Vụ việc tài xế ô tô bị buộc bồi thường 400 triệu đồng sau tai nạn tại Sapa, Lào Cai đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.
Như đã thông tin, trưa 1.3, Hạng A Câu (15 tuổi, trú xã Sa Pả) điều khiển xe máy lưu thông theo hướng Lào Cai - Sa Pa và đâm trực diện vào ôtô 4 chỗ biển 24A do anh Nguyễn Trọng Nghĩa (30 tuổi, trú TP Lào Cai) chạy hướng ngược lại.
Cú va chạm mạnh khiến anh Câu tử vong tại chỗ, cả 2 phương tiện đều bị hư hỏng nặng.
Hiện trường vụ tai nạn.
Lúc này, người nhà nạn nhân và người dân kéo ra hiện trường đòi tài xế ôtô 4 chỗ buộc phải bồi thường 400 triệu đồng. Vụ việc gây ùn tắc giao thông nhiều giờ.
Lực lượng chức năng vận động song nhiều người thân nạn nhân không chấp hành, vẫn gây rối trật tự. Họ cản trở việc đưa thi thể ra khỏi hiện trường, yêu cầu phải bồi thường ngay. Trước sức ép của người dân, lái xe ô tô đã phải bồi thường 200 triệu.
Sau khi sự việc này xảy ra, nhiều người thắc mắc, tại sao ở hiện trường có nhiều công an nhưng không ngăn chặn việc đòi bòi thường của người nhà nạn nhân khi chưa rõ đúng sai? Cơ quan chức năng đã làm tròn trách nhiệm chưa?
Về vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, với tính chất vụ việc phức tạp như vậy, không thể trách lực lượng công an có mặt tại hiện trường.
Vị luật sư này cho rằng, lực lượng công an xử lý tình huống vào thời điểm như thế là có kinh nghiệm.
“Không thể trách lực lượng công an được, theo tôi được biết lúc đó công an cùng cơ quan chức năng cũng đã động viên nhưng gia đình nạn nhân không chấp hành. Nếu cứ cố gắng ngăn cản việc đòi tiền có thể lại có một hành vi vi phạm pháp luật khác xảy ra. Công an địa phương là người nắm rõ địa bàn, phong tục nên giải quyết vậy là có kinh nghiệm”, vị luật sư nói.
Theo quan điểm của luật sư Hòe, mục tiêu chính của công an và cơ quan chức năng địa phương vào thời điểm xảy ra vụ việc là bảo vệ hiện trường và đảm bảo an ninh trật tự. Tức là không để hành vi quá khích của người dân dẫn đến có thêm một sự việc đáng tiếc nữa.
"Có thể cơ quan chức năng địa phương biết việc gia đình nạn nhân đòi tiền bồi thường là sai, nhưng có những trường hợp pháp luật không thể không thể giải quyết ngay được mà phải theo quy trình tố tụng" - luật sư Hòe nói.
Cũng theo vị luật sư, sau khi sự việc xảy ra, cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra xem ai đúng ai sai, người nào có lỗi sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trong trường hợp lái xe ô tô không có lỗi, người này hoàn toàn yêu cầu gia đình nạn nhân hoàn trả lại số tiền 200 triệu, công an, chính quyền cũng phải có trách nhiệm thu hồi lại số tiền này. Nếu không trả lại có thể khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản.
Trả lời báo chí về vụ việc này, ông Trần Ngọc Sơn, Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh Lào Cai cho biết, quan điểm xử lý là cơ quan có thẩm quyền phải xác định rõ ai đúng, ai sai, sau đó sẽ xem xét các vấn đề về bảo hiểm, chế độ chính sách để có hướng giải quyết chứ không thể tùy tiện.
“Chúng tôi sẽ có văn bản trước hết yêu cầu Công an huyện Sa Pa phải điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý rõ ràng, nghiêm túc theo quy định của pháp luật”, ông Sơn khẳng định.
Về việc gia đình, người dân địa phương ùn ùn kéo đến đòi lái xe ô tô bồi thường 400 triệu đồng, gây ách tắc, cản trở giao thông. Cuối cùng phía lái xe ô tô phải đưa ra 200 triệu đồng mới tạm yên, ông Sơn cho biết hành vi này là trái pháp luật vì không theo quy định nào.
“Rất tiếc không hiểu sao lực lượng chức năng địa phương có mặt tại đó nhưng lại để xảy ra vụ việc này khi còn chưa xác định rõ bên đúng bên sai.
Trước mắt, vì việc đã rồi nên coi như đó là tiền tạm ứng. Còn sau khi có kết quả điều tra, chúng tôi sẽ yêu cầu làm rõ, nếu lái xe ô tô đi đúng thì bên kia sẽ phải trả lại số tiền”, ông Sơn nhấn mạnh.
Vụ việc tài xế ô tô bị buộc phải bồi thường 400 triệu đồng sau tai nạn giao thông tại Sapa vẫn đang được cơ quan chức năng xác minh làm rõ.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, cần khởi tố vụ án để điều tra, sau đó xác định lỗi của các bên tham gia giao thông mới có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Người nào vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Nếu có căn cứ xác định lái xe ôtô không có lỗi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Khi đó, hai bên tự thỏa thuận bồi thường dân sự. Nếu không đồng nhất, vụ việc sẽ do tòa án dân sự phân xử.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.