Đồng bào thiểu số tích cực xây dựng NTM
Tam Đảo là huyện miền núi cao, có địa hình dốc cao, dân cư thưa thớt, trình độ canh tác lạc hậu, nhất là ở các xã có nhiều bà con người dân tộc thiểu số sinh sống. Do đó, năm 2010 khi bắt tay vào xây dựng NTM, Tam Đảo có xuất phát điểm khá thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém so với mặt bằng chung của tỉnh. Giá trị sản xuất bình quân đạt 27,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 22,53%; tiêu chí NTM đạt thấp.
Su su, mật ong rừng đã và đang trở thành sản phẩm thương hiệu của huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đang được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: V.T
Huyện Tam Đảo, được thành lập năm 2003, với tổng diện tích 23.469,88ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp chỉ có 5.417ha; diện tích lâm nghiệp chiếm 14.725,34ha. Dân số toàn huyện là 80.041 người, với 21.520 hộ. Số hộ sống ở khu vực nông thôn 21.252 hộ; ở khu vực thành thị chỉ có 268 hộ. |
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, huyện Tam Đảo đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng NTM các cấp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Tam Đảo chung sức xây dựng NTM” và tiến hành cho 8/8 xã ký giao ước thi đua; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu được vai trò của mình cùng chung tay, góp sức xây dựng NTM. Bên cạnh đó, huyện phân công các đồng chí trong Ban thường vụ Huyện ủy phụ trách các xã, thường xuyên theo dõi và đôn đốc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM theo phương châm “tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau”…
Nhờ việc thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, dân vận khéo, nên đến nay Tam Đảo đã đạt được kết quả rất khả quan. Sau hơn 7 năm Tam Đảo đã huy động được hàng trăm tỷ đồng để xây dựng NTM. Cụ thể, nhân dân đã đóng góp hơn 16 tỷ đồng tiền mặt; hiến gần 200.000m2 đất; gần 30.000 ngày công lao động để xây dựng NTM... Trong đó, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, công sức để xây dựng NTM.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, du lịch
Ông Phạm Quang Nguyên – Bí thư huyện ủy Tam Đảo cho biết, theo kế hoạch, năm 2018 Tam Đảo sẽ về đích NTM. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện, xã và nhân dân đang ra sức nỗ lực để có thể về đích trước hẹn. Theo ông Nguyên, để làm được việc đó, huyện đã đẩy mạnh phát triển các thế mạnh của Tam Đảo. Cụ thể, huyện tập trung khai thác lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, hệ thống di tích đa dạng mang giá trị lịch sử, tâm linh để phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ. Đồng thời, áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa những cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: Bí xanh, su su, cây dược liệu... Đặc biệt, tận dụng tiềm năng đất đồi rừng, huyện chỉ đạo nhân dân tích cực trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng, kết hợp nuôi ong, dê, lợn rừng và phát triển đàn bò; tận dụng miền khí hậu vùng núi để đầu tư mô hình nuôi cá tầm, cá hồi và các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao…
Về xã Yên Dương (Tam Đảo) những ngày này, ai cũng cảm nhận rất rõ sự “thay da, đổi thịt” của một xã đặc biệt khó khăn của huyện. Ấn tượng đầu tiên là những con đường đất đỏ xưa kia được thay bằng những con đường bê tông sạch sẽ, bằng phẳng. Những ngôi nhà ngói đỏ, nhà tầng hiện đại mọc lên san sát; trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư xây dựng bài bản.
Ông Trương Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Dương cho biết: “Khi xây dựng NTM xã gặp rất nhiều khó khăn. Song xác định đây là cơ hội, cũng như thách thức của xã để có thể đổi mới, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và nhân vào cuộc. Tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập để lấy đó làm tiền đề vững chắc hoàn thành từng tiêu chí”.
Các sản phẩm nông nghiệp của Tam Đảo như mật ong rừng, đặc sản thú rừng nuôi thả vườn, su su… đang được người tiêu dùng rất ưu thích. Hiện Tam Đảo đã có một số mô hình HTX sạch, an toàn liên kết sản theo chuỗi giữa các hộ dân, ký hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.