Bức thư của nhà thơ Dylan Thomas, một nhà thơ nổi tiếng của Anh, tác giả của những bài thơ nổi tiếng như “Đừng ra đi nhẹ nhàng vào đêm tối”, “Và cái chết thì chẳng có quyền hành”… viết cho vợ là Caitlin Thomas.
Dylan từng tuyên bố ông đã yêu Caitlin ngay từ cái nhìn đầu tiên, và đã cầu hôn cô ngay trong lần gặp mặt đầu tiên của họ.
Một phần trích đoạn bức thư tình ngọt ngào của nhà thơ gửi tới vợ: “Anh muốn em ở bên anh… em có thể dạy anh bước đi trên những tầng mây và anh sẽ đàn ra những âm thanh hay nhất từ chiếc đàn piano mà không âm nhạc nào có thể so sánh được. Đó sẽ là thế giới của riêng anh và em, chúng ta sẽ không quan tâm bất cứ ai. Anh muốn được ở bên em bởi vì anh yêu em…”.
Thư của nữ văn sĩ nổi tiếng Virginia Woolf (là một tiểu thuyết gia người Anh, bà được coi là một trong những nhân vật văn học hiện đại lừng danh nhất thế kỉ 20) viết cho người tình đồng tính Vita Sackville-West.
Vita vốn là bạn thân của nữ nhà văn Woolf. Tình yêu, dưới danh nghĩa tình bạn của hai người kéo dài suốt hơn 2 thập kỷ, từ đầu những năm 1920 cho tới 1941 - khi Woolf gieo mình xuống sông tự vẫn. Vita Sackville-West, kém Virginia Woolf 10 tuổi, là một nhà thơ tài hoa và có đời sống riêng tư phức tạp. Bà "đi lại" với nhiều phụ nữ nhưng gắn bó dài lâu nhất với Woolf.
Trong bức thư Woolf gửi cho Vita, có những câu nói đầy tình cảm: “Hãy nhìn lại đây Vita – hãy quẳng người đàn ông của em qua một bên, và chúng ta sẽ cùng nhau đi đến cung điện Hampton Court, dùng bữa tối với nhau trên sông, đi dạo dưới ánh trăng trong khu vườn. Chúng ta sẽ trở về nhà muộn và ngà ngà say bởi rượu vang. Chị sẽ cho em biết điều gì đang diễn ra trong đầu chị”.
Thư của nhà thơ Anh John Keats (một đại diện tiêu biểu của trường phái lãng mạn Anh thế kỉ XIX) viết gửi cô hàng xóm Fanny Brawne.
Keats và Brawne đính hôn từ năm 1818, họ chỉ có 4 năm vợ chồng cho đến khi ông qua đời vào năm 1821.
John Keats đã viết cho Fanny Brawne những lời lẽ rất ngọt dịu: “Anh không thể sống mà không có em. Anh quên hết tất cả mọi thứ trừ việc được gặp em một lần nữa. Cuộc sống của anh dường như kết thúc ở giây phút này. Anh không thể thấy điều gì khác. Em đã cuốn hút anh mất rồi".
Thư của nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Ireland Oscar Wilde viết cho người tình Lord Alfred Douglas (nhà thơ, dịch giả người Anh). Mối tình đồng giới giữa Oscar Wilde và Lord Alfred Douglas từng làm tiêu tốn không ít giấy mực của báo chí.
Trong đó có những bức thư Wilde gửi cho Alfred Douglas, người tình được ông thân mật gọi là Bosie. Trong một bức thư viết vào cuối năm 1892, Wilde diễn tả nỗi nhớ mong khắc khoải của mình với Douglas: "Bosie thương yêu, anh rất vui khi em cảm thấy đã khá hơn và thích những bưu thiếp nhỏ xinh anh gửi. Oxford rất khó chịu trong tiết trời mùa đông. Khoảng 10 ngày tới có lẽ anh sẽ đi Paris. Thật kinh khủng khi phải xa em đến một nơi rất nóng nực…”.
Nhà văn nổi tiếng Thụy Điển Stieg Larsson và những bức thư tình với người bạn đời lâu năm Eva Gabrielsso.
Bức thư được nhà văn viết cho vợ vào năm 1977, giấu trong một phong bì dán kín, có dòng chữ ngoài phong bì “Hãy mở ra đọc sau khi tôi ra đi (qua đời)”.
"Anh đã gây ra rất nhiều lỗi lầm với em, anh biết, nhưng anh hi vọng anh vẫn còn những phẩm chất tốt đẹp trong mắt em. Eva, em đã khơi dậy tình yêu trong anh, điều mà anh không bao giờ có thể diễn giải ra cho em hiểu được… Em hãy đứng thẳng người, ngẩng cao đầu đầy tự tin. Okay? Hãy tự chăm sóc bản thân thật tốt nhé, Eva”.
Hoàng đế Napoleon Bonaparte (Hoàng đế của người Pháp từ năm 1804 đến năm 1815) gửi tình yêu qua những trang thư tình tới nàng Josephine de Beauharnais.
Joséphine là người vợ đầu tiên của Hoàng đế Napoléon. Cả hai đều trao đổi những bức thư tình rất ngọt ngào cho nhau. Đây là một phần trong những bức thư tình ngọt ngào của vị hoàng đế gửi cho nàng Josephine de Beauharnais: “Kể từ khi xa em, anh chìm trong nỗi chán nản. Hạnh phúc là khi được ở bên em.
Lúc nào anh cũng không ngừng nghĩ đến những lần vuốt ve, giọt nước mắt và tình cảm của em. Sự quyến rũ không thể so sánh được của em, Josephine liên tục thiêu đốt và thắp sáng ngọn lửa trong trái tim anh".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.