Tại sao Quảng Ninh vẫn quyết lựa chọn BOT trong thời điểm "nóng"?

Hải Long Thứ sáu, ngày 26/01/2018 19:30 PM (GMT+7)
Trong thời điểm mà nhiều địa phương còn dè dặt khi nhắc tới từ “BOT”, Quảng Ninh vẫn lựa chọn hình thức đầu tư xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và xây dựng – chuyển giao (BT) để thực hiện hàng loạt dự án giao thông đường bộ, đường không và đường biển... Đâu là lý do để Quảng Ninh quyết tâm đi theo con đường “nóng bỏng” này?
Bình luận 0

Lựa chọn về đích sớm

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn đến với Quảng Ninh và thực hiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm. Điển hình như dự án Cảng hàng không Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng, là điểm nhấn quan trọng trong kết cấu hạ tầng giao thông của Quảng Ninh, động lực để phát triển Vân Đồn trở thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Ngoài ra, còn có các dự án nghìn tỷ đồng khác gồm tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng với tổng vốn đầu tư trên 13.000 tỷ đồng; dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương theo hình thức BOT với tổng kinh phí gần 14.000 tỷ đồng.

img

Thi công nền đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long. Ảnh: Đỗ Phương.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu đầu tư các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, như: Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức BOT, Cảng khách quốc tế Hòn Gai theo hình thức BOT và dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả theo hình thức BT, dự kiến sẽ nâng tổng số vốn xã hội hóa công trình giao thông trên địa bàn nên khoảng 60.000 tỷ đồng.

Từ các dự án này, Quảng Ninh đang sở hữu khá nhiều cái nhất, như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay đầu tiên trong cả nước do tư nhân đầu tư, mở đầu cho giai đoạn phát triển sân bay mới của Việt Nam; Cầu Bạch Đằng, công trình điển hình của ngành giao thông vận tải, dù là công trình thi công phức tạp, song lại do chính các nhà đầu tư trong nước triển khai từ khâu thiết kế, thi công, giám sát; Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái nối với cao tốc Hải Phòng - Móng Cái (có chiều dài gần 200km), khi hoàn thiện sẽ là tỉnh tiên phong, đóng góp gần 200km đường cao tốc trong kế hoạch phát triển 2.000km đường cao tốc đến năm 2020 được Chính phủ xây dựng; Tuyến cao tốc của Quảng Ninh kết nối với tuyến cao tốc kéo dài từ Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai sẽ trở thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam hiện nay, là hành lang đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía bắc Việt Nam với Trung Quốc.

Đến nay, dù các dự án chưa hoàn thành, song có thể thấy rõ những tác động to lớn. Đó là sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược, sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để đồng hành cùng Quảng Ninh triển khai các dự án giao thông và các dự án phát triển khác. Điều này sẽ làm thay đổi một cách toàn diện về hạ tầng giao thông kết nối tại Quảng Ninh. Và quan trọng hơn, đó là đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội không những của riêng Quảng Ninh mà là của cả khu vực. Đặc biệt, đó là tam giác kinh tế trọng điểm phía bắc: Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội.

“Gạn lọc” BOT

Để có được mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì Quảng Ninh phải chờ đến 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Trong bối cảnh nguồn vốn bố trí cho các công trình giao thông của Nhà nước còn hạn hẹp, nhiều công trình mục tiêu quốc gia cần được ưu tiên vốn, Quảng Ninh đã rất mạnh dạn, chủ động đề xuất Chính phủ cho phép tỉnh tự huy động các nguồn vốn để triển khai đường cao tốc.

img

Cầu Bạch Đằng nối Quảng Ninh và Hải Phòng đang gấp rút được xây dựng. Ảnh: Đỗ Phương.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cách làm của Quảng Ninh là khá táo bạo, bởi đây là việc làm chưa có tiền lệ, địa phương cấp tỉnh có thể tự triển khai dự án lên đến hàng nghìn tỷ đồng. “Cách làm của Quảng Ninh và những công trình giao thông đang được Quảng Ninh triển khai là những điển hình cần nhân rộng trong cả nước về đổi mới tư duy phát triển hạ tầng giao thông, giảm bớt áp lực cho Chính phủ” – ông Công nói

Ông Bùi Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh phân tích: Kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT và BT, Quảng Ninh sẽ không phải sử dụng ngân sách vào đầu tư hạ tầng giao thông, cũng như thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng cho các dự án giao thông theo hợp đồng. Ước tính chỉ với 3 dự án đang triển khai thì số tiền duy tu, bảo dưỡng cũng lên khoảng 12 nghìn tỷ đồng. Như vậy, Quảng Ninh có thể dùng nguồn lực ngân sách này cho đầu tư các công trình hạ tầng có tính chất thiết yếu và phúc lợi xã hội để phục vụ dân sinh tốt hơn.

Một vấn đề đang được tỉnh Quảng Ninh nhìn nhận nghiêm túc, đó là bất cập trong quản lý các trạm BOT, như đã xảy ra tại một số tỉnh, thành khác. Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh, tất cả các trạm thu phí BOT phải có phương án cụ thể để kiểm tra, rà soát. Lợi ích của nhà đầu tư cũng như của người tham gia giao thông, người dân trong vùng đều phải được tính đến trên cơ sở công khai, công bằng.

Khi các “hạt sạn” của BOT được gạn lọc, cùng với giao thông hoàn thiện, Quảng Ninh sẽ phát huy thế mạnh của các Khu kinh tế trọng điểm trên địa bàn như: Khu kinh tế Vân Đồn (Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn trong thời gian tới); Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; Khu kinh tế Đầm Nhà Mạc - Quảng Yên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem