Tan hoang rừng phòng hộ Sông Đà

Thứ sáu, ngày 30/07/2010 16:34 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Kiểm lâm vẫn đi tuần nhưng vào trong rừng tiếng dao chặt, máy cưa vẫn chát chúa vang lên từng ngày. Cứ “đến hẹn lại lên”, khi mặt trời chưa tắt nắng, từng đoàn trâu lại vào rừng kéo gỗ ra.
Bình luận 0
img
Cây gỗ vừa bị chặt hạ ở đỉnh Nước Mọc thuộc khu rừng Phục Trâu ở xóm Ké, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc.

Theo chân lâm tặc

Phải “dân vận” mãi, một gã lâm tặc đã “giải nghệ” mới nhận lời đưa chúng tôi vào rừng phòng hộ Phục Trâu thuộc xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, Hòa Bình. Bề ngoài cánh rừng hơn 300ha này trông thật bình yên nhưng càng vào sâu càng thấy xót xa cho rừng. Con đường rừng nhẵn bóng bởi trâu kéo gỗ, hai bên đường đóng cọc để gỗ không “chạy” ra khỏi đường.

Những thân gỗ bằng người ôm nằm rải rác trong rừng. Nhiều cây mới bị hạ xuống vẫn còn nguyên nhựa tươi. Thỉnh thoảng lại gặp những đống gỗ xẻ sẵn đã được gom lại chuẩn bị mang ra khỏi rừng. Những tấm vỏ gỗ, rác gỗ rải ngổn ngang khắp rừng. Người dẫn đường bảo: “Trước đây em cũng làm nghề này nhưng giờ có nghề khác làm rồi. Mỗi lần thấy lâm tặc đưa trâu đi qua nhà để vào rừng thấy xót lắm anh ạ!”.

img
 

Cánh rừng Phục Trâu thuộc xóm Ké xã Hiền Lương là địa phận giáp ranh của 3 xã Tu Lý, Hiền Lương và Cao Sơn của huyện Đà Bắc. Đường đi vào rừng thì nhiều nhưng để vận chuyển gỗ thì chỉ có một con đường độc đạo. Và cũng chỉ có thể đi bằng trâu kéo.

Trước đây lâm tặc dùng dao, giờ dùng cưa máy nên tốc độ phá rừng nhanh hơn. Một cây đường kính khoảng 1m thì chỉ khoảng 15 - 20 phút là xong.

Nếu kiểm lâm muốn chặn gỗ “chảy” ra khỏi rừng thì chỉ cần “gác” con đường này. Gã cho biết: Ngày nào cũng có trâu vào rừng kéo gỗ. Ít thì 7 - 8 con, nhiều thì hơn chục con.

Chủ yếu là người ở xóm Tày Măng (xã Tu Lý) vào làm. Nhẩm tính, bình quân mỗi con trâu ngày đi 2 chuyến, mỗi chuyến kéo được 1 hộp gỗ khoảng 3 tấc thì một ngày có ít nhất khoảng 3 khối gỗ ra khỏi rừng. Nếu tính theo số này, mỗi tháng có trên dưới 100 khối gỗ ra khỏi rừng. Với tốc độ này thì chỉ trong năm nay cánh rừng này sẽ bị xóa sổ.

“Cai rừng”

Suốt dọc đường, chúng tôi đều nghe thấy tiếng cưa, tiếng dao chặt. Lần theo đường mòn chúng tôi đến tận đỉnh Nước Mọc, nơi lâm tặc đang chặt phá với tốc độ chóng mặt. Trước đây, khu rừng này được coi là “rừng thiêng” của xóm Ké xã Hiền Lương bởi ít người dám lên đây.

img
 

Tuy nhiên, bây giờ, nó ngổn ngang chẳng khác nào một bãi chiến trường. Tôi lò dò theo con đường rừng vừa phát tạm vào đến tận lều nghỉ của lâm tặc.

Căn lều tạm bợ bằng bạt và mấy tấm ván gỗ. Một lâm tặc nói: Ở đây kiểm lâm thỉnh thoảng cũng vào kiểm tra, như hôm nay từ 5 giờ sáng một kiểm lâm đã vào đến cửa rừng rồi ra ngoài xóm. Gần trưa thì về. Đến khoảng 3 giờ chiều từng đoàn trâu vẫn vào kéo gỗ. Những hôm có kiểm lâm “canh”, cánh lâm tặc cũng chẳng nghỉ. Họ vẫn vào rừng. Khi bị bắt thì chỉ cần khai là làm cho anh L thì lại được qua cửa.

Bà Đinh Thị Chức- Trưởng xóm Ké cho biết, đây là cánh rừng xóm quản lý và được kiểm lâm huyện cho phép khai thác tận thu những cây gỗ chết để xây nhà văn hoá xóm. Do xóm không có phương tiện khai thác nên đã uỷ thác cho anh L ở xã Tu Lý khai thác. Lợi dụng điều này, lâm tặc tiếp tục vào rừng khai thác gỗ và nói là chặt cho anh L.

Không ai khóc!

Năm 2009 tổ bảo vệ rừng của xóm Ké bắt giữ 2 vụ khai thác gỗ trái phép. Lần đầu tổ phối hợp với lực lượng công an xã bắt giữ được gỗ, còn người thì xổng. Hôm sau ruộng ngô của những người trong tổ bảo vệ rừng của xóm sắp thu hoạch thì bị chặt ngang cây. Lần sau tổ bảo vệ bắt được người và trâu đang vận chuyển gỗ đưa về xóm. Người thì đưa lên kiểm lâm huyện, còn trâu và gỗ đưa vào nhà văn hóa xóm. Xóm đã cắt cử ra 5 người ngủ đêm trông coi gỗ và trâu. Đến ngày thứ 3 thì chủ trâu đến chửi rủa dọa đánh rồi đánh tháo cho trâu chạy vào rừng. Từ sau vụ việc đó các tổ bảo vệ rừng của xóm hầu như không hoạt động. Họ sợ va chạm, sợ bị trả thù.

Bây giờ, nói đến chuyện đi bắt lâm tặc thì lực lượng bảo vệ rừng xã và xóm đều ngại. Ông Xa Văn Chính- Chủ tịch UBND xã Hiền Lương buồn rầu tâm sự: “Do địa bàn giáp ranh nên nhiều lúc không thể quản lý nổi. Mình đuổi bên này thì lâm tặc mang gỗ ra địa bàn bên cạnh. Nhiều lúc thấy lâm tặc đưa trâu lên rừng kéo gỗ mà mình không có lý do gì để bắt. Có ngày hàng chục con trâu lên rừng mà chỉ dám bắt những con trâu còn đóng ách kéo gỗ. Một vài người làm công tác bảo vệ rừng làm mạnh tay thì lại bị thù.

Ông Nguyễn Văn Đinh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đà Bắc cho biết: “Hiện nay, ở Đà Bắc một người kiểm lâm phụ trách địa bàn một xã, có khi 2-3 xã. Địa bàn rộng, phức tạp nên việc quản lý bảo vệ rừng không thể phụ thuộc vào kiểm lâm. Cái chính là người dân và chính quyền địa phương!”.

Ông Đinh còn cho biết thêm: “Chúng tôi đã tổ chức truy quét nhiều lần nhưng cũng rất khó để bắt quả tang. Thấy cây gỗ to bằng 2, 3 người ôm bị chặt hạ, gỗ xẻ ra nằm ngổn ngang khắp lối, cũng xót xa đấy nhưng chẳng thể làm gì hơn. Vào mùa giáp hạt không chỉ có ở xóm Ké xã Hiền Lương mà tại nhiều khu rừng các xã Giáp Đắt, Tân Pheo, Đồng Nghê… bị khai thác nhỏ lẻ rất khó quản lý. Khi bắt ở chỗ này thì chỗ khác vẫn làm, lực lượng kiểm lâm chẳng… làm gì nổi!”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết rừng phòng hộ Sông Đà có hàng nghìn ha xung quanh hồ và hầu hết những cánh rừng ở đây đã bị phá. Với cách quản lý và trông giữ như này thì chỉ trong vòng vài năm nữa, rừng ở đây sẽ bị xoá sổ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem