Tại sao Hòa Bình đứng đầu danh sách xếp hạng quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản?
Tại sao Hòa Bình đứng đầu danh sách xếp hạng quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản?
Khánh Nguyên
Thứ hai, ngày 12/04/2021 19:05 PM (GMT+7)
Theo Thông báo số 2120/TB-BNN-VP ngày 12/4/2021 thông báo kết quả xếp hạng các địa phương về triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2020 của Bộ NNPTNT, tỉnh Hòa Bình đứng đầu danh sách những địa phương triển khai tốt, trong khi Tây Ninh có số điểm thấp nhất.
Hòa Bình đứng đầu danh sách thực hiện tốt quản lý an toàn thực phẩm
Cụ thể, Thông báo số 2120 của Bộ NNPTNT nêu rõ: Căn cứ Quyết định số 4070/QĐ-BNN-QLCL ngày 14/10/2015 của Bộ NNPTNT về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, xếp hạng công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tại các địa phương;
Căn cứ hồ sơ kết quả tự đánh giá chấm điểm triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm năm 2020 của các địa phương;
Xét đề nghị của Hội đồng thẩm định của Bộ NNPTNT về kết quả xếp hạng các địa phương về công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản năm 2020, Bộ NNPTNT thông báo Kết quả xếp hạng triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2020 của các địa phương.
Theo đó, tỉnh Hòa Bình đứng đầu danh sách những địa phương triển khai tốt với 92 điểm.
Tiếp đến là Cần Thơ, Long An được đánh giá 90 điểm; Hà Nội, Lâm Đồng 89 điểm.
Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Bạc Liêu, Hải Dương nằm trong top 10 địa phương triển khai tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2020.
Hà Tĩnh, Hà Giang, Nam Định, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Quảng Ninh, Tiền Giang, Đồng Nai, Quảng Bình, Thái Nguyên cũng là những địa phương được xếp vào nhóm triển khai tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2020.
Trong khi đó, Lào Cai, Bình Định, Phú Yên, Sơn La, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hưng Yên, Ninh Thuận, Kiên Giang, Quảng Trị, Bắc Ninh, Nghệ An,... là những địa phương được xếp vào nhóm triển khai đạt yêu cầu công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2020.
Những địa phương đạt yêu cầu nhưng có số điểm thấp so với các địa phương khác gồm: Tây Ninh, Cà Mau, Cao Bằng, Bình Dương, Hậu Giang, Bình Phước...
Tăng cường kiểm tra, xử lý an toàn thực phẩm, cách làm của Hòa Bình
Một trong những cách làm giúp tỉnh Hòa Bình đứng đầu danh sách các địa phương triển khai tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2020 là tăng cường thanh kiểm tra, xử phạt và công khai các đơn vị làm tốt cũng như các đơn vị vi phạm.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hòa Bình, cách đây 2-3 năm, từ kết quả thanh, kiểm tra của ngành NNPTNT cho thấy tại các vùng nông sản của tỉnh, dư lượng kháng sinh trong các sản phẩm lợn, gà, kháng sinh cấm trong cá nuôi, hóa chất trong sản phẩm chế biến (thịt gia súc, gia cầm) tương đối cao (10-20%).
Nhờ công tác thanh, kiểm tra kết hợp tuyên truyền, đồng thời tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, tỷ lệ vi phạm nêu trên giảm mạnh.
Hiện, gần như không phát hiện thấy dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất.
Các vi phạm chủ yếu còn tồn tại đối với sản xuất, kinh doanh sản phẩm chế biến như giò, chả lợn, chả cá các loại. Tỷ lệ vi phạm tại các vùng nông sản của tỉnh hiện còn 1-2%.
Không những thế, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hòa Bình còn công khai các đơn vị vi phạm cũng như đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Đơn cử, tháng 11/2020, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hòa Bình công khai quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 01 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là 4 triệu đồng là Công ty cổ phần Dịch vụ Sen Hồng - Chi nhánh căng tin Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Hành vi vi phạm là vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm.
Trong khi đó, các bếp ăn tập thể chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm trong đợt kiểm tra cuối năm 2020 cũng được công khai trên website của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hòa Bình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.