Tăng cường đầu tư khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ
Tăng cường đầu tư khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ
PV
Thứ tư, ngày 22/11/2023 18:00 PM (GMT+7)
Đó là mục tiêu chính của hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đông Nam Bộ lần thứ XVI, năm 2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức.
Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2019 – 2023, định hướng nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Xuân Định (Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh, vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng và lớn nhất cả nước, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực phía Nam.
Năm 2022, GRDP vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước; thu nhập bình quân đầu người của vùng cao gấp 1,64 lần cả nước; tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 66,5%, bằng 1,8 lần trung bình cả nước. Tốc độ tăng trưởng và tổng sản phẩm GRDP của vùng luôn ở mức cao nhất. Cơ cấu kinh tế của vùng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có lợi thế so sánh, tạo ra tỷ lệ giá trị gia tăng cao.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư đổi mới công nghệ, nhóm ngành công nghiệp có sử dụng công nghệ cao và trung bình cao tăng bình quân khoảng 10%/năm. Sự tăng trưởng này phản ánh quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng mở rộng và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tạo sản phẩm tiêu dùng có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu.
"Mặc dù có những đóng góp như vậy nhưng chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng: trình độ công nghệ của các địa phương trong vùng còn thấp, hoạt động đổi mới công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Những kết quả đạt được trong hoạt động KH&CN thời gian qua còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có của vùng, chưa thực sự trở thành động lực để duy trì phát triển kinh tế - xã hội", Thứ trưởng Lê Xuân Định chia sẻ.
Thực tế cho thấy, mô hình tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung vẫn còn chủ yếu dựa vào sự mở rộng và thu hút đầu tư nước ngoài dựa trên lợi thế về lao động, tài nguyên và các cơ chế ưu đãi về thuế, chính sách thu hút đầu tư…,
Điều đó sẽ không thể tiếp tục trong tương lai để giúp kinh tế Việt Nam tiến nhanh hơn, bền vững hơn. Giải pháp mang tính chất đột phá và như là "động lực" thúc đẩy tốc độ tăng trưởng, phát triển của các quốc gia và nền kinh tế chính là khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại.
Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, cần thiết phải tổng kết, đánh giá và nhìn nhận lại KH&CN đã thực sự là động lực, là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, sự đồng bộ giữa pháp luật và thực thi, hoàn thiện cơ chế, chính sách về KH&CN.
Cần thiết hơn nữa là có những giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức, tăng cường đầu tư cho KH&CN không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp, gắn với doanh nghiệp, nơi chuyển hóa các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa; tăng cường liên kết viện - trường và doanh nghiệp; đặc biệt cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ KH&CN đầu ngành, những người làm khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của vùng và của đất nước.
Chia sẻ tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà khẳng định, kết quả, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của lĩnh vực KH&CN. Việc gia tăng ứng dụng và đổi mới công nghệ trong các ngành, hoạt động sản xuất công nghiệp, ngông nghiệp công nghệ cao, đổi mới ứng dụng công nghệ trong xây dựng, y tế và các ngành dịch vụ đã giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Dương được duy trì, ổn định.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm, ban hành thêm chính sách hỗ trợ và dành nhiều nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ, nhất là hoạt động đổi mới sáng tạo. "Bình Dương mong muốn thúc đẩy phát triển mối quan hệ hợp tác, liên kết nội vùng nói riêng và cả nước nói chung trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, đặc biệt là lĩnh vực KH&CN nhằm đưa lĩnh vực này trở thành một trong những động lực thúc đẩy tích cực cho tăng trưởng kinh tế vùng", Phó Chủ tịch Nguyễn Lộc Hà cho biết.
Tại hội nghị cũng diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các Sở Khoa học và Công nghệ vùng Đông Nam bộ trong liên kết, chia sẻ dữ liệu, thông tin hoạt động của sàn giao dịch công nghệ; đồng thời diễn ra nghi thức chuyển giao địa điểm giao ban vùng năm 2025 cho Sở KH&CN tỉnh Bình Phước.
Việc ký thỏa thuận hợp tác nhằm thực hiện kết nối hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương trong vùng và cả nước; cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung hợp tác cũng như kế hoạch phát triển trong thời gian tới giữa các Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh vùng Đông Nam Bộ trong liên kết, chia sẻ dữ liệu, thông tin hoạt động của sàn giao dịch công nghệ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.