Dù đã bước vào lứa tuổi “xưa nay hiếm” nhưng GS.TS-BS Văn Tần, nguyên Phó Giám đốc, hiện là cố vấn chuyên môn Bệnh viện Bình Dân TPHCM vẫn miệt mài truyền giảng kiến thức y khoa cho sinh viên cũng như chẩn bệnh cứu người. Ông là tấm gương sáng ngời về y đức mà bao thế hệ thầy thuốc nể phục, noi theo.
Sinh ra trên mảnh đất nghèo của tỉnh Quảng Trị, từ thuở nhỏ, cậu bé Văn Tần đã quyết tâm trở thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người. Thế nhưng, con đường đến với ngành y của ông đã có lúc tưởng chừng bị “đứt gánh” do hoàn cảnh quá khó khăn.
Vượt qua biết bao gian nan, thử thách, năm 1965, ông tốt nghiệp bác sĩ nội trú. Hai năm sau, ông trở thành tiến sĩ y khoa trẻ tuổi. Sau khi đất nước thống nhất, bác sĩ Văn Tần ở lại phục vụ cho ngành y nước nhà và công tác tại Bệnh viện Bình Dân. Ông tâm niệm, với nghề y, dù làm việc ở đâu, dưới chế độ nào thì mục đích tối thượng là trị bệnh cứu người, và ở Việt Nam “có rất nhiều bệnh nhân nghèo cần tôi”.
Tại Bệnh viện Bình Dân, GS.TS Văn Tần từng giữ chức Phó Giám đốc bệnh viện, nhưng với ông, niềm vui lớn nhất là mỗi ngày được khám, điều trị, phẫu thuật cho người bệnh. Chính vì thế, dù đã đến tuổi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục ở lại bệnh viện làm công tác chuyên môn.
Ít ai biết rằng, lúc nào GS.TS Văn Tần cũng đến bệnh viện từ rất sớm, từ 5-6 giờ sáng và ra về khi thành phố đã lên đèn. Hàng chục năm qua, ông vẫn luôn có mặt bất cứ lúc nào người bệnh cần, dù là ngày lễ, tết hay đêm khuya. Đến nay, dù đã hơn 80 tuổi, ông vẫn giữ thói quen đến thăm người bệnh từ rất sớm. Và trong các cuộc thăm bệnh, người bệnh nặng hơn luôn được ông sắp xếp thăm, tư vấn trước - thói quen này được duy trì nhiều năm và không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào.
GS.TS Văn Tần không nhớ nổi mình đã thực hiện bao nhiêu ca phẫu thuật trong cuộc đời y nghiệp. Theo một bác sĩ của bệnh viện, trung bình mỗi tháng GS-TS Văn Tần đảm trách từ 30-40 ca phẫu thuật, ước tính ông đã thực hiện gần 30.000 ca phẫu thuật lớn nhỏ.
Điều này đồng nghĩa với 30.000 người bệnh bước qua đau bệnh, thậm chí “cửa tử”, nhờ vào bàn tay tài hoa của người bác sĩ bình dân này. Ngoài ra, GS.TS Văn Tần cũng được biết đến là một trong 3 phẫu thuật viên chính của ca phẫu thuật tách rời song sinh dính liền Việt - Đức nổi tiếng thuở nào… Đóng góp cho ngành rất nhiều, nhưng trong các cuộc trò chuyện, chúng tôi cảm nhận được sự khiêm nhường nơi ông. Theo GS.TS Văn Tần, sự đóng góp của ông cho y học, cho người bệnh vẫn chỉ là “hạt cát giữa biển khơi”.
Người truyền lửa cho thế hệ sau
Song song với sự nghiệp y khoa lẫy lừng cùng hàng chục ngàn ca phẫu thuật lớn, GS.TS Văn Tần còn là người thầy mẫu mực với gần 60 năm đứng lớp. Nhiều thế hệ sinh viên y khoa học tại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế (nay là Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) chắc hẳn không bao giờ quên hình ảnh người thầy mặc bộ blouse đặc biệt, hiền lành nhưng vô cùng nghiêm khắc. Bao giờ cũng thế, bài học đầu tiên mà thầy giáo Văn Tần dạy các học trò của mình là bài học về đạo đức, hướng về người bệnh. Với ông, người bác sĩ ngoài chuyên môn thì cần phải đặt y đức lên hàng đầu.
Dịch Covid-19 tràn đến, đáng lẽ nên nghỉ ngơi vì tuổi cao nhưng GS.TS Văn Tần vẫn đều đặn đứng lớp trực tuyến. Lo sợ sinh viên, học viên, bác sĩ không kịp cập nhật kiến thức quý báu do dịch bệnh xảy ra, ông đã nỗ lực chuyển các bài giảng qua hình thức trực tuyến để phù hợp với hoàn cảnh, xu thế. Trong căn phòng làm việc của mình tại Khoa Phẫu thuật mạch máu - bướu cổ, Bệnh viện Bình Dân, mỗi ngày GS.TS Văn Tần vẫn miệt mài dạy học trực tuyến và xem tài liệu, tìm hiểu các kiến thức y khoa mới. Mở cửa phòng ra là không gian của thực hành lâm sàng, nơi ông có thể bước ngay đến với người bệnh, hướng dẫn trực tiếp cho các bác sĩ học trò.
Không chấp nhận giới hạn trong y khoa, GS.TS Văn Tần đã thực hiện hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học có giá trị. Kiến thức, kinh nghiệm phẫu thuật trong gần 60 năm được ông đúc rút và mang vào từng bài giảng “truyền lửa” cho các thế hệ sinh viên y khoa, những người sẽ thay ông nối tiếp y đức, chữa bệnh cứu người. Cho đến nay, cánh cửa phòng làm việc của vị bác sĩ già nhưng gần gũi ấy luôn rộng mở đối với bất kỳ học trò, đồng nghiệp nào muốn tìm hiểu, tư vấn để điều trị cứu người.
Trong suốt cuộc đời mình, GS.TS Văn Tần nhiều lần khẳng định với học trò rằng ông chưa bao giờ hối tiếc khi đã lựa chọn ngành y, bởi với ông đây là một ngành nghề rất đặc biệt - dù làm việc ở đâu, thời đại nào thì những kiến thức y khoa luôn hữu dụng. Năm 2006, GS.TS Văn Tần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - như một sự tri ân cho tâm huyết không mệt mỏi của ông với sự nghiệp cứu người.
GS.TS-BS Văn Tần sinh năm 1938, tại Hải Lăng, Quảng Trị. Ông được tôn vinh là bác sĩ phẫu thuật động mạch giỏi nhất Việt Nam, phẫu thuật gan đứng thứ nhì cả nước và là bác sĩ Việt Nam đầu tiên thực hiện phẫu thuật cắt thần kinh giao cảm ngực, phẫu thuật phình động mạch chủ bụng. Ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1964 và gắn bó với Bệnh viện Bình Dân từ năm 1972 đến nay. Hiện ông là cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Bình Dân, Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y Dược TPHCM.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.