Tân Bộ trưởng Bộ NNPTNT: “Phương châm của tôi là bám sát thực tiễn"

Lê Hân (thực hiện) Thứ sáu, ngày 29/07/2016 06:00 AM (GMT+7)
Sáng qua 28.7, Quốc hội đã chính thức bầu và phê chuẩn ông Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên T.Ư Đảng giữ chức Bộ trưởng Bộ NNPTNT. PV Báo Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn riêng với tân Bộ trưởng Bộ NNPTNT về những nhiệm vụ, giải pháp và quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng trong thời gian tới.
Bình luận 0

Trước tiên, xin chúc mừng ông vừa được các Đại biểu Quốc hội khóa XIV bầu giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ NNPTNT. Xin Bộ trưởng cho biết, những suy nghĩ của mình khi được Quốc hội giao trọng trách là người đứng đầu một Bộ có phạm vi quản lý rất rộng lớn, có nhiều vấn đề nóng liên quan trực tiếp đến đời sống của hàng chục triệu hộ nông dân?

img

Ông Nguyễn Xuân Cường trong một lần thăm dây chuyền sản xuất thực phẩm tại Hà Nam. Ảnh: I.T

-  Nông nghiệp, nông thôn là ngành có vị trí chiến lược, đa lĩnh vực; địa bàn rộng lớn (82% diện tích tự nhiên của cả nước); dân số, lao động đông (chiếm khoảng 65% dân số, 45% lực lượng lao động của cả nước). Nhiều vấn đề của ngành không chỉ riêng Bộ NNPTNT giải quyết được mà phải phối hợp, gắn với nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương.

Được Đảng, Nhà nước, nhân dân tín nhiệm giao trọng trách là người đứng đầu, chịu trách nhiệm về hoạt động của Bộ NNPTNT, tôi ý thức rõ trách nhiệm của mình trước Đảng, nhân dân về sự phát triển của ngành nông nghiệp trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 và nguyện mang hết năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm công tác thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ của Bộ, của ngành và trách nhiệm của Bộ trưởng; nỗ lực thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.

img

Phương châm hoạt động của tôi là bám sát thực tiễn, chú trọng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế để quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm đạt được được các mục tiêu, kế hoạch phát triển ngành nhiệm kỳ 2016-2020; đoàn kết, tập hợp trí tuệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Bộ, ngành để phục vụ nông dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức liên quan đến ngành, trên tất cả các vùng, miền, địa phương nhằm mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao nhất”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Hiện nước ta vẫn còn tới gần 70% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, trong đó có 11 triệu hộ gia đình nông dân với 24 triệu lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì thế, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người nông dân có ý nghĩa rất quan trọng để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Vậy trong nhiệm kỳ mới này, những nhiệm vụ nào sẽ được Bộ trưởng và Bộ NNPTNT ưu tiên thực hiện?

- Từ sau đổi mới đến nay, nông nghiệp nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và khá toàn diện. Tuy nhiên, tăng trưởng chưa bền vững; giá trị gia tăng, sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất hàng hóa nông sản còn thấp; năng suất lao động nông nghiệp còn hạn chế (năm 2015 chỉ bằng 39,2% năng suất lao động chung của nền kinh tế, đạt khoảng 31,1 triệu đồng/79,3 triệu đồng/lao động/năm); phân phối lợi ích trong chuỗi giá trị nông sản còn bất hợp lý, người nông dân trực tiếp sản xuất ra sản phẩm còn chịu nhiều thiệt thòi (người trồng cà phê chỉ được hưởng khoảng 5-7% giá trị trong chuỗi giá trị sản phẩm cà phê); đời sống người dân nông thôn còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp chỉ bằng khoảng 54% so với thu nhập trung bình chung cả nước (24,6/45,7 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng nông thôn còn cao so với cả nước (9,3%/4,5%)…

Để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội với mục tiêu lấy người nông dân là chủ thể, chúng tôi xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên thực hiện trong nhiệm kỳ 2016 – 2021 là: Thứ nhất, thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh liên kết, lấy doanh nghiệp làm “nòng cốt” dẫn dắt, phối hợp với các nhà khoa học, hợp tác xã kiểu mới, nông dân, trong đó quan tâm đặc biệt đến lợi ích của người nông dân trong liên kết; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ cao trong tất cả các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phân phối lợi ích hợp lý trong chuỗi giá trị. Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó trọng tâm là phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống người dân nông thôn; chú ý phát triển văn hóa, bản sắc vùng miền, đảm bảo môi trường sống. Ưu tiên hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật các xã vùng sâu, vùng xa vùng khó khăn hiện còn đạt dưới 5 tiêu chí, giảm dần khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng, nông thôn và thành thị.

Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ NNPTNT, lần đầu tiên trong 1 thập kỷ qua, ngành nông nghiệp nước ta đã rơi vào tăng trưởng âm sau một chu kỳ dài tăng trưởng từ 3-4%. Vì thế, có thể nói đây sẽ là một nhiệm vụ rất nặng nề của Bộ trưởng ngay sau khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Bộ trưởng sẽ có những chỉ đạo, hành động như thế nào để thúc đẩy sản xuất, khôi phục lại đà tăng trưởng?

- Từ cuối năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, thiên tai khốc liệt xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đó là rét đậm, rét hại xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc và đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ước tính, giá trị thiệt hại 6 tháng đầu năm 2016 lên đến gần 17.000 tỷ đồng. Những khó khăn từ nội tại của ngành nông nghiệp và giá hàng hóa nông lâm thủy sản trên thị trường thế giới xuống thấp đã dẫn đến tăng trưởng âm của ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2016.

Để thúc đẩy sản xuất, khôi phục đà tăng trưởng, từ nay đến cuối năm 2016, sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh sản xuất, nhất là những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp để bù lại cho thiệt hại ngành trồng trọt trong 6 tháng đầu năm do hạn hán, xâm nhập mặn. Trong lĩnh vực trồng trọt, cần chỉ đạo sát sao, cụ thể để phát triển sản xuất, khắc phục tăng trưởng âm thời gian qua, nhất là trên những đối tượng cây trồng chủ lực là lúa, cà phê, hồ tiêu, rau quả…: hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường, mở rộng thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

Về lâu dài, như đã trình bày ở trên, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án về tái cơ cấu nông nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 cũng như 6 đề án tái cơ cấu theo ngành, lĩnh vực đã được Bộ phê duyệt và phối hợp với các địa phương để thực hiện đề án tái cơ cấu do các địa phương ban hành. Tiếp tục thực hiện các giải pháp: Rà soát về thể chế, chính sách để phù hợp với thực tiễn, hỗ trợ nông dân, khuyến khích sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;  khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch, phát huy lợi thế so sánh của các vùng trong cả nước; tổ chức lại nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả, sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, nhất là giống và công nghệ sinh học vào sản xuất. Ngoài ra, quan tâm đặc biệt đến thị trường tiêu thụ nông sản cả trong và ngoài nước.

Thực tế trong ngành nông nghiệp cho thấy, có một nghịch lý, đó là người nông dân trực tiếp làm ra từng hạt lúa, củ khoai, con lợn, con gà… thì lại được hưởng lợi thấp nhất trong chuỗi giá trị (sản xuất- chế biến- kinh doanh- phân phối sản phẩm). Được biết, Bộ trưởng cũng là người rất trăn trở với vấn đề này. Vậy trong nhiệm kỳ mới của mình, Bộ trưởng sẽ làm gì để người nông dân có thu nhập xứng đáng hơn với mồ hôi, công sức mà họ đã bỏ ra?

- Nông nghiệp nước ta chủ yếu dựa trên sản xuất nông hộ quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết (34,7% hộ sử dụng đất sản xuất nông nghiệp có diện tích canh tác dưới 0,2 ha/hộ, 69% số hộ có quy mô dưới 0,5 ha/hộ). Công tác tổ chức sản xuất vẫn còn bất cập, liên kết trong sản xuất chưa chặt chẽ, còn nhiều khâu trung gian dẫn đến chi phí vật tư đầu vào còn cao; giá bán sản phẩm thấp vì sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường và không ổn định, dễ bị tác động khi thị trường thay đổi; sản xuất chưa đáp ứng thị hiếu, yêu cầu thị trường, sản xuất  chú trọng vào tăng sản lượng mà chưa chú trọng đến nâng cao chất lượng, giá trị, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường nên lợi nhuận thu về còn thấp.

Trong chuỗi giá trị, người nông dân trực tiếp sản xuất ra sản phẩm nông lâm thủy sản chịu rủi ro cả về thiên tai, dịch bệnh, thị trường nhưng giá trị thu được chỉ đạt khoảng 25-30% trong tổng giá trị của chuỗi sản phẩm (cá biệt sản xuất cà phê chỉ được hưởng khoảng 5-7% như đã trình bày ở trên) là nghịch lý trong sản xuất kinh doanh nông sản hiện nay ở nước ta. Để phân phối lợi ích hợp lý trong chuỗi giá trị đối với người sản xuất nguyên liệu, cần kiên trì tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh của hộ nông dân, xây dựng hợp tác xã và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm hạn chế các khâu trung gian, tiết kiệm chi phí, tăng giá bán sản phẩm, phân bổ hợp lý lợi ích cho người sản xuất; tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách, nhất là các chính sách về liên kết, khoa học công nghệ, tín dụng, thông tin thị trường… để người nông dân có thu nhập xứng đáng hơn.

Là người đã từng trải qua nhiều chức vụ khác nhau ở cả địa phương và Trung ương, với những kinh nghiệm đã có của mình, trên cương vị mới, Bộ trưởng sẽ đề ra phương châm hoạt động của mình như thế nào?

-  Theo phân công của tổ chức, tôi đã trải qua một số cương vị khác nhau trong ngành nông nghiệp, chứng kiến những thăng trầm của ngành từ thời kỳ sản xuất theo kế hoạch, tập trung, bao cấp đến quá trình đổi mới tư duy với nhiều cơ chế, chính sách đột phá trong ngành nông nghiệp, tôi cảm nhận rõ những tác động vô cùng mạnh mẽ khi giải phóng được sức sản xuất do cơ chế, chính sách đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của người dân như khoán 10, khoán 100, cũng như tình hình hội nhập quốc tế hiện nay. Những cơ chế, chính sách tốt được hình thành từ tổng kết thực tiễn sản xuất và đó là tiền đề quan trọng để ngành nông nghiệp đạt được những thành tựu to lớn và khá toàn diện hiện nay.

Phương châm hoạt động của tôi là bám sát thực tiễn, chú trọng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế để quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm đạt được được các mục tiêu, kế hoạch phát triển ngành nhiệm kỳ 2016-2020; đoàn kết, tập hợp trí tuệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Bộ, ngành để phục vụ nông dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức liên quan đến ngành, trên tất cả các vùng, miền, địa phương nhằm mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao nhất.                    

Người tiền nhiệm của Bộ trưởng là Nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát trong nhiệm kỳ đã qua rất trăn trở và đã có nhiều giải pháp để kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất nông nghiệp. Vậy trong nhiệm kỳ mới này, Bộ trưởng sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện vấn đề này ra sao?

- Thực phẩm là nhu cầu thiết yếu, tiêu dùng hàng ngày của người dân. Thực phẩm không an toàn không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà lâu dài còn ảnh hưởng đến nòi giống; cản trở quá trình phát triển ngành, giảm uy tín quốc gia trên thị trường quốc tế... Do vậy, an toàn thực phẩm (ATTP) đã và đang được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Trong 2 năm vừa qua, ngành Nông nghiệp đã xác định ATTP là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành, đặc biệt năm 2016 đã được phát động là năm cao điểm hành động vệ sinh, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng, tuy nhiên tỷ lệ vi phạm ATTP được phát hiện còn ở mức cao, chưa đáp ứng yêu cầu người dân, đòi hỏi ngành Nông nghiệp cần phải triển khai quyết liệt một số giải pháp sau:

Tập trung nguồn lực thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ giao cho ngành Nông nghiệp theo Luật An toàn thực phẩm và các quy định về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 13/2016/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý nhà nước về ATTP. Rà soát, tích hợp các chính sách hiện có để đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định về các chính sách khuyến khích phát triển chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn; đặc biệt là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kênh phân phối nông sản thực phẩm an toàn, liên kết với hộ, HTX, cơ sở sản xuất hình thành chuỗi cung ứng nông sản an toàn gắn với chuỗi giá trị thực phẩm toàn cầu.

Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan triển khai Chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ trong tuyền truyền, vận động và giám sát ATTP; phối hợp chặt chẽ với Báo, Đài Trung ương và Địa phương tăng cường thông tin, truyền thông ATTP: Bên cạnh việc công khai các cơ sở vi phạm, sản phẩm không đảm bảo ATTP, cần tăng cường truyền thông, quảng bá đến người dân các nông sản thực phẩm an toàn, các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn… Tăng cường thông tin, truyền thông tạo niềm tin đối với nông sản Việt chất lượng, an toàn tại thị trường trong nước cùng với đẩy mạnh đàm phán tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nông nghiệp, đào tạo nhân lực, phân cấp rõ ràng và ưu tiên bố trí nguồn lực cho các cấp, đặc biệt là cấp xã trong thực thi các nhiệm vụ quản lý, đảm bảo chất lượng, ATTP trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản tại cơ sở.  Rà soát, đề xuất điều chỉnh thể chế và thiết chế quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng đơn giản hóa các qui định, thủ tục, qui chuẩn kỹ thuật phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi quản lý, đảm bảo ATTP.

Tăng cường công tác giám sát, thanh tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATTP. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương trong kiểm soát ngăn chặn sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc BVTV, kháng sinh, hoá chất công nghiệp trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.

Ngoài các giải pháp đã nêu, để có thể kiểm soát an toàn thực phẩm một cách hiệu quả, bền vững, cần thúc đẩy nhanh mô hình sản xuất theo chuỗi sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn có tiềm lực về tài chính, năng lực quản trị đầu tư vào sản xuất nông nghiệp để phát triển thành các trụ cột trong các chuỗi ngành hàng lớn, chủ lực của quốc gia. Từ đó, mở rộng hệ thống vệ tinh, dẫn dắt, liên kết với doanh nghiệp nhỏ, với các HTX, trang trại, từng bước hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tạo các sản phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem