Mỹ, Nhật Bản đều thích mua loại thủy sản này của Việt Nam, doanh nghiệp vẫn lo đứt đơn hàng
Mỹ, Nhật Bản đều thích mua loại thủy sản này của Việt Nam, doanh nghiệp vẫn lo đứt đơn hàng
Khánh Nguyên (ghi)
Chủ nhật, ngày 29/08/2021 19:05 PM (GMT+7)
Nhờ Mỹ, Nhật Bản tăng mua, xuất khẩu thủy sản 7 tháng năm 2021 đạt con số ấn tượng, 4,98 tỷ USD. Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, ngành chức năng, địa phương cần triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng ngành thủy sản.
Là một trong những ngành chịu nhiều tác động của dịch Covid-19, thời gian qua, Bộ NNPTNT đã triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, thưa Thứ trưởng?
- Để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, Bộ đã thành lập 2 tổ công tác phía Bắc (3430) và phía Nam (970) để rà soát, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về các cơ sở cung ứng và kết nối tiêu thụ cho các sản phẩm nông thủy sản.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn lưu thông, vận chuyển vật tư, bao bì, nguyên liệu, thức ăn, con giống phục vụ sản xuất, chế biến thủy sản.
Trực tiếp kiểm tra, khảo sát thực tế tại một số vùng nguyên liệu, các nhà máy chế biến trọng điểm để nắm bắt tình hình cung ứng thủy sản cho các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Bộ đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước, các địa phương và hiệp hội ngành hàng nắm bắt và phối hợp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ, vận chuyển nông thủy sản tại các địa phương trong điều kiện dịch Covid-19.
Xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm rất khả quan, đạt trên 4,97 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ 2020.
Mỹ, Nhật Bản là 2 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đạt lần lượt là 1,14 tỷ USD và 802 triệu USD, tăng 36% và 1,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, trong nửa đầu tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 263,8 triệu USD, giảm 41% so với nửa cuối tháng 7/2021.
Đến nay, các tỉnh phía Nam đã tổng hợp được 1.166 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký qua Tổ công tác 970, trong đó có 423 đầu mối thủy, hải sản - chăn nuôi. Bộ đã xây dựng và đưa vào hoạt động trang web kết nối cung cầu sản phẩm tại địa chỉ htx.cooplink.com.vn.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 được xác định là có thể kéo dài, Thứ trưởng cho biết, Bộ NNPTNT chuẩn bị kịch bản ra sao để đồng hành cùng doanh nghiệp?
- Theo thống kê sơ bộ, hiện có 123 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Nam Bộ tạm dừng sản xuất, còn 326/449 cơ sở tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục sản xuất, chiếm 65%.
Tuy nhiên, do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30 - 40% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16.
Bộ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của 2 tổ công tác và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hiệp hội ngành hàng để nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, vận chuyển và tiêu thụ thủy sản.
Chỉ đạo xuyên suốt các địa phương đảm bảo đủ con giống, thức ăn, nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất thủy sản và duy trì hoạt động của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, tránh đứt gẫy chuỗi sản xuất.
Tiếp tục có các đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại từng thời điểm, từng điều kiện, tình huống cụ thể.
Dự báo, trong tháng 8 và tháng 9/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ chậm lại do dịch bùng phát tại các tỉnh phía Nam ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp.
VASEP đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch Đầu tư góp ý dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19. Bộ NNPTNT có đưa ra kiến nghị hay đề xuất gì thêm không, thưa Thứ trưởng?
- Bộ NNPTNT tiếp tục kiến nghị Chính phủ ưu tiên và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho 100% lực lượng lao động trong các nhà máy chế biến thủy sản đang thực hiện "3 tại chỗ" và các cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản liên kết với nhà máy theo chuỗi giá trị.
Kiến nghị Bộ Y tế sớm hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức huấn luyện cho các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện "y tế tại chỗ" để phòng ngừa dịch bệnh trong thời gian dài, giảm tải cho các cơ sở y tế công cộng.
Kiến nghị Bộ GTVT triển khai thực hiện các đề xuất của Bộ NNPTNT tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông thủy sản tại các địa phương trong điều kiện dịch Covid-19; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc linh hoạt, thống nhất trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa để vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa duy trì phát triển sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.