Tại sao dân kinh doanh lại mua vàng ngày vía Thần Tài mùng 10/2?
Tại sao dân kinh doanh lại mua vàng ngày vía Thần Tài mùng 10/2?
N.P
Chủ nhật, ngày 06/02/2022 10:57 AM (GMT+7)
Ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng (âm lịch, tức 10/2) hàng năm, người dân lại đổ xô đi mua vàng. Vậy tại sao dân kinh doanh lại mua vàng ngày vía Thần Tài mùng 10/2?
Từ xưa Thần Tài đã là vị Thần quen thuộc với mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người kinh doanh buôn bán. Cứ vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm, phong tục thờ vía Thần Tài lại diễn ra.
Nguồn gốc ngày vía Thần Tài
Thần Tài là một vị thần được nhiều gia đình người Việt thờ cúng, đặc biệt là ở những gia đình kinh doanh, buôn bán.
Thần Tài giúp bảo vệ của cải, đem tài lộc may mắn đến cho gia chủ. Về ngoại hình, Thần Tài thường tay cầm kim ngân lượng (vàng), bạc, đầu đội mũ mão, trang phục nghiêm chỉnh.
Về nguồn gốc ngày vía Thần Tài, TS. Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, có ít nhất 2 câu chuyện được dân gian lưu truyền lại.
Tượng Thần Tài thường được để ở nơi có nhiều bụi. Bởi theo quan niệm dân gian, chính bụi bặm sẽ đem lại tiền tài.
Theo một điển tích của Trung Quốc, được ghi chép trong "Sưu thần ký, có người lái buôn tên là Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một người hầu tên là Như Nguyệt. Sau khi đem Như Nguyệt về nhà được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra, trở nên giàu có
Một hôm, vào ngày mồng 1 Tết, không biết vì lý do gì Âu Minh đánh Như Nguyệt, cô sợ quá chui vào đống rác ở góc nhà.
Vợ Âu Minh không để ý nên vô tình quét nhà hót luôn cả đống rác có Như Nguyệt bên trong đổ đi. Từ đó về sau, nhà Âu Minh lại nghèo. Người ta đồn rằng, Như Nguyệt chính là thần Tài và lập bàn thờ để thờ.
Một câu chuyện khác, theo truyền thuyết từ xưa, Thần Tài là vị thần sống trên trời, trong một lần xuống dưới hạ giới do uống rượu say, đầu va vào đá nên không nhớ mình là ai.
Trong quá trình lưu lạc dưới nhân gian, quần áo Thần Tài mặc trên người bị người dân đem đi bán. May thay, khi Thần Tài đi lang thang ăn xin thì được một cửa hàng bán gà, vịt mời Thần Tài ăn, từ đó cửa hàng này đông nghịt khách hàng.
Được một thời gian, người bán hàng thấy Thần Tài chẳng làm gì mà suốt ngày được ăn uống ngon, lại toàn dùng tay ăn bốc, người thì bốc mùi.
Nghĩ Thần Tài sẽ làm khách sợ không dám đến ăn và hao phí đồ ăn cho người ăn mày nên người bán hàng mới đuổi Thần Tài đi. Quán đối diện thấy vậy liền mời Thần Tài vào ăn, kỳ lạ thay mọi người lại kéo hết sang quán này ăn.
Người dân khu vực đó thấy Thần Tài không có quần áo mặc nên dẫn đi mua. May mắn thay, Thần Tài tìm lại được đúng quần áo của mình.
Sau khi mặc quần áo, đội mũ nón, thì Thần Tài nhớ lại mọi chuyện và bay về trời. Mọi người coi Thần Tài như là báu vật và lập bàn thờ, tôn thờ từ đó.
Người Việt thường đổ xô đi mua vàng ngày Thần Tài với mục đích cầu tài lộc
Vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm, người Việt thường đổ xô đi mua vàng với mục đích cầu tài lộc. Người ta mua vàng và tích trữ trong nhà mong muốn có một năm sung túc, dồi dào tiền bạc, vận may. Càng mua được nhiều vàng, họ càng tin rằng năm mới sắp tới sẽ có nhiều của cải.
Đi mua vàng ngày vía Thần Tài phải chú ý chọn cửa hàng có uy tín, đảm bảo chất lượng. Khách hàng thường mua nhẫn tròn trơn 0,5-2 chỉ, nên chọn loại ép vỉ. Nếu mua nhẫn tròn trơn không ép vỉ khó xác định được chất lượng. Bởi nhẫn tròn trơn gia công do những cơ sở nhỏ lẻ sản xuất, không có đủ máy móc, công nghệ hiện đại nên có thể không đảm bảo đủ tuổi hay còn gọi là vàng non.
Còn với vàng miếng nên yêu cầu xuất hóa đơn tài chính, ghi rõ seri miếng vàng loại 0,5 chỉ hoặc 1 lượng.
Người làm kinh doanh thờ Thần Tài nên làm lễ ở nơi kinh doanh chứ không nên làm ở đình, chùa. Người không kinh doanh có thể cúng ở nhà hay đình chùa đều được, vì bản thân "thổ địa" thờ tại nhà cũng kiêm chức năng của Thần Tài.
Tuy nhiên, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, việc mua vàng đầu năm cũng được coi là một hình thức tiết kiệm của người Việt Nam.
Trong tâm lý, thói quen của người Việt, vàng vẫn được coi là kênh đầu tư và "giữ tiền" an toàn nhất. Hầu như trong mỗi gia đình được coi là đủ điều kiện thì đều có một vài chỉ vàng "giắt lưng" đề phòng khi cần chi tiêu.
Ngày nay, khi mà gửi tiền ngân hàng vẫn còn phải liên quan đến thủ tục; các kênh đầu tư khác cần vốn lớn và đầy biến động; còn ngoại tệ thì không phải ai cũng thành thạo, quen thuộc thì vàng vẫn là thứ mà người dân Việt nghĩ đến nhiều nhất mỗi khi muốn tiết kiệm, để dành.
Bên cạnh đó, với nhiều người mua vàng đầu năm nhằm giúp tiết kiệm tránh lãng phí sau thời điểm ăn Tết chi tiêu nhiều.
Có nên mua vàng trong ngày “vía thần Tài”?
Theo các chuyên gia phong thủy, câu chuyện về ngày “vía thần Tài” được một số người làm kinh doanh (đặc biệt những người buôn vàng) tuyên truyền mạnh nhằm thúc đẩy việc bán hàng đầu năm. Nhờ “ăn theo” ngày “vía thần Tài”, lượng vàng bán ra tại các cơ sở kinh doanh mặt hàng trong tháng Giêng đột ngột tăng vọt.
Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị: Giá vàng trong ngày “vía thần Tài” thường được đẩy lên rất cao, ngay sau đó vài ngày sẽ nhanh chóng giảm hàng trăm nghìn đồng/cây. Như vậy, may mắn đâu chưa thấy, nhưng mua hôm trước, vài hôm sau đã thiệt hàng trăm nghìn đồng/cây, thì sao gọi là may mắn?
Chính vì vậy, khuyến nghị đưa ra là người dân không nên đổ xô đi mua vàng trong ngày này, vừa bị mua đắt, lại phải chen lấn ảnh hưởng đến sức khỏe. “Nếu mua 1 chỉ để “lấy may”, vui vẻ tinh thần thì không sao. Nhưng nếu mua nhiều, thì chắc chắn sẽ thiệt hại nếu giá vàng quay đầu giảm sau ngày “vía thần Tài”.
Ngày vía Thần Tài có nên mua bạc không?
Trong ngày vía Thần Tài, mọi người thường đi mua vàng để cầu mong một năm mới đủ đầy, sung túc và may mắn. Tuy nhiên giá vàng luôn ở mức cao, đặc biệt vào ngày vía Thần Tài có thể tăng đột biến.
Không ít người quan tâm đến câu hỏi: Liệu ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng có mua bạc được không?
Nhiều chuyên gia chia sẻ, thay vì mua vàng, người dân có thể mua một nén bạc, đồng tiền bạc hay kim loại… để cầu may mắn. Bạc tuy có giá trị không cao bằng vàng, nhưng đây vẫn là một kim loại quý thường biểu tượng cho tiền tài và của cải. Từ xưa đến nay người ta vẫn sử dụng bạc để tích lũy, làm tiền xu, bạc nén, trang sức, vật dụng trong gia đình…
Bên cạnh đó, các vật phẩm phong thủy như tượng thần tài, tượng phật di lặc, tỳ hưu... cũng có thể đem lại vượng khí và tài lộc.
Ngoài ra, trong năm mới chúng ta có thể lựa chọn hình thức gửi tiết kiệm, mua bảo hiểm, đầu tư vào học tập và sức khỏe, trau dồi kỹ năng sống, làm từ thiện,... cũng là một số cách để ta gặt hái được thêm nhiều thành công trong công việc và cuộc sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.