Tăng giá 400 dịch vụ y tế: Khó thuyết phục người dân

Thứ tư, ngày 22/02/2012 13:13 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù vấn đề điều chỉnh dịch vụ y tế đã được Chính phủ thông qua, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến phản biện. Để có một góc nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.
Bình luận 0

PV NTNN đã trao đổi với bác sĩ Nguyễn Xuân Đại – nguyên chuyên viên cao cấp của Bộ Y tế.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Đại cho biết:

Sau gần 9 năm theo đuổi dự thảo tăng viện phí đến nay Bộ Y tế đã đạt được mục đích của mình. Dự thảo tăng một phần viện phí lần này của Bộ Y tế là hợp lý vì khung giá viện phí cũ đã quá lạc hậu. Tuy nhiên, dù theo lý giải việc tăng 400 dịch vụ được xem là đã cân nhắc, mức giá nghe có vẻ “mềm” hơn và các dịch vụ đã được tách nhỏ, nhưng điều đó vẫn chưa thực sự thuyết phục được người dân.

Nhiều mức dịch vụ tăng giá chưa thật phù hợp. Có nhiều dịch vụ tăng đến 20 lần so với trước đó, ví dụ như dich vụ đỡ đẻ. Việc tăng viện phí cần phải thực hiện chọn lọc, làm nhiều nấc để tránh gây sốc cho người dân.

img
Bác sĩ Nguyễn Xuân Đại – nguyên chuyên viên cao cấp của Bộ Y tế

Đấy là chưa kể đến những khó khăn về kinh tế gây nên tình trạng lạm phát cũng ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân. Ngành y không thể cứ duy trì mãi tư duy kiểu nhìn lên mà không chịu nhìn xuống. Rồi tăng cả 400 dịch vụ y tế này, các bộ cũng chưa tính toán kỹ, chưa có nhà hoạch định kinh tế y tế nào vào cuộc. Vì thế, dù đã được phê chuẩn, nhưng tính khả thi của chính sách lần này cũng không vì thế mà khả thi hơn.

Nếu nhìn theo góc độ của ngành y thì việc tăng viện phí là một biến chuyển tích cực, vậy với người dân thì sao, thưa ông?

- Viện phí dù tăng có “mềm” hơn theo giải thích thì vẫn sẽ tác động mạnh tới người dân, đặc biệt với những hộ cận nghèo và các nhóm đối tượng là nông dân, ngư dân không có chế độ lương bổng.

Câu chuyện tăng viện phí, thực chất là hình thức để hợp thức hoá việc “xé rào” lâu nay của các bệnh viện, nhằm làm cho chính sách phù hợp với thực tiễn hoạt động khám, chữa bệnh hiện nay.

Thực tế, lâu nay các bệnh viện cũng đã tăng viện phí nhưng chất lượng khám, chữa bệnh vẫn không thể đáp ứng và làm hài lòng người dân. Giờ tăng viện phí mà chất lượng không đổi thì không nói cũng biết chịu thiệt là người dân, nhất là người mắc các bệnh mãn tính.

Bất cứ một chính sách nào được ban hành cũng đều phải cân nhắc, đặt cái lợi cho dân lên trước. Theo ông việc tăng viện phí lần này đã đạt được điều đó?

- Bất cứ một thay đổi về chính sách nào cũng đều bắt nguồn từ thực tiễn xã hội và lợi ích của người dân. Nếu nói chính sách tăng một phần viện phí lần này của Bộ Y tế không xuất phát từ lợi ích của dân là không phải. Ở một góc độ nào đó, dự thảo lần này cũng đã cân nhắc và đặt lợi ích của người dân lên trên. Vì tăng viện phí, người dân sẽ có cơ hội được chăm sóc nhiều hơn khi khám, chữa bệnh.

Bản thân người điều trị và người được điều trị cũng cảm thấy thoải mái, yên tâm hơn một chút. Nhưng nhìn kỹ hơn thì việc tăng viện phí lần này thực chất là để làm an lòng các bệnh viện và kêu gọi sự đồng thuận của các bộ liên ngành và BHYT.

“Ngành y tế luôn so sánh giá viện phí của Việt Nam với khu vực, tại sao không so sánh lương người lao động, thu nhập GDP của mình với các nước bạn?”.

Với một loạt các chính sách được cho là mạnh tay của “tân” Bộ trưởng, trong đó có tăng viện phí. Ông có cho rằng nhờ đó mà bộ mặt của ngành y sẽ được cải thiện?

- Dù muốn hay không chúng ta cũng nên tin tưởng. Còn chuyện niềm tin ấy có thành hiện thực hay không còn phải tuỳ vào từng bước đi cụ thể của ngành y. Ngay cả dự thảo tăng một phần viện phí lần này cũng vậy. Dù có được Chính phủ phê duyệt thì cũng không thể kết luận nó có khả thi và tạo được sự đồng thuận của người dân hay không. Muốn dân tin thì không chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động. Điều này cũng cần phải có thời gian để Bộ Y tế trả lời.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem