Tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm: Bên chính quyền hay động chạm nên bị đánh giá thấp

Thứ bảy, ngày 22/02/2014 13:41 PM (GMT+7)
Tại phiên họp sáng 21.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đề nghị Quốc hội tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đầu năm 2014 (kỳ họp thứ 7).
Bình luận 0
Vẫn còn nhiều vướng mắc

Ngay sau khi biết thông tin về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề xuất Quốc hội tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm (LPTN) theo Nghị quyết số 35/2012QH13, để chỉnh sửa một số điều trong Nghị quyết, ông Trần Ngọc Vinh (ĐB Quốc hội đoàn Hải Phòng) nêu quan điểm tán thành.

Theo ĐB Vinh khi LPTN đối với các đại biểu, tại sao đại biểu do dân cử phiếu lại cao hơn đại biểu bên hành pháp. "Lá phiếu là để đánh giá cán bộ thực hiện như thế đã chuẩn chưa. Bên chính quyền làm hay động chạm nên bị đánh giá thấp đi, chính vì thế cần phải có bước thay đổi phù hợp để lá phiếu đánh giá được khách quan hơn" - ông Vinh nói.

Việc lấy phiếu tín nhiệm các các chức danh sẽ tạm thời dừng lại để tổng kết, bổ sung thêm các quy định mới
Việc lấy phiếu tín nhiệm các các chức danh sẽ tạm thời dừng lại để tổng kết, bổ sung thêm các quy định mới

Còn theo ông Trần Hoàng Ngân (đại biểu Quốc hội TP. HCM), việc LPTN mang nhiều ý nghĩa tốt, cần tiếp tục, tuy nhiên cần hoàn thiện hơn về tiêu chí, đối tượng... do đó, việc tạm dừng kỳ này để các đại biểu góp ý hoàn thiện Nghị quyết 35 là cần thiết.

Trước đó, trong báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21.11.2012 về việc LPTN, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã chỉ ra những vướng mắc.

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương, qua theo dõi, tổng hợp ý kiến của các cơ quan thấy còn những vướng mắc như: Văn bản hướng dẫn của UB TVQH còn một số điểm chưa thật rõ ràng, chưa lường hết được các tình huống trong thực tiễn như việc tính mốc thời gian để người được LPTN làm báo cáo tự đánh giá; người được lấy phiếu đã bị khởi tố, điều tra, hoặc đang bị tạm đình chỉ công tác; người được lấy phiếu giữ chức vụ mới được HĐND bầu, hoặc người được lấy phiếu giữ nhiều chức vụ do HĐND bầu...

Sửa để thực hiện tốt hơn


“Việc lấy phiếu tín nhiệm mang nhiều ý nghĩa tốt, cần tiếp tục, tuy nhiên cần hoàn thiện hơn về tiêu chí, đối tượng... Do đó, việc tạm dừng kỳ này để các đại biểu góp ý hoàn thiện Nghị quyết 35 là cần thiết”.- ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)

Trên cơ sở chỉ ra những vướng mắc, bất cập Ban Công tác đại biểu đã đề xuất UBTVQH giao cho Ủy ban Pháp luật tiến hành nghiên cứu sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết 35 để khắc phục những vướng mắc. Trong khi chờ sửa Nghị quyết 35, tạm dừng việc LPTN, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đầu năm 2014 đối với người do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Góp ý vào báo cáo, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, nên thực hiện theo hướng tổng kết, những gì thực hiện tốt, cái gì chưa được để rút kinh nghiệm, chứ không nên nói tạm dừng gây khó hiểu. Cùng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, báo cáo ra Quốc hội đề nghị tạm dừng việc LPTN là không hay lắm, nên báo cáo đánh giá rút kinh nghiệm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chốt lại: Việc LPTN và bỏ phiếu là thực hiện theo Nghị quyết 35, có kết quả tốt, được nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lần đầu có những góp ý về phương thức làm, cách làm cần rút kinh nghiệm, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết để phù hợp hơn.

"UBTVQH đồng ý nghiên cứu bổ sung sửa đổi một số điều của Nghị quyết 35 để trình ra Quốc hội. Kỳ họp thứ 7 khóa XIII vào tháng 5.2014 sẽ tạm dừng LPTN, còn kỳ họp sau thực hiện thế nào Quốc hội dựa trên kết quả việc sửa Nghị quyết 35" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Lương Kết (Lương Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem