Tại sao căng thẳng sắc tộc lại bùng phát ở miền bắc Kosovo?
Tại sao căng thẳng sắc tộc lại bùng phát ở miền bắc Kosovo?
Lê Phương (Reuters)
Thứ tư, ngày 28/12/2022 14:36 PM (GMT+7)
Hôm 27/12, người Serb biểu tình ở thành phố Mitrovica, phía bắc Kosovo đã dựng lên các chướng ngại vật mới. Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Serbia đặt quân đội trong tình trạng báo động cao nhất sau nhiều tuần căng thẳng leo thang giữa Belgrade và Pristina.
Theo Bộ Quốc phòng Serbia, Belgrade tin rằng Kosovo đang chuẩn bị tấn công người Serb và dùng vũ lực dỡ bỏ các chướng ngại vật. Chính vì thế, Tổng thống Aleksandar Vucic đã ra lệnh cho quân đội và cảnh sát Serbia đặt trong tình trạng báo động cao nhất.
Kosovo kêu gọi lực lượng gìn giữ hòa bình NATO dỡ bỏ các chướng ngại vật, đồng thời nói thêm rằng họ có khả năng và sẵn sàng hành động.
Tại sao lại có căng thẳng?
Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008, nhưng người Serb chiếm đa số tại khu vực phía bắc không công nhận điều này. Về mặt chính trị, họ vẫn trung thành với Serbia.
Phần lớn các nước phương Tây công nhận độc lập của Kosovo, song vùng ly khai chưa được trao ghế tại Liên Hợp Quốc, do Nga và Trung Quốc phản đối.
Người dân tộc Serb chiếm 5% trong tổng số 1,8 triệu người ở Kosovo, còn người dân tộc Albania chiếm khoảng 90%. Người Serb đã thể hiện sự thù địch của họ bằng cách từ chối trả tiền cho nhà điều hành điện của Kosovo và thường xuyên phản kháng lực lượng cảnh sát.
Tại sao căng thẳng bùng nổ?
Hôm 10/12, người Serb đã tổ chức biểu tình, dựng rào chắn và đọ súng với cảnh sát sau khi một cựu cảnh sát người Serb bị bắt giữ vì cáo buộc tấn công các sĩ quan cảnh sát.
Bế tắc diễn ra sau nhiều tháng rắc rối về vấn đề biển số xe hơi. Trong nhiều năm, Kosovo muốn khoảng 50.000 người Serb ở phía bắc đổi biển số ô tô Serbia của họ sang biển số do Pristina cấp. Vào ngày 31/7, Pristina đã công bố thời hạn 2 tháng để chuyển biển số, gây ra các cuộc phản đối, nhưng sau đó họ đã đồng ý lùi ngày thực hiện sang năm sau.
Các thị trưởng Serb ở những đô thị phía bắc, cùng với các thẩm phán địa phương và khoảng 600 sĩ quan cảnh sát, đã từ chức vào tháng 11 để phản đối việc chuyển đổi sắp xảy ra.
Người Serb muốn gì?
Người Serb ở Kosovo muốn thành lập một hiệp hội tại các đô thị với sự tham gia của đa số người Serb và được hoạt động với quyền tự chủ cao hơn. Serbia và Kosovo đạt được rất ít tiến bộ về vấn đề này kể từ khi cam kết tham gia cuộc đối thoại do EU tài trợ vào năm 2013.
Vai trò của NATO và EU
NATO có khoảng 3.700 quân đóng tại Kosovo để duy trì hòa bình. Liên minh cho biết họ sẽ can thiệp nếu sự ổn định trong khu vực bị đe dọa.
Trong khi đó, tính đến năm 2008, Phái bộ Pháp quyền của Liên minh Châu Âu (EULEX) vẫn có khoảng 200 sĩ quan cảnh sát đặc biệt đóng tại Kosovo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.