Tam quốc diễn nghĩa: Lý do Lã Bố bắn kích Viên môn

Thứ tư, ngày 12/02/2020 10:32 AM (GMT+7)
Khi Lưu Bị bị bộ hạ của Viên Thuật tấn công, Lã Bố đã phải ra mặt để giải vây cho Lưu Bị và yêu cầu hai bên giảng hòa.
Bình luận 0

Sau khi bị Lã Bố (Lữ Bố) đánh úp chiếm Từ Châu, Lưu Bị chạy khắp nơi những không có chỗ nương thân, đành phải trở về Từ Châu hàng Lã Bố. Lã Bố thấy Viên Thuật thất tín không cấp lương cho mình bèn hòa giải với Lưu Bị. Ông cho Lưu Bị giữ thành Tiểu Bái còn Lã Bố tự xưng là châu mục Từ Châu, ông mời Lưu Bị xưng là thứ sử Dự Châu (Dự Châu vốn có 6 quận nhưng trên thực tế Lưu Bị chỉ có 1 quận Tiểu Bái đóng quận).

img

Lã Bố là một trong số mãnh tướng kiêu dũng số một thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Lã Bố bắn kích Viên môn cứu Lưu Bị

Tháng 6/196, bộ tướng của Lã Bố là Hác Manh nghe lời xúi giục của Viên Thuật bèn phản lại ông, mang quân xông vào phủ Hạ Bì. Nửa đêm Lã Bố không kịp phân biệt người phe nào, chỉ kịp kéo vợ chạy từ nhà vệ sinh vào trại của bộ tướng Cao Thuận. Cao Thuận nghe giọng phản quân là giọng người quận Hà Nội, đoán ra Hác Manh, bèn chấn chỉnh quân sĩ chống trả, quân Hác Manh phải lui.

Sáng ra, thủ hạ của Hác Manh là Tào Tính phản lại Manh, hai bên đánh nhau cùng bị thương. Lã Bố sai Cao Thuận mang quân ra dẹp, giết chết Manh rồi cho Tào Tính lĩnh quân của Manh.

Không giết được Lã Bố, Viên Thuật lại trở mặt làm thân, xin kết thông gia với Lã Bố. Khi dẹp Hác Manh, Lã Bố đã tra ra việc Hác Manh nghe Viên Thuật xúi bẩy nhưng vì tình thế hiện tại chưa trở mặt đánh nhau được nên ông nhận lời.

img

Lã Bố bắn kích Viên môn.

Viên Thuật thấy Lã Bố ngả theo mình liền sai Kỷ Linh mang 3 vạn quân tấn công Tiểu Bái để diệt Lưu Bị. Lúc này Lã Bố chỉ mang 1000 quân bộ và 200 quân kỵ đến nói chuyện giảng hòa với hai bên. Ông có một cách điều đình rất đặc biệt. Lã Bố sai quân lính cắm kích cách xa 150 bước, giao hẹn trước rằng nếu mình có thể bắn tên trúng vào ngạnh kích thì Kỷ Linh và Lưu Bị phải giảng hòa. Sau đó, ông lùi lại, giương cung bắn mạnh, trúng ngay vào ngạnh kích như đã nói. Lưu Bị tạ ơn Lã Bố đã giải nguy còn Kỷ Linh thấy Lã Bố quá kiêu dũng nên cũng rút quân về, không dám trái ý.

Ngoài ra, còn có rất nhiều giai thoại liên quan đến sự anh dũng của Lã Bố, tiêu biểu như điển tích tam anh chiến Lã Bố. Khi Viên Thiệu tập hợp quân 18 lộ chư hầu giương cờ thảo phạt Đổng Trác, một mình Lã Bố ra nghênh chiến và thư hùng với hai huynh đệ Quan - Trương cùng liên thủ thì vẫn không có biện pháp hạ được Lữ Bố. Về sau, Lưu Bị cũng xông lên tiếp ứng. Vì lo lắng sẽ xảy ra sơ suất, Lữ Bố mới buộc phải rút lui trở về. Khi ấy Lã Bố đang là Trung lang tướng dưới quyền Đổng Trác. Tuy nhiên, tình tiết tam anh chiến Lã Bố ở cửa ải Hổ Lao trong hồi thứ 4 của Tam quốc diễn nghĩa được giới sử học đánh giá là do La Quán Trung hư cấu ra.

img

Tam anh chiến Lã Bố.

Lã Bố hay còn gọi là Lữ Bố (160 - 199) tự Phụng Tiên, người đất Cửu Nguyên (Tinh Châu) là một danh tướng thời Tam quốc. Người đời biết đến Lã Bố chủ yếu qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Ông được đánh giá là một trong số những vị tướng dũng mãnh nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Quốc Tiệp (Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem