Tâm bão số 3 sẽ đi vào đồng bằng Bắc Bộ

Thứ sáu, ngày 29/07/2011 09:18 AM (GMT+7)
Dân Việt - Tuy khu vực đổ bộ của bão số 3 chưa thể xác định chính xác, nhưng nhiều khả năng là ở các tỉnh phía nam đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng Bắc bộ dự kiến tâm bão số 3 sẽ đổ bộ vào.
Bình luận 0

Bản tin phát đi của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T. Ư cho biết: Hồi 4h sáng nay 29.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 112,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến sáng ngày 30.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển phía Tây Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc).

img

Tới sáng 31.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 105,9 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển Thái Bình - Nghệ An. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh từ chiều và đêm 30.7, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Từ chiều tối ngày 30.7 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông.

Nhận định về cơn bão này, ông Bùi Minh Tăng- Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư cho biết: “Thời gian mà bão đổ bộ vào đất liền nước ta nội nhật trong chiều tối và đêm 30, rạng sáng 31.7. Tuy khu vực đổ bộ của bão chưa thể xác định chính xác được, nhưng nhiều khả năng là ở các tỉnh phía nam đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng Bắc bộ dự kiến tâm bão số 3 sẽ đổ bộ vào”

Cũng theo ông Tăng: “Đây là cơn bão cường độ rất mạnh khi tiếp cận bờ nhiều khả năng bão còn mạnh đến cấp 11, giật cấp 11 đến 12 và có thể là giật đến cấp 13. Do vậy, ở các tỉnh phía Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ đề phòng có gió cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Riêng ở Vịnh Bắc bộ và các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế khi bão hoạt động ở Vịnh Bắc bộ thì có gió cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật cấp 13, cấp 14 và biển động rất mạnh”.

Do ảnh hưởng của bão, tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiều khả năng sẽ xảy ra mưa lớn kéo dài từ chiều tối ngày 30.7 đến 1.8 với lượng mưa phổ biến từ 200-400mm, một số điểm có thể có lượng mưa lớn hơn. Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, đặc biệt là vùng nam đồng bằng là vùng trọng điểm của mưa bão.

Trong khi đó, theo báo cáo nhanh của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn Bộ Đội biên phòng, tính đến đầu giờ sáng nay 29.7, đã thông báo được tổng số 36.091 tàu, thuyền với 177.906 người và 1.701 lồng bè với 3.933 người biết vị trí, diễn biến của bão. Trong đó: Hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa: 24 tàu với 338 người của Quảng Ngãi. Hoạt động ở quần đảo Trường Sa: 178 tàu với 4.308 người. Hoạt động ven bờ, neo đậu các khu vực khác: 35.889 tàu với 173.260 người.

Sáng nay 29.7, Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư cũng thông báo thiệt hại đầu tiên của ngư dân trên biển. Cụ thể, ngày 27.7 tàu QNg95010, với 11 lao động do ông Nguyễn Văn Pho làm thuyền trưởng hành nghề lặn biển ở khu vực quần đảo Trường Sa, bị sóng lớn đánh chìm. Tuy nhiên, cả 11 người trên tàu được 1 tàu Philippin cứu vớt. Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo tiến hành xác minh thông tin về tàu và liên lạc với tàu Philippin để sớm đưa ngư dân được cứu trở về.

Cũng trong sáng nay, 29.7, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư đã yêu cầu các địa phương thực hiện một số biện pháp đối phó với bão như sau:

-Kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền trên biển, đặc biệt là tầu thuyền đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và vịnh Bắc Bộ; thông báo và yêu cầu chủ các phương tiện đang hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa di chuyển xuống phía nam để tránh xa vùng nguy hiểm. Chủ động cấm biển đối với các phương tiện hoạt động ở vịnh Bắc Bộ bao gồm cả tầu du lịch, tầu vận tải; hướng dẫn tàu thuyền, lồng bè trên biển vào nơi trú tránh an toàn.

-Triển khai sơ tán dân ở khu vực ven biển, cửa sông, khu nuôi trồng thủy sản, khu không đảm bảo an toàn. Chuẩn bị sẵn sàng di dời đảm bảo an toàn dân cư ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, vùng thấp trũng bị chia cắt khi xảy ra mưa lớn. Nghiêm cấm người ở lại các chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản và trên tầu thuyền tại khu neo đậu.

-Triển khai các phương án phòng chống bão đổ bộ trực tiếp vào đất liền bao gồm: chặt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng, các công trình công cộng, trường học, cơ sở y tế đối với khu vực có nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão.

-Triển khai bảo vệ đảm bảo an toàn các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, phối hợp với các địa phương ở hạ du đảm bảo an toàn cho nhà dân và tài sản khi xả lũ; đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng; các công trình đang thi công trên các tuyến đê biển, đê sông. Kiểm tra chặt chẽ việc dự trữ vật tư, phương tiện, thiết bị và lực lượng để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố.

-Chủ động tiêu nước đệm bảo vệ các trà lúa mới cấy, các thành phố trong vùng ảnh hưởng sẵn sàng đối phó với ngập úng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem