Bắc Giang: Thủ phủ vải thiều Lục Ngạn công khai đường dây nóng để ngăn chặn tình trạng này

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 02/06/2021 10:28 AM (GMT+7)
UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) công bố danh sách số đường dây nóng của 29 xã, thị trấn trên địa bàn, tiếp nhận mọi thông tin liên quan đến tình trạng ép giá, lùi cân và gian lận thương mại trong tiêu thụ vải thiều (nếu có) để xử lý kịp thời.
Bình luận 0

Theo UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), nhằm xử lý triệt để tình trạng ép giá, lùi cân và gian lận thương mại trong tiêu thụ vải thiều, hỗ trợ người dân tiêu thụ vải thiều thuận lợi trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, UBND huyện Lục Ngạn vừa công bố danh sách số đường dây nóng của 29 xã, thị trấn trên địa bàn.

Được biết, đường dây nóng sẽ hoạt động 24/24 giờ để tiếp nhận, kiểm tra và xử lý các vụ việc liên quan tới hoạt động tiêu thụ vải thiều trên địa bàn.

Bắc Giang: Thủ phủ vải thiều Lục Ngạn công khai đường dây nóng để ngăn chặn tình trạng này - Ảnh 1.

Danh sách đường dây nóng của UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) liên quan đến tiêu thụ vải thiều.

UBND huyện Lục Ngạn cũng công khai số của ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện (0866782188) và ông Nguyễn Văn Duân, Trưởng Công an huyện (0913072805) để người dân có thể phản ánh mọi vấn đề về tiêu thụ vải thiều trên địa bàn, giúp người dân bán vải thuận lợi, hạn chế tình trạng tiểu thương trục lợi.

Hiện, chỉ còn khoảng 1 tuần nữa Bắc Giang sẽ bước vào chính vụ thu hoạch vải thiều. 

Theo Sở NNPTNT Bắc Giang, do năm nay được mùa nên vải thiều chính vụ của Bắc Giang có sản lượng tới 140.000 tấn.

Do đặc tính chín nhanh, đồng loạt, dễ lên men, khó bảo quản... việc thu hoạch và tiêu thụ vải thiều phải được thực hiện cấp tập trong 1 tháng, việc tiêu thụ sẽ gặp không ít khó khăn.

Năm nay, Bắc Giang đẩy mạnh tiêu thụ vải ở thị trường nội địa (70%, tăng 20% so với các năm trước). 

Vì vậy, Bắc Giang đề nghị các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị ngoài tỉnh tăng cường kết nối với doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh để tiêu thụ nông sản người dân trên địa bàn tỉnh, trước mắt là vải thiều.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), để hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Giang, các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại đã cam kết vào cuộc đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều.

Ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành chuỗi siêu thị Big C và Go! khu vực miền Bắc (thuộc Central Retail) cho biết: Chuỗi siêu thị Big C và GO! đang tập trung thu mua vải của Bắc Giang, trưng bày ở những địa điểm dễ nhìn thấy. Ngoài ra, hệ thống siêu thị cũng đẩy mạnh chương trình kích cầu, bán hàng qua mạng để tăng lượng vải tiêu thụ đến người tiêu dùng.

Các hệ thống tiêu thị trung tâm thương mại lớn như BRG Mart, Co.op Mart Hà Nội, MM Mega Market, Vinmart… cũng đẩy mạnh thu mua và tiêu thụ vải thiều cho nông dân Bắc Giang.

Bắc Giang: Thủ phủ vải thiều Lục Ngạn công khai đường dây nóng để ngăn chặn tình trạng này - Ảnh 2.

Bắc Giang đề nghị các ngành chức năng, doanh nghiệp hỗ trợ tỉnh tiêu thụ vải thiều, nói không với từ giải cứu. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, sẽ hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ vải thiều an toàn trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Trong buổi làm việc với tỉnh Bắc Giang bàn giải pháp tiêu thụ vải thiều, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cũng khẳng định tinh thần "nói không với giải cứu".

"Lâu nay, mỗi khi tiêu thụ khó khăn, chúng ta thường thấy nói đến việc giải cứu nông sản. Trong các đợt dịch Covid-19, ở nhiều nơi cũng đã hình thành phong trào, xuất hiện nhiều điểm giải cứu nông sản. Tuy nhiên, theo tôi, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải loại bỏ tư duy giải cứu này mà cần có hành động cụ thể hơn" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nhìn vào các điểm giải cứu nông sản tự phát của người dân có thể cảm nhận rõ tinh thần đoàn kết, thương người của người dân Việt Nam rất cao, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, cần có một hành động nhất quán hơn để đảm bảo sự an toàn, cũng tránh được tình trạng bà con mua ủng hộ vì tình thương rồi bỏ đó, rất lãng phí công sức của bà con nông dân.

Để giúp người dân, các địa phương tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 đang phức tạp, ngay ngày 1/6, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng xây dựng những mô hình tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch một cách chính quy hơn, đảm bảo vừa tiêu thụ được nông sản vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng an toàn trong dịch bệnh.

Chúng tôi cũng hy vọng từ mô hình phối hợp giữa 3 đơn vị sẽ nhanh chóng phát triển thành hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng sẽ bàn với Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam để kết nối cung cầu, làm sao thông tin về sản lượng tiêu thụ nông sản phải thông suốt.

Bộ NNPTNT cũng sẽ kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị vận tải trong nước để không còn tình trạng ngăn sông cấm chợ, làm khó thêm quá trình vận chuyển. 

Trong dài hạn, Bộ NNPTNT sẽ thiết lập thông tin hai chiều để cung cấp đầy đủ thông tin về sản lượng, thời điểm thu hoạch cho các đơn vị phân phối, không đợi đến khi thu hoạch rồi mới thấy thừa hay thiếu.

Một số doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm cũng đã "xắn tay" vào cuộc. Cụ thể, Công ty cổ phần Thực phẩm Đồng Giao đã đẩy mạnh thu mua vải thiều, trung bình mỗi ngày đưa khoảng 200-250 tấn vải vào chế biến thành các sản phẩm đóng hộp.

Đây là hình thức hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả bởi hiện nay, ngoài nhu cầu bán quả tươi để ăn, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp thu mua để chế biến, đóng hộp, sấy khô… là rất quan trọng, rút ngắn hành trình tiêu thụ 140.000 tấn vải thiều của nông dân Bắc Giang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem