Bà Nguyễn Thị Loan -Trưởng ấp Tân Tiến hối hả dẫn chúng tôi đi xem tấm bia chứng tích 11 thầy cô giáo và gần 600 người dân bị sát hại trong cái đêm oan nghiệt. Tấm bia này được đặt ngay trên nền ngôi trường tiểu học cũ - nơi 11 thầy cô giáo bị giết hại dã man trong đêm.
Đêm đau thương…
Cán bộ Công đoàn giáo dục Việt Nam viếng bia tưởng niệm 11 thầy cô bị sát hại bởi Pôn Pốt năm 1977 tại xã Tân Lập, Tân Biên Vùng tệp đính kèm. Ảnh: T.Đ
"Người dân Campuchia ở biên giới hiền hậu, dễ thương lắm. Bà con hai nước vùng biên giao thương nhau suốt mà”.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh - nguyên Chủ tịch UBND
xã Tân Lập
|
Trong nhà bia, lá dầu vàng vọt vương vãi khắp sân. Tại cái giếng – nơi các thầy cô bị ném xác xuống, ai đó vừa thắp nén nhang. Bà Loan kể, tháng nào cũng vậy, một người đàn ông đi xe hơi đến nhà bia thắp nén nhang rồi lặng lẽ đi.
Không nói gì, tôi quơ vội cây chổi dựng hờ hững cạnh gốc cây dầu rồi quét những chiếc lá vương trên bậc thềm nhà bia thay một cử chỉ tưởng niệm những nạn nhân bị sát hại. 40 năm - kể từ khi chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, biết bao vật đổi sao dời nhưng cái đêm ác nghiệt ấy không ai ở xã Tân Lập quên.
Trước khi ghé nhà bia, chúng tôi tạt vào nhà ông Nguyễn Hữu Hạnh - nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Lập, lãnh đạo xã ngay thời điểm ấy. Ở cái tuổi 80 nhưng trông ông còn minh mẫn. Ông Hạnh kể, thời điểm đó, hầu hết người dân trong xã làm nghề nông. Đến 12 giờ kém 5 phút đêm 24.9.1977, bất ngờ ông Hạnh nghe thấy có tiếng dân la lối gần nhà. Ông bật dậy, mở cửa ra xem thì nghe có tiếng súng nổ đùng đoàng. Một trái pháo bắn vào gần cổng khiến ông té ngã. Định thần nhìn lại, ông thấy nhiều người dân chạy trên đường. Ông Hạnh liền trở vào nhà gọi điện báo tình hình cho huyện đội rồi bất chấp nguy hiểm, ông chạy ngược về ấp Tân Thạnh, nơi khói lửa ngất trời. Khi đến gần khu dân cư ông thấy bọn Pôn Pốt xả súng bắn vào dân rất dã man. Đau lòng nhất là có 11 thầy, cô giáo của Trường Phổ thông cấp 1 Tân Lập bị sát hại, ném xác xuống dưới giếng. Đến 9 giờ sáng hôm sau, lực lượng Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 lên tới, quân Pôn Pốt rút về nước. Ông Hạnh và lực lượng dân quân đi gom xác dân. Hầu hết những người không kịp chạy đều bị chúng giết hại.
“Thật đau xót! Sau sự kiện đau thương ấy, 70% người dân trong xã bị ám ảnh, sợ hãi đã bỏ nhà cửa ra đi. Có những người không trở lại quê nhà” - ông Hạnh bùi ngùi.
Năm 1999, tại địa điểm Trường Tiểu học Tân Lập, nơi có 11 thầy, cô giáo bị sát hại được đầu tư xây dựng khu chứng tích tội ác quân Khmer Đỏ, nhưng khá khiêm tốn. Theo ông Hạnh, trước đây, trong những lần dự họp ở huyện, tỉnh, ông đều đề nghị nên đầu tư xây dựng khu di tích lịch sử lớn hơn để trưng bày cho thế hệ sau thấy hết tội ác của bọn Pôn Pốt, nhưng vì nhiều lý do tế nhị, đến nay chưa được chấp thuận.
Bà Loan cho biết, vào đây lập nghiệp sinh sống sau sự kiện Pôn Pốt sát hại gần 600 người Việt Nam. “Lúc ấy, người dân bỏ xứ đi nhiều nên xã rất thưa thớt dân. Đất rừng lại mênh mông nên khá đìu hiu, mông quạnh. Nhưng tôi không sợ. Vả lại, chính quyền tích cực vận động, đả thông tư tưởng cho người dân không sợ hãi, yên tâm làm ăn. Sự xuất hiện ngày càng nhiều bộ đội trên địa bàn khiến người dân bắt đầu lục tục kéo về sinh sống” - bà Loan kể.
Láng giềng thân thiện
Cửa khẩu quốc tế Xa Mát. Ảnh: T.Đ
Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập Võ Hồng Sang chia sẻ, ông cảm thấy rất mừng khi xã Tân Lập đang đổi thay, từng từ một xã nghèo khó giờ thành xã nông thôn mới. Điều mừng hơn là quan hệ người dân vùng biên hai nước Tân Lập (Việt Nam) và Tapenplong (Camphuchia) đã tốt đẹp hơn rất nhiều thông qua sự hợp tác láng giềng cởi mở, thân thiện; sự phát triển giao thương hàng hóa với nhau.
|
Tân Lập giờ đây đã là xã nông thôn mới. Hơn chục năm trước về đây, tôi chứng kiến thị trấn nhỏ bé này yên tĩnh, trầm mặc biết bao thì bây giờ phố, nhà và người dân mọc lên đông đúc. Quốc lộ 22B – con đường đất đỏ của 40 năm trước, khi người dân hãi hùng chạy giặc Pôn Pốt, giờ đã thênh thang, phẳng lì đâm thẳng đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát nằm trên địa bàn xã. Theo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, Cửa khẩu Xa Mát có khả năng thu hút xuất hàng nhập khẩu mạnh mẽ, số lượng hàng hóa xuất nhập (chủ yếu là hàng nông sản) qua lại biên giới giữa Việt Nam - Campuchia ngày càng tăng, kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng năm trên 100 triệu USD.
Ông Hạnh cho biết, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch xã từ năm 34 tuổi đến năm 70 tuổi cũng nhờ biết tiếng Khmer và giao dịch kinh doanh với người Khmer giỏi. Kết thúc chiến tranh biên giới Tây Nam, xã Tân Lập đã kết nghĩa anh em với xã biên giới Tapenplong (Kampong Cham, Campuchia). Định kỳ, chính quyền hai xã này giao lưu, họp hành để thông báo tình hình biên giới, xử lý những phát sinh, giữ gìn an ninh trật tự, thăm hỏi nhau vào dịp lễ tết…
Hiện, tại Cửa khẩu quốc tế Xa Mát, khu vực biên giới Việt Nam có khá nhiều doanh nghiệp dựng lên, chủ yếu là kinh doanh nông sản. Nhiều bảng hiệu cửa hàng ăn uống, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ sở làm đẹp… được dùng cả hai thứ tiếng Việt Nam và Campuchia để phục vụ “thượng đế” hai nước.
Theo bà Hồng Vân – chủ tiệm cơm gần Cửa khẩu Xa Mát, bà đã mở tiệm cơm nơi đây gần 20 năm nay. “Thương nhân Việt Nam mua của Campuchia các mặt hàng, như: Mì lát, mì tươi, mía, đậu, rau quả… Đổi lại, họ mua của mình đồ gia dụng, thực phẩm…” - bà nói.
Ông Hạnh cho biết, tình hình buôn bán tiểu ngạch trên các con đường mòn giữa người dân hai nước vẫn còn. Tuy nhiên, số lượng mua bán, giao thương chính ngạch ngày càng tăng lên khiến Cửa khẩu Xa Mát hoạt động nhộn nhịp hơn. Sau khi đi qua Cửa khẩu quốc tế TraPaing Phlong (Camphuchia) và Xa Mát (Việt Nam), tiểu thương Campuchia tiếp cận với TP.Tây Ninh cách đó khoảng vài chục km để mua hàng mang về nước tiêu thụ.
Cúi đầu trước 600 người dân Tân Lập bị Pôn Pốt sát hại, chúng tôi lặng lẽ tiến về Cửa khẩu quốc tế Xa Mát – đây như một biểu tượng của mối quan hệ anh em thân thiện, hữu nghị giữa Việt Nam - Campuchia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.