000 người so với năm 2010, theo khảo sát của nội các.
Hikikomori có thể tham gia học trực tuyến tại nhà, tuy nhiên đây chưa phải là cách giải quyết tận gốc (Ảnh minh họa: Wall Street Journal)
Kato nói rằng các trường học ảo giúp giới trẻ không bị mất liên lạc với xã hội. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh để giúp hikikomori tái hòa nhập hoàn toàn, họ cần phải bắt đầu tương tác trực tiếp với những người khác.
"Hiện vẫn còn một số người kỳ thị với hikikomori, nhưng nếu chúng ta muốn giúp họ, chúng ta cần phải đánh giá các nguyên nhân họ trở thành hikikomori và các thể loại hikikomori khác nhau", Kato nói.
Ông nói thêm thuật ngữ hikikomori hiện được sử dụng cả cho những người nhốt mình trong phòng hoàn toàn và những người thỉnh thoảng vẫn ra ngoài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.