Tại sao GS Bảo Châu chịu nhận biệt thự triệu đô?

Thứ sáu, ngày 02/09/2011 06:33 AM (GMT+7)
Dân Việt - Khi ông Đào Hồng Tuyển có nhã ý tặng biệt thự này cho cá nhân tôi, quả thực tôi đã suy nghĩ rất nhiều và thấy rằng đây là một tấm lòng rất chân thành của ông Đào Hồng Tuyển...
Bình luận 0

GS Ngô Bảo Châu - chủ nhân Giải thưởng Fields Toán học 2010 hiện là giảng viên khoa Toán tại đại học Chicago (Mỹ). Mặc dù phần lớn thời gian ở bên Mỹ, nhưng mới đây khi bắt đầu đảm nhận vị trí Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán tại Việt Nam, mỗi năm anh sẽ dành 3 tháng hè về nước công tác.

Trong lần trở về Việt Nam này - từ cuối tháng 6 đến nay, GS Ngô Bảo Châu không chỉ dồn sức cho Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán mà còn tham gia vào rất nhiều hoạt động có ý nghĩa khác như giao lưu với các thủ khoa xuất sắc; phối hợp lập dự án tủ sách “Cánh cửa mở rộng”; thúc đẩy thành lập một Quỹ ủng hộ khoa học; cũng như tham gia các công tác xã hội khác

img
Trong lần về nước từ cuối tháng 6 đến nay, GS Ngô Bảo Châu đã tham gia vào nhiều hoạt động có ý nghĩa. Ảnh: Đàm Duy

Chào GS Ngô Bảo Châu, anh có thể chia sẻ vì sao một con người luôn bận rộn như anh lại có sự dàn trải ngoài công tác nghiên cứu khoa học và tổ chức tại Viện Toán như thế?

- Tôi nghĩ đơn giản là với vị trí của tôi hiện nay thì sự có mặt, cổ vũ của tôi sẽ có tác động nào đó đến sự phấn đấu học tập của các bạn trẻ. Vậy nên trong điều kiện thời gian cho phép, tôi sẵn sàng tham gia vào các hoạt động có ích như buổi giao lưu với các bạn thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường Đại học, Học viện năm 2011 ở Hà Nội vừa qua.

Còn tủ sách “Cánh cửa mở rộng” là một dự án mà tôi và nhà văn Phan Việt phối hợp với NXB Trẻ tổ chức dịch những cuốn sách mà hy vọng sẽ mở ra cho người đọc cánh cửa bước vào thế giới mới của tri thức và trải nghiệm, hoặc là một sự thôi thúc để bạn đọc khám phá một thế giới mới.

Hiện nay tôi cũng đang tiếp tục triển khai thành lập “Quỹ Hạt vừng” - một quỹ hỗ trợ cho các tài năng khoa học ở Việt Nam. Tuy còn một số khó khăn khiến quỹ này chưa ra đời được nhưng tôi hy vọng quỹ sẽ sớm được đi vào hoạt động.

Như giáo sư vừa đề cập đến tác động cổ vũ đối với các bạn trẻ, anh có thấy rằng Giải thưởng Fields mình nhận được cách đây một năm, ngoài niềm tự hào cho cá nhân thì đó còn là hy vọng và niềm tin để phấn đấu cho cả một lớp trẻ?

- Sự thiếu thốn nhất của toán học nước ta bây giờ có lẽ là niềm tin! Niềm tin của con người với nhau và niềm tin của mỗi người với chính bản thân mình. Điều tôi làm được và cố gắng làm là dùng uy tín cá nhân mình có để củng cố, khơi dậy niềm tin đó. Vì không có niềm tin, chúng ta sẽ không sống được.

Giáo sư có kỳ vọng gì khi Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán đã chính thức được thành lập và đi vào hoạt động?

- Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán là một mô hình mới có khả năng làm khởi sắc cho toán học Việt Nam cũng như một số ngành khoa học có liên quan. Mô hình này hoạt động khá linh hoạt. Ví dụ như mỗi khi nhìn thấy một hướng đi, một đề tài có khả năng thực thi ở Việt Nam, chúng tôi sẽ triển khai việc đó dựa trên cơ sở vật chất của Viện, kinh phí nhà nước cấp cho.

Chính vì sự linh hoạt đó, chúng tôi hy vọng tạo ra sự thúc đẩy cho các nhà khoa học đang làm việc trong nước, cũng như thu hút bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài quay trở về nước làm việc; đồng thời cuốn hút các nhà khoa học nước ngoài sang làm việc ở Việt Nam lâu hơn. Không phải là 1 tuần, 2 tuần mà là 2-3 tháng, như vậy mới có đủ thời gian và kiến thức để các nhà khoa học chúng ta tiếp cận với ranh giới của khoa học hiện đại.

img
Điều mà GS Ngô Bảo Châu đang làm được và cố gắng làm là dùng uy tín cá nhân mình có để củng cố, khơi dậy niềm tin cho mọi người vào toán học. Ảnh: Đàm Duy

Khi đảm nhiệm cương vị Giám đốc Khoa học của Viện, vai trò chính của giáo sư là gì?

- Vai trò của tôi là chịu trách nhiệm tổ chức các nhóm nghiên cứu, chọn ra những người thực sự làm được khoa học, đúng ngành nghề, chuyên môn, có khả năng phát triển và tương lai tốt. Tất nhiên, tôi sẽ được hỗ trợ bởi hội đồng khoa học khoảng 15 người nhưng tôi sẽ phải chịu trách nhiệm chính.

Một năm trước đây, sau khi giành giải thưởng Fields, GS Ngô Bảo Châu đã được Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu - ông Đào Hồng Tuyển ngỏ ý tặng biệt thự triệu USD và anh đã từ chối. Nhưng cách đây ít ngày anh đã chính thức nhận căn biệt thự về cho Viện Toán. Tại sao lại có sự thay đổi từ “lắc” sang “gật” như vậy?

Chiều 30.8 tại Tuần Châu, Quảng Ninh, GS Ngô Bảo Châu đã đại diện cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán để nhận căn biệt thự ven biển trị giá 3 triệu USD do ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu trao tặng. Dự kiến, Viện sẽ sử dụng biệt thự này để làm nơi làm việc, nghỉ ngơi của cán bộ trong Viện và khách quốc tế; trước mắt sẽ tổ chức các cuộc hội thảo quy mô nhỏ tại đây.

- Khi ông Đào Hồng Tuyển có nhã ý tặng biệt thự này cho cá nhân tôi, quả thực tôi đã suy nghĩ rất nhiều và thấy rằng đây là một tấm lòng rất chân thành của ông Đào Hồng Tuyển. Nhưng mặt khác, tôi suy nghĩ rằng bản thân mình đã nhận được rất nhiều thứ, từ điều kiện giáo dục trong gia đình, điều kiện học tập, làm việc rất tốt nên đã đến lúc này tôi cảm thấy không muốn nhận thêm bất cứ món quà của ai nữa. Đã đến lúc mình nên nghĩ cái gì cho được thì cho chứ tôi không muốn nhận của mọi người nữa.

Nhưng khi món quà của ông Đào Hồng Tuyển - là của một cá nhân tặng cho Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, tặng cho khoa học Việt Nam, thì đó là một việc rất ý nghĩa. Tôi hoàn toàn ủng hộ và cảm ơn tấm lòng trân trọng của ông Đào Hồng Tuyển qua món quà này.

Nhận lời công tác tại Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán đồng nghĩa với việc GS Ngô Bảo Châu sẽ phải dành ra khoảng 3 tháng mỗi năm ở Việt Nam. Điều đó ảnh hưởng thế nào tới công việc và cuộc sống của anh hiện nay?

img
Điều khiến GS Ngô Bảo Châu lo ngại là hiện nay hầu hết các bạn trẻ Việt Nam làm toán giỏi đều đang làm việc ở nước ngoài. Ảnh: Đàm Duy

- 3 tháng ở Việt Nam, bên cạnh việc tổ chức hoạt động ở Viện, tôi cũng muốn bản thân mình tham gia vào công tác khoa học, làm nghiên cứu cùng các cán bộ nghiên cứu toán học ở Việt Nam.

Mặc dù hoạt động của Viện diễn ra quanh năm, nhưng tôi không nhất thiết phải có mặt ở Việt Nam thường xuyên. Tôi sẽ tham gia vào các cuộc họp chính để xây dựng kế hoạch công việc cho Viện. Ngoài ra, việc điều hành thường xuyên của Viện đã có GS Lê Tuấn Hoa - Giám đốc Điều hành của Viện đảm nhiệm.

Nói về những người học toán, nghiên cứu toán và nền toán học Việt Nam hiện nay, đâu là điểm khiến giáo sư thấy lạc quan nhất và cả lo ngại nhất?

- Điều làm tôi lạc quan là số lượng các bạn trẻ Việt Nam làm toán giỏi còn rất nhiều. Nhưng điều khiến tôi lo ngại là hầu hết các bạn này đang làm việc ở nước ngoài. Vì vậy ở Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, một điều mà tôi rất muốn làm là thu hút các bạn đó về Việt Nam. Có thể không về làm việc vĩnh viễn được thì các bạn ấy cũng về hoạt động một thời gian và có sự tương tác với các nhà khoa học làm việc ở Việt Nam. Như vậy thì hướng nghiên cứu có tính thời sự nhất dần dần cũng sẽ được triển khai ở Việt Nam.

Cảm ơn GS Ngô Bảo Châu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem