Tháng 2/1872, một nhóm các nhà sư đã đột nhập vào cung điện hoàng gia, mong được yết kiến thiên hoàng. Kết cục là nửa số nhà sư đã bị lính hoàng gia giết chết. Họ hiểu điều gì chờ đợi mình trong cuộc đột nhập ấy nhưng vẫn quyết thực hiện. Với họ, việc bãi bỏ lệnh cấm ăn thịt đã kéo dài nhiều thế kỷ của Thiên hoàng là điều kinh khủng với Nhật Bản.
Vì sao người Nhật Bản từng không ăn thịt?
Theo Atlas Obscura, trong khoảng 12 thế kỷ, người xứ anh đào hầu như không đụng đến miếng thịt nào. Đặc biệt là thịt bò. Loại thịt này là điều cấm kỵ. Một số đền thờ từng ra luật người ăn phải nhịn trong hơn 100 ngày để chuộc tội.
Các lệnh cấm có thể kể tới như người ăn thịt dê rừng, chó sói, thỏ, chó hay gấu trúc phải ăn năn 5 ngày trước khi tới đền thờ. Người ăn lợn, nai phải ăn năn 60 ngày. Trong khi đó, người ăn bò, ngựa phải ăn năn tới 150 ngày.
Câu chuyện tưởng chừng vô lý này bắt đầu từ thế kỷ thứ 6. Phật giáo du nhập vào Nhật Bản từ Hàn Quốc. Thời kỳ này, người Nhật vẫn ăn thịt. Họ thích thịt nai, lợn rừng và nhiều loại khác. Những món thịt rừng là đồ ăn không thể thiếu trong các bàn tiệc quý tộc.
Tuy nhiên, theo quan niệm Phật giáo, con người có thể đầu thai thành những sinh vật khác, kể cả động vật. Do đó, khi ăn thịt, chúng ta có khả năng đang ăn chính... tổ tiên của mình. Điều này đối với những người có đức tin thực sự ghê rợn.
Đến năm 675, hoàng đế Tenmu ban hành sắc lệnh cấm ăn thịt bò, ngựa, chó, gà và khỉ đúng vào mùa canh tác (tháng 4-9). Qua thời gian, lệnh cấm này được mở rộng suốt cả năm với tất cả loại thịt.
Thực tế, từ trước khi có lệnh cấm, thịt cũng không phải một phần thiết yếu trong cuộc sống của đa số người dân. Nhật Bản là quốc đảo. Cá và hải sản mới là những mặt hàng phổ biến nhất.
"Protein được cung cấp chủ yếu nhờ gạo chứ không phải thịt hay sữa", nhà sử học Naomishi Ishiga từng viết.
Việc chăn nuôi ở quốc đảo rất khó khăn. Do đó, việc ăn những con vật có ích cho nông nghiệp cũng không được khuyến khích.
Tuy lệnh cấm được ban hành, không phải ai cũng chấp hành, nhất là giới quý tộc. Nhiều ghi chép cho thấy họ từng gửi thịt lợn, thịt bò và sữa làm lễ vật tới hoàng đế. Vào thế kỷ 18, gia tộc Hikone từng gửi món quà là bò ngâm sake cho các shogun (mạc chúa). Quà được đóng trong gói dán nhãn "thuốc".
Theo Atlas Obscura, dù bị cấm, thịt vẫn được xem là loại thực phẩm có dược tính. Thậm chí, các nhà sư đôi khi cũng ăn thịt theo đơn thuốc. Ngoài ra, một số loại thực phẩm như chim, cá heo hay cá voi vẫn được chấp nhận.
"Phật giáo có những điều răn dạy về việc đầu thai cũng như cấm ăn thịt động vật có vú. Đức tin mạnh mẽ khiến nhiều người nghĩ nếu họ ăn động vật có vú, sau khi chết, họ sẽ đầu thai thành chúng.
Trong vài dịp hiếm hoi ăn thịt, người Nhật sẽ nấu bằng bếp ngoài trời. Sau khi ăn, họ phải tránh nhìn bàn thờ để không làm ô uế nơi tâm linh", Ishige viết.
Sự thay đổi của Thiên hoàng Minh Trị
Đến khoảng thế kỷ 16, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đặt chân tới xứ anh đào. Họ nói với người dân ở đây việc coi uống sữa như uống máu và lệnh cấm thịt bò là điều vô lý.
Lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi thậm chí còn đã hỏi các nhà truyền giáo rất nhiều về vấn đề này. Ông thắc mắc tại sao có thể ăn thịt bò trong khi nó là con vật hữu ích cho các trang trại.
Sự thay đổi chỉ thực sự đến vào cuối thế kỷ 19. Khi Thiên hoàng Minh Trị lên nắm quyền, ông chủ trương thay đổi cơ cấu chính trị, mở cửa bên ngoài, nhanh chóng tiếp thu công nghệ phương Tây.
"Thời kỳ này, nhiều người bắt đầu nghĩ việc người Nhật có thể hình thua kém dân phương Tây là do họ không ăn thực phẩm từ thịt và sữa", Ishige viết.
Chính quyền Minh Trị bắt đầu xóa bỏ những điều cấm kỵ trong chế độ ăn uống xa xưa. Các công ty sản xuất thịt, sữa bắt đầu xuất hiện. Chính thiên hoàng cũng đã ăn thịt để chào đón năm mới (1872) nhằm thuyết phục người dân bỏ quan niệm không ăn thịt.
Điều này đã dẫn đến việc các Phật tử và người nông dân (chủ yếu sống nhờ vào động vật để làm đồng) phản đối.
Cũng trong năm 1872, một sắc lệnh đã được ban hành. Trong đó viết: "Thịt bò là loại thực phẩm bổ dưỡng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cố ngăn cản nỗ lực phương Tây hóa của chúng ta bằng cách bám vào quan niệm cổ xưa. Điều này đi ngược với mong muốn của thiên hoàng".
Sau thời gian dài, nỗ lực của thiên hoàng cũng đã thành công. Nhật Bản mở cửa với thế giới, nhập khẩu và học hỏi những món ăn từ thịt của Hàn Quốc, Trung Quốc và phương Tây. Không lâu sau, những nhà hàng phục vụ thịt kiểu Tây tràn ngập thành phố. Các nhà hàng Nhật Bản cũng bắt đầu kinh doanh bò hầm thuốc (sau này phát triển thành sukiyaki nổi tiếng).
Tới nay, thịt đã trở thành một phần thiết yếu trong bữa ăn của người Nhật, chẳng kém gì sushi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.