Tan hoang rừng phòng hộ Mường Giàng

Thứ hai, ngày 24/01/2011 07:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cả trăm ha rừng Mường Giàng, Quỳnh Nhai, Sơn La đang bị tàn phá. Những thân gỗ nghiến có đường kính tới 1-2m với tuổi thọ cả ngàn năm bị băm vằm thành "chiến lợi phẩm" của lâm tặc...
Bình luận 0

Ai phá rừng nghiến Mường Giàng?

img

Rừng phòng hộ ở Mường Giàng gần như không còn những cây nghiến lớn.

Mường Giàng vốn là cánh rừng nguyên sinh của huyện Quỳnh Nhai, có diện tích khoảng 600ha, trữ lượng gỗ thuộc diện rừng giàu nhất tỉnh, chủ yếu là gỗ nghiến.

Từ khi mở rộng nâng cấp tuyến quốc lộ 279 nối huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) với huyện Tuần Giáo (Điện Biên) và thực hiện di dân tái định cư Thuỷ điện Sơn La, cánh rừng nghiến này trở thành "điểm đến" của nhiều lâm tặc.

"Đường nhựa thông thoáng, lợi dụng việc tận thu gỗ trong quá trình mở đường và rừng bị ngập vì lòng hồ thuỷ điện; thêm vào đó, việc di dời cả ngàn hộ dân tái định cư, lập đô thị mới Phiêng Lanh kề bên rừng nghiến nên rừng bị tàn phá dữ dội cả ngày lẫn đêm. Các cơ quan chức năng, báo chí đến đây nhiều rồi nhưng có làm được gì hơn đâu. Rừng vẫn bị phá mà dân không biết kêu ai cho thấu nữa"- ông Lường Văn Giáp - dân bản Phiêng Ban (xã Mường Giàng, Quỳnh Nhai) bảo vậy.

Sau một hồi ngắm nghía, căn vặn, hỏi han ý chừng để "kiểm tra tư cách nhà báo" cùng với sự bảo lãnh của ông Giáp, anh Lò Văn Tương - dân bản Phiêng Ban mới nhận lời đưa tôi đi thăm rừng. Anh bảo: Nhà báo thông cảm, trực tiếp phá rừng ở đây toàn là người dân sở tại nên tôi cũng chỉ dám đưa anh đi theo ven rừng thôi. Vào sâu, nhỡ gặp lâm tặc thì khó cho tôi lắm. Các anh đến rồi đi, chúng tôi ở lại nơi đây nên phải phòng thân. Ngay ở bản tôi đã có tới cả chục hộ có cưa máy, cưa xăng thì vào rừng gặp nhau là chuyện bình thường. Lúc ấy nguy hiểm cho cả anh đấy.

Trên đương đi, anh Tương mới tâm sự thêm: Thật ra rừng bị phá nhiều năm rồi, có phải cấp trên không biết đâu. Cán bộ đến kiểm tra liên tục. Ngoài chính quyền cơ sở, ở đây có tới 3 lực lượng quản lý rừng: Ban Quản lý rừng 661 huyện Quỳnh Nhai, Hạt Kiểm lâm Quỳnh Nhai, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thuận Quỳnh…

Nhưng thời gian qua, ô tô, xe máy, ngựa thồ, vác bộ, cưa máy, cưa tay, búa, rìu… nườm nượp vào rừng mà vẫn thoát? Nếu họ quản lý chặt thì đến vác bỏ củi khô ra khỏi rừng là bị hỏi rồi, nói gì đến hạ cây, đưa ô tô vào vận chuyển?

Tận diệt đến gốc rễ cây rừng

img

Những sản phẩm gia dụng được chế biến từ gỗ nghiến Quỳnh Nhai có mặt ở khắp nơi.

Chỉ vào những khoảng trống, nham nhở hố đất, lô xô cỏ lau, cây dại trên lãnh địa rừng nghiến, anh Tương bảo: Những chỗ này chỉ 2-3 năm trước vẫn là rừng đại thụ, nhiều thân cây tới 4-5 người ôm, tính ra tới hàng chục m3 gỗ/cây. Thế mà mấy năm qua, cả ngàn cây nghiến đại thụ biến mất. Người phá rừng còn ác hơn giặc lửa, bởi gốc rễ cũng chẳng chừa.

Rồi anh Tương chỉ cho tôi xem những hố đất sâu hoắm, to rộng tới vài mét: Đấy là hố họ đào gốc cây, lấy cả rễ, khiêng về tạo thế làm chân bàn, phục vụ thú chơi đồ gỗ. Còn cái hố đen đen kia là hố họ đốt gốc lấy than. Than nghiến vốn có nhiệt cao lại đượm tàn, lâu tắt, ít bay bụi nên các thợ rèn thủ công, dân làm đồ nướng thực phẩm hoặc người hay sưởi lửa trong nhà mùa đông… coi là than thượng hạng.

Gặp một gốc nghiến khô người ta chỉ cần nhóm lửa rồi lấy bẹ cây chuối tươi lấp lên, mặc lửa cháy âm ỉ. Vài ngày sau bới lên được cả tạ than, thế là có mấy trăm nghìn đồng. Giá ngày thường đã 50 nghìn đồng/10kg, Tết lạnh thế này chắc phải tới ngót nghét trăm nghìn đồng/kg.

Dừng lại ngay trước cửa lán của đội gác rừng Phiêng Ban nằm bên tuyến quốc lộ 279, anh Tương thì thào: Đây là một trong những đội gác rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thuận Quỳnh. Nhưng cũng ngay sau cái lán này một đoạn ngắn, lâm tặc vừa hạ một cây nghiến đường kính tới 1,5m, cưa máy chạy ầm ầm, cây đổ như bão đến mà không ai hay biết.

Khi gỗ đã hạ khúc nào ra khúc ấy, kiểm lâm đánh ô tô đến cũng chả tìm ra được ai, đành bốc gỗ lên ô tô chở về huyện. Bây giờ rừng nghiến tan hoang rồi thì đến cây nghiến to nhất, nằm sát nách đơn vị quản lý họ cũng có cách hạ gục.

Thuỷ điện Sơn La là nguyên nhân phá rừng?

Làm việc với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳnh Nhai - ông Nguyễn Mạnh Hùng, khẳng định "ở thời điểm ấy thì có đến 3.000 kiểm lâm cũng không giữ nổi rừng. Ở đây từ nhà dân tới nhà cán bộ đều làm bằng gỗ nghiến. Sau khi hoàn thành việc di dân, tình trạng phá rừng đã giảm hẳn, không còn chuyện đánh ô tô, vác cưa máy vào rừng lấy gỗ bừa bãi như trước nữa.

Nói thật nhé, tôi cũng đề xuất, tham mưu, kiến nghị mãi rồi nhưng anh cứ đi xem cả cái thị trấn Phiêng Lanh này xem có nhà ai không có ít nhiều gỗ nghiến trong nhà. Ai cũng mua, ai cũng làm nhà, bắt hết làm sao được? Mà Nhà nước di dân cả nghìn hộ thế này, sao không có chính sách đưa các loại vật liệu thay thế gỗ về cho dân nên họ phải lấy gỗ từ rừng thôi. Gỗ nghiến tốt thế ai chả thích.

Gặp lại lão nông bản Phiêng Ban - Lường Văn Giáp, ông bảo: Bây giờ nhà báo có đi hỏi ai thì họ cũng đổ lỗi cho di dân tái định cư Thuỷ điện Sơn La chứ chẳng ai thấy lỗi của mình đâu. Nhưng di dân xong rồi mà rừng vẫn bị phá đấy thôi.

Nói thế hoá ra làm Thuỷ điện Sơn La là nguyên nhân phá rừng phòng hộ? Cứ đà này, không chỉ người Quỳnh Nhai mất rừng mà đến Thuỷ điện Sơn La, Hoà Bình cũng không có nước mà chạy máy phát điện.

(Do yêu cầu đảm bảo an toàn, tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem