Việc tăng giá điện 8,36% vào cuối tháng 3/2019 đã khiến hoá đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng "sốc" trong tháng 4/2019. (Ảnh minh hoạ)
Việc Bộ Công Thương đề xuất tăng giá điện 8,36% vào ngày 20/3/2019 đã khiến hoá đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng “sốc”, đồng thời, tạo ra nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Những tranh luận này sau đó được tiếp tục bởi những tranh luận bên hành lang Quốc hội với phát biểu của nhiều vị ĐBQH và ý kiến giải trình từ Bộ Công Thương, EVN.
Lý giải của Bộ Công Thương về việc tăng giá điện 8,36% gây bức xúc trong thời gian vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc lựa chọn thời điểm tăng giá điện chưa phù hợp. Đồng thời, EVN phải chia lại các bậc khung giá điện, bên cạnh thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Trong khuôn khổ buổi họp báo diễn ra vào chiều 5/7, khi phóng viên đặt câu hỏi về cơ sở để EVN đưa ra đề xuất tăng giá điện 8,36%, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, năm 2016, Kiểm toán Nhà nước có cuộc kiểm toán chuyên đề về xác định giá điện giai đoạn 2014-2016 tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đã công bố kế quả. Song sau đó, Chính phủ đã có Nghị định mới về giá.
Tới năm 2018, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán báo cáo tài chính của EVN. Vậy nên, cơ quan này chưa đủ căn cứ để có ý kiến nhận định về cơ sở tính giá điện hiện tại ra sao.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên thừa nhận: “Dư luận đang rất quan tâm tới giá điện và đây là vấn đề bức xúc. Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ làm rõ về vấn đề này và sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Về phía Kiểm toán Nhà nước, ông Đoàn Xuân Tiên cho biết, ông có đọc thông tin lãnh đạo Chính phủ nói sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán về giá điện.
"Chính phủ yêu cầu thì Kiểm toán Nhà nước sẵn sàng khảo sát, thu thập thông tin, nếu đủ điều kiện thì chúng tôi sẽ lập kế hoạch kiểm toán theo đúng quy định pháp luật," ông Tiên nói.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, giải thích vấn đề tăng giá điện 8,36%, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở rà soát tổng cơ cấu nguồn điện: nhiệt định, thuỷ điện, điện than, điện sinh khối… cho thấy: Tổng đầu tư vào ngành điện dự kiến tăng khoảng 23.000 tỷ đồng, trong đó, có điều chỉnh giá than cho điện 2 đợt vào 5/1/2019 và 15/3/2019, tổng hai khoản đầu tư là hơn 5.412 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí đầu vào của than cũng tăng, độ sâu khai thác than đã âm 300m so với mực nước biển nên chi phí lớn. Thêm vào đó, là việc điều chỉnh tăng giá than nhập khẩu trộn thêm 1.920 tỷ và điểu chỉnh giá khí tăng bao tiêu thị trường thêm 5.852 tỷ đồng, cộng thêm chênh lệch tỷ giá hơn 5.042 tỷ đồng.
“Để bảo đảm mức bù đắp đó và mức lợi nhuận tối thiểu 3% cho ngành điện, EVN và Bộ Công Thương đã đề xuất 3 kịch bản. Trên cơ sở thường trực Chính phủ đã họp và thảo luận với các Tập đoàn, Tổng Công ty, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh tăng giá điện 8,36% vào khoảng thời gian từ ngày 15/3 tới 30/3. Lý do là CPI giảm thường trong tháng 3, thực tế 10 lần điều chỉnh thì có 4 lần điều chỉnh giá điện trong tháng 3, nếu sau thời điểm đó thì tỷ lệ bù đắp phải cao hơn để bù đắp chi phí”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.
Theo Phó Thủ tướng, biểu giá điện các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam thường tính theo bậc thang. Về nguyên nhân hoá đơn tiền điện tăng “sốc” trong tháng 3, theo sơ bộ đánh giá do 3 nguyên nhân: điều chỉnh giá điện tăng, số ngày ghi công tơ trong tháng 4 nhiều hơn tháng 3 nhiều hơn 3 ngày, nhu cầu sử dụng điện tăng cao do nắng nóng bất thường.
“Kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy, cách tính và thu tiền điện của EVN chưa phát hiện ra sai phạm gì”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.