Phát triển những gói sản phẩm đa dạng…
Tại buổi tọa đàm quốc tế “Hệ thống cho vay nông nghiệp” mới đây, ông Trịnh Ngọc Khánh- Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, Agribank đang chủ trương trong chiến lược phát triển những năm tới sẽ nâng tỷ trọng dư nợ cho nông nghiệp nông thôn đạt tới 80% trong tổng dư nợ. Ngoài ra, ngân hàng này sẽ phát triển những gói sản phẩm đa dạng phù hợp với đặc tính ngành nông nghiệp, với mục tiêu an toàn, hiệu quả và bền vững.
Trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao của TH True milk tại Nghệ An. I.T
Theo báo cáo của Agribank, tỷ trọng cho vay đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp trên tổng dư nợ nông nghiệp nông thôn liên tục tăng qua các năm và đạt tỷ lệ khoảng 30%. Cơ cấu cho vay đầu tư sản xuất nông nghiệp của Agribank có sự khác biệt rõ rệt với các tỷ lệ dư nợ trung bình trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ nông nghiệp tương ứng 25%-60%-15%. Tỷ trọng dư nợ cho vay dịch vụ nông nghiệp tăng từ 7% năm 2009 lên 16% năm 2013. Tốc độ tăng trưởng dư nợ nông nghiệp bình quân là 25%.
Chương trình cho vay thí điểm của ngân hàng này đang được thực hiện đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là một ví dụ của hướng đi này. “Không chỉ các doanh nghiệp mà các hộ nông dân, hợp tác xã đại diện cho nông dân thực hiện ký hợp đồng liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng được chúng tôi lên kế hoạch cho vay”-ông Khánh cho biết. Mức lãi suất cho vay tối đa đối với các dự án vay thuộc các chương trình thí điểm được áp dụng, cho vay ngắn hạn là 7%/năm; cho vay trung hạn là 10%/năm; cho vay dài hạn là 10,5%/năm.
Để triển khai chương trình này, Agribank đã ký kết hợp đồng nguyên tắc cấp tín dụng trị giá hơn 411 tỷ đồng cho 3 doanh nghiệp tỉnh An Giang và 1 doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng.
Nông dân vẫn cần hỗ trợ…
Ông Khánh khẳng định: Giải quyết tốt vấn đề vốn đầu tư tín dụng cho nông nghiệp chính là hướng sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, liên kết hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, từng bước nâng cao đời sống nông dân và thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Ðể triển khai được nguồn vốn hiệu quả, Agribank đã kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, giữ ổn định giá xuất khẩu nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để ổn định sản xuất...
Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp hiện nay của ta còn nhỏ lẻ, manh mún và dựa chủ yếu vào giá cả cũng như biến động bất thường nên tăng rủi ro cho người vay vốn và ngân hàng khó tính được dòng tiền. Do đó, việc hỗ trợ để người nông dân ứng dụng khoa học công nghệ, cách làm ăn mới sẽ giảm thiểu rủi ro, đồng thời tăng hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Giải pháp từ phía ngân hàng chỉ là một trong những chính sách hỗ trợ, góp phần quản lý vốn đầu tư hiệu quả. Để thúc đẩy sự phát triển khu vực nông nghiệp còn phải cần có sự phối hợp tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp từ trung ương đến địa phương và đặc biệt là chính bản thân doanh nghiệp, người nông dân.
Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro, Ngân hàng Nhà nước cũng như Bộ Tài chính cần có những chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay phát triển khu vực nông nghiệp nhiều hơn nữa. Cụ thể, cần xem xét một số biện pháp hỗ trợ đối với người vay vốn như thành lập quỹ bảo lãnh vốn nông nghiệp; bảo hiểm tín dụng nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất đối với các tổ chức tín dụng tham gia cho vay lĩnh vực nông nghiệp...
Agribank đã đề ra kế hoạch đến 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, tăng trưởng vốn huy động: 11 - 12%/năm; tăng trưởng tín dụng: 10 - 12%/năm; tỷ trọng cho vay đối với khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn phấn đấu đến năm 2015 đạt 75%, đến năm 2020 đạt 80%; thị phần tín dụng chiếm hơn 50% ở khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; có quan hệ tín dụng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho phần lớn hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp khu vực nông thôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.