Tấn bi kịch đau đớn của Triệu Việt Vương và bài học cho hậu thế

Thứ hai, ngày 04/06/2018 20:32 PM (GMT+7)
Vốn là bậc danh tướng lừng lẫy trên chiến trường, nhưng bởi lòng tin và tình thương người, Triệu Việt Vương đã rơi vào tấn bi kịch đau đớn do kẻ thù giăng sẵn.
Bình luận 0

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) là người huyện Chu Diên, con của Triệu Túc, một thủ lĩnh giàu lòng yêu nước, là người "uy nghi, dũng liệt". Cha con ông là những người đầu tiên tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Bí.

Triệu Túc là danh tướng nổi danh, được phong làm Thái phó trông coi việc binh, sau này hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân Lương ở vùng ven biển.

Cặp cha - con dũng tướng số một của Lý Nam Đế

img

Triệu Quang Phục - vị vua dũng mãnh trong sử Việt. Ảnh: Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

Nhờ tài năng xuất chúng, dù còn trẻ, Triệu Quang Phục vẫn được Lý Nam Đế tin dùng, phong làm Tả Tướng quân của nước Vạn Xuân.

Đầu năm 545, nhà Lương lại đem quân sang xâm lược nước Vạn Xuân. Sau những trận đánh ác liệt, cuộc kháng chiến dần rơi vào thế bất lợi. Khi Lý Nam Đế lui binh về Khuất Lão (Phú Thọ) vào năm 546 đã giao binh quyền lại cho Triệu Quang Phục.

Vốn thông thuộc vùng sông nước ở Chu Diên, Triệu Quang Phục quyết định chuyển hướng chiến lược. Ông đưa hơn một vạn quân từ miền núi về đồng bằng, lập căn cứ ở Đầm Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên).

Đây là vùng đầm lầy, lau sậy um tùm. Ở giữa là bãi phù sa rộng, có thể sinh sống được. Đường vào bãi lại rất kín đáo, khó khăn. Chỉ có dùng thuyền độc mộc nhẹ lướt trên cỏ nước theo mấy con lạch nhỏ mới tới được. Thấy địa hình hiểm trở có thể dung thân, Triệu Quang Phục cho đóng quân ở bãi đất nổi ấy.

Ngày ngày, quân sĩ của ông thay phiên nhau vừa luyện tập, vừa cuốc ruộng, trồng lúa, trồng khoai để tự túc lương thảo… im hơi lặng tiếng như không có người. Đêm đến nghĩa quân kéo thuyền ra đánh úp các trại giặc, cướp được nhiều lương thực để cầm cự lâu dài.

Từ đây, quân của Triệu Việt Vương liên tục tập kích các doanh trại và các cuộc hành binh của địch. Qua gần 4 năm chiến tranh (547-550), cuộc kháng chiến ngày càng lớn mạnh, địch càng đánh càng suy yếu.

Dù Trần Bá Tiên - tổng chỉ huy của quân xâm lược - là viên tướng khét tiếng, rất giỏi chiến trận, trước đội quân "thoắt ấn, thoắt hiện" của Triệu Việt Vương, quân Lương hoàn toàn bất lực.

Tấn bi kịch đau đớn cho vị vua tài giỏi

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi Triệu Việt Vương làm vua ở thành Long Biên, Lý Thiên Bảo (anh trai của Lý Nam Đế) cũng xưng làm Đào Lang Vương ở nước Dã Năng, Lào. Năm 555, Lý Thiên Bảo chết, không có con nối dõi, quân chúng suy tôn người cháu là Lý Phật Tử lên nối ngôi.

Năm 557, Lý Phật Tử đem quân đánh nhau với Triệu Việt Vương để tranh giành thiên hạ. Sau 5 lần đánh nhau, liệu thế không thể thắng được triệu Việt Vương trên chiến trường, Lý Phật Tử bèn xin giảng hòa để tìm cách tiêu diệt.

Triệu Việt Vương nghĩ Lý Phật Tử là cháu họ của Lý Nam Đế, không nỡ cự tuyệt nên đã đồng ý giảng hoà, chia địa giới cai quản đất nước.

Với âm mưu tiêu diệt bằng được Triệu Việt Vương, Lý Phật Tử cho con trai là Nhã Lang xin lấy con gái của Triệu Việt Vương là Cảo Nương. Không chỉ bằng lòng cuộc hôn phối, cho hai nhà kết thành thông gia, Triệu Việt Vương còn cho Nhã Lang ở rể.

Nhưng Việt Vương không thể ngờ được âm mưu của Lý Phật Tử và Nhã Lang. Trong suốt thời gian ở rể, Nhã Lang không ngừng dò hỏi tin tức để nắm bí mật quân sự của Việt Vương báo lại cho Phật Tử.

Có được thông tin nội ứng từ con trai, Lý Phật Tử đã lợi dụng lúc Việt Vương sơ hở, năm 571 mang quân đánh úp.

Bị đánh bất ngờ, Triệu Việt Vương thất bại, phải đem con gái chạy, nhưng đến đâu cũng bị quân Lý Phật Tử đuổi theo. Cuối cùng, khi Việt Vương cưỡi ngựa chạy đến cửa biển Đại Nha (sông Đáy), cùng đường, ông nhảy xuống biển tự vẫn.

Bài học muôn đời cho hậu thế

Sau khi dùng kế đánh bại được Triệu Việt Vương, Lý Phật Tử lên làm vua cả nước, đóng đô ở Phong Châu. Vì cũng xưng là Lý Nam Đế nên đời sau gọi là thời kỳ này Hậu Lý Nam Đế để phân biệt với thời của Lý Bí.

img

Đền thờ Triệu Việt Vương tại Đầm Dạ Trạch, nơi ông đánh tan quân Lương xâm lược. Ảnh: Thư viện lịch sử.

Trong khi đó, sau khi thống nhất được Trung Quốc, vua Tuỳ đã gửi thư yêu cầu Lý Phật Tử sang chầu, nhưng ông thoái thác không đi. Nhân cơ hội đó, vua Tuỳ xuống chiếu sai Lưu Phương mang quân sang đánh nước ta.

Sau khi liên tiếp thất bại trên chiến trường, Lý Phật Tử buộc phải đầu hàng nhà Tuỳ, bị bắt giải giải về Trung Quốc, cuối cùng chết ở đó. Đất nước ta lại tiếp tục bị phong kiến phương Bắc đô hộ.

Câu chuyện về tấn bi kịch của Triệu Việt Vương đã để lại những bài học đắt giá cho hậu thế. Triệu Việt Vương giống như An Dương Vương, bởi quá tin vào kẻ thù, cuối cùng để nước mất, nhà tan, thân bại danh liệt.

Trong khi đó, Lý Phật Tử dù dùng mọi thủ đoạn để giành thắng lợi trong cuộc chiến "nồi da nấu thịt", cuối cùng cũng trở thành "mồi ngon" cho kẻ xâm lược.

Giá như trong hoàn cảnh đất nước mới chỉ giành được độc lập, còn non yếu, sơ khai đó, Lý Phật Tử đừng vì tham lam, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết để chung sức với Triệu Quang Phục, biết đâu lúc đó chẳng những đất nước ta chấm dứt được thời kỳ Bắc thuộc vào thế kỷ thứ VI, không cần chờ đợi mãi tới năm 938, mà bản thân Lý Phật Tử cũng không bị bắt giải về Trung Quốc để rồi phải chết nơi đất khách xứ người.

Triệu Quang Phục vì cả tin mà "thân bại danh liệt". Còn Lý Phật Tử vì dã tâm mà hại mình, hại người, khiến nước lầm than, bản thân trở thành "tội nhân thiên cổ".

Nguyễn Thanh Điệp (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem