Hôm nay, mai táng GS Vũ Khiêu: Kho báu gửi tương lai

Vi Thùy Linh Thứ hai, ngày 11/10/2021 06:00 AM (GMT+7)
Lúc sinh thời tới khi buông theo hơi thở cuối, GS Vũ Khiêu của tôi lúc nào cũng được khắp nhân gian ngưỡng mộ về sức lao động phi thường. Khi kim đồng hồ chuyển sang ngày 10/10/ 2021, Hà Nội tuôn mưa, mưa cả đêm tới sáng...
Bình luận 0

Ngày kỷ niệm 67 năm Giải phóng Thủ đô cũng là lần cuối cùng GS, Anh hùng lao động Vũ Khiêu lưu lại Thành phố 1011 năm tuổi này, trước khi về an giấc nơi quê nhà Hành Thiện.

Thường thì, theo luật nhân sinh nghĩa tận với người đã khuất, người ta bỏ qua khiếm khuyết, chỉ ngợi ca thành quả, công đức, tôn vinh những gì người đó làm được và thể tất, bỏ qua, hoặc cố ý không nhắc những gì không vui, chưa đẹp. Đó cũng là cách cho người ra đi thanh thản, con cháu họ hàng và người những ai đang sống nhẹ lòng. Nhưng người "Nghệ sĩ giữa Anh hùng" Đặng Vũ Khiêu (1916- 2021) là một trường hợp vô cùng đặc biệt, điển hình và cực kỳ quý hiếm. Bộ não xuất chúng của GS cho ra sách ở tuổi 100 và minh mẫn đến phút cuối cùng, khi đã sang tuổi 106.

Tang lễ GS, Anh hùng lao động Vũ Khiêu: Kho báu gửi tương lai - Ảnh 1.

Phút thảnh thơi hiếm hoi của GS Vũ Khiêu trên vịnh Hạ Long năm 2006, khi ông 90 tuổi. (TS Cảnh Linh cung cấp)

10 ngày qua, thi hài ông nằm trong phòng lạnh để sáng 11/10, ông gặp mọi người lần cuối trước khi về nơi chôn rau cắt rốn. 10 ngày ấy và cho mãi sau này, ông không khi nào lạnh giá đâu, vì những người đã được gặp, mến mộ, kính phục, bái nể ông khắp Việt Nam và quốc tế đều nhớ Vũ Khiêu. Hơi ấm tỏa từ giọng nói tao nhân, bàn tay ngón gầy mềm ấm, từ tình đời dâng trào từng giây sống ông trao, vẫn lưu ngân cảm giác trong chúng tôi, đang cộng hưởng "ánh xạ" lại ông trong bao thương nhớ.

Con người uy lẫm và bác ái vô biên ấy sống thanh đạm vật chất vì chỉ gom góp cho đi. Nhưng bậc danh sĩ lại là một "tỷ phú" nhiều mặt. Trước hết là Vũ Khiêu sở hữu nhiều "nhà". Người mang vóc dáng tầm thước, mảnh mai lại chất chứa lượng tri thức, sức sáng tạo khổng lồ, vô đối không chỉ tại đất nước này mà ở tầm Châu Á và thế giới. Ông có rất nhiều "nhà" trong một trí tuệ, tâm hồn, trái tim cao đẹp (tạm xếp tương đối theo hành trình sự nghiệp của GS): Nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà Mỹ học, Triết học, nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà thư pháp, dịch giả... Ông còn là nhà văn hóa lớn, nhà Thăng Long học. Ông làm nhiều trong một chứ không chỉ tuần tự theo giai đoạn công tác và cống hiến ông để lại một kho báu, "mỏ vàng" trữ lượng lớn cho văn hóa Việt Nam, tận hiến xuất sắc đỉnh cao mà cứ luôn mắc nợ.

Đời người tính các khúc đoạn theo mùa. Mùa Xuân là tuổi trẻ; tuổi cao niên được ví với mùa Thu. Cũng có thể đếm mùa mà tính tuổi đời.

"Tỷ phú" đáng kính nhất mà tôi biết là Vũ Khiêu. Gắn bó với Hà Nội phần lớn cuộc đời, người công dân ưu tú Thủ đô (được phong danh hiệu năm 2010) đã dành cho đất thánh này một tình yêu sâu sắc. Yêu và am hiểu đến độ quán chiếu tri thức, kiến thức trải dài, sâu, rộng để làm nên bộ Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long.

Tang lễ GS, Anh hùng lao động Vũ Khiêu: Kho báu gửi tương lai - Ảnh 2.

GS Vũ Khiêu đi nghỉ mát mà đầu giường ngủ vẫn treo đầy câu đối. (TS Cảnh Linh cung cấp)

Nhà văn hóa Vũ Khiêu đã trải qua bao trầm luân, cay đắng, cực khổ, không oán than, suốt một đời gieo yêu thương, cái đẹp. Ông không tham cầu dục vọng cho bản thân và người ruột thịt, không thiên vị riêng cho quê hương Xuân Trường. Ông là bạn, giao du với bao tên tuổi lẫy lừng danh giá, song chẳng quên một thân phận nhỏ bé nào ông đã gặp. Đấy không chỉ do trí nhớ tuyệt vời, mà là lòng từ tâm, bác ái. Ông không trồng cây thực vật khắp mọi miền Việt Nam, mà cho chữ - những áng thơ tỏa tinh hoa lịch sử kiêu hùng và vàng son bất diệt khắp quốc gia chữ S này.

"Tỷ phú" kính yêu của tôi giàu chữ thánh hiền, ý tưởng dạt dào lòng yêu nước, thương người, say mê thi ca và cái đẹp. Ông lại dè sẻn từng giây sống không cho mình nghỉ ngơi. Đọc - nghĩ - viết điệp trùng qua thế kỷ. Viết và viết. Viết nữa, muốn viết mãi. Đó là khát vọng chiêu dương - hội tụ ánh sáng gấm hoa của văn hóa, văn chương, lịch sử đan kết tầng tầng danh nhân hào kiệt làm nên nền Văn hiến. Viết, không chỉ là lao động nặng dốc thể lực, rút chất xám và tâm não. Viết là say mê, sinh thú vô biên của nhà Mỹ học Vũ Khiêu.

Người học trò, cán bộ cuối cùng được làm việc bên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc đã ra đi. GS Vũ Khiêu ảnh hưởng từ lãnh tụ, danh nhân văn hóa ấy sự cao khiết của lối sống giản dị mà sang cả, lại mang tính "quốc tế" từ rất sớm, rất xa, một cuộc sống đẹp và xanh mà nhân loại tiến bộ ngày nay hướng tới: Không ăn nhiều, không cần mâm cao cỗ đầy, nhà lớn tiện nghi nhưng ở giữa thiên nhiên, cây xanh hoa thơm cho chim về làm tổ. Tường nhà kín sách, đọc thiên kinh vạn quyển mà viết cũng cả triệu trang để lại cho đời. Một đời viết chắt từ mạch máu ra dòng dòng hiển thị tình tự dân tộc, tình tự tiếng Việt mà Vũ Khiêu là một trong các yếu nhân quan trọng nhất làm giàu, đẹp, trường sinh tiếng Việt chảy qua thế kỉ XXI cho mãi về sau. Lịch sử trong lịch sử, được chưng cất và truyền phổ bằng văn bia, văn tế, bài minh, câu đối, biền ngẫu điển văn... chuẩn chỉnh niêm luật mà vẫn ngân vang ngữ khí thời đại mới.

Tang lễ GS, Anh hùng lao động Vũ Khiêu: Kho báu gửi tương lai - Ảnh 3.

GS Vũ Khiêu chống gậy, xuống xe trong một chuyến điền dã vãn cảnh chùa ở Sóc Sơn và tặng câu đối. (GS Lê Thị Quý cung cấp)

GS Vũ Khiêu chiếm giữ nhiều kỷ lục tại Việt Nam và thế giới, không bởi tuổi thọ, mà độ mẫn tiệp uyên bác của bộ não bách niên và sức/cường độ lao động không ai tuổi thanh xuân bì kịp. Ông không ham sống lâu, mà muốn sống nhiều. Sống nhiều là được trải nghiệm liên tục và dặm dài đam mê nghiên cứu sáng tạo không mỏi mệt. Gia tài GS để lại khổng lồ, là hàng chục bộ sách kinh điển, mang tính giáo khoa thư, là hàng trăm công trình nghiên cứu đa dạng... gìn giữ văn hóa, văn chương, lịch sử cho Tổ quốc từ ngàn năm tựu thành - kết nối đến thời nay. Kho báu ấy còn là đồ sộ bản thảo, tài liệu, ghi chép... chưa được vi tính hóa, biên soạn và hệ thống để làm sách.

Người Anh hùng lao động ấy cả một đời không chỉ "hành thiện" như tên làng sinh ra, lớn lên. Ông hành đạo làm người với những phẩm chất tốt đẹp nhất, hành động, việc làm in trí nhớ nhân gian, rồi lại trở về làng mình. Không phải mộ phần nơi nghĩa trang quốc gia hay tiếng tăm như Thiên Đức, mà được mai táng - nằm an nghỉ trong lòng quê mẹ cha máu thịt, đất làng che chở, nơi người vợ hiền đợi phu quân 27 năm rồi.

Ông chọn qua sinh nhật tròn 105 tuổi, ngày cuối tháng 9 mới chịu đi vào giấc ngủ dài, khởi hành trình mới đúng tháng 9 mùa Thu ông được chào đời, qua ngày Giải phóng Thủ đô mới chia tay Hà Nội về làng mình, nơi ông bà cùng lớn lên, yêu và lấy nhau, sinh hai người con tại đây: Quỳnh Khanh (1944, sang Mỹ sống với con gái Quỳnh Linh 3 năm nay, dịp này không thể về tiễn biệt cha), Cảnh Khanh (1947). Người con trai thứ ba sinh ở chiến khu Việt Bắc - kỹ sư Vật lý Đặng Vũ Hạ (1950) từng công tác tại Viện Vật lý. Và đây, bài thơ Đêm nhớ (11/5/1957), Vũ Khiêu viết khi vợ mang thai con trai út (họa sĩ Hoa Thạch sinh tại Hà Nội): "Em xem/ Con chúng ta/ Những đóa hoa thắm thiết lòng chúng ta/ Của tình ta rực rỡ". Và hiện 3 người con trai của GS đều ở Thủ đô.

Mấy ai biết, tác giả Truy điệu những lương dân chết đói 1945, người góp phần khai sinh nền khoa học xã hội, ngành Mỹ học Việt Nam lại có lúc lâm cảnh khốn cùng. Nhưng Vũ Khiêu có khí phách trúc tùng quân tử, ngạo nghễ tự giễu cảnh thanh bần: "Hôm nay tiền gạo hết/Nằm trông trời gió mưa/ Vợ buồn ngồi chẳng nói/ Con khóc gọi không thưa/ Hôm nay tiền gạo hết/ Gió lạnh lùa phên thưa/ Ngoài kia dưới trời mưa/ Bao người đói và rét/ Hôm nay tiền gạo hết/ Trời mưa vẫn cứ mưa/ Bao nhiêu người đã chết/ Khí lạnh tận mây mờ/ Hôm nay tiền gạo hết/ Biết làm sao bây giờ/ Kéo chăn trùm vai lạnh/ Lòng buồn như gió mưa" (1945).

Học sinh khóa 1 của École Primaire Hành Thiện - Trường Tiểu học Xuân Hồng A không thể về dự sự kiện 100 năm thành lập trường vào Thu 2022 được. Cựu học sinh Lycée Bonnal (nay là THPT Ngô Quyền, số 2 Mê Linh, quận Lê Chân, Hải Phòng) - một trong các trường cấp 3 đầu tiên được Pháp xây dựng ở miền Bắc, ngôi trường vẻ vang lấy tên website: bonnalngoquyen.edu.vn tự hào về các học trò lừng lẫy, trong đó có Vũ Khiêu. Trường Bonnal thành lập năm 1920, mang tên Công sứ Pháp tại Hải Phòng, nay vẫn là công trình kiến trúc đẹp hiếm có ngự tại đất An Biên, phường mang tên chốn Hải tần phòng thủ - thuở nữ tướng Lê Chân thế kỷ đầu tiên dấy binh khởi nghĩa. 

Hải Phòng cũng là nơi vợ chồng người con trai trưởng của GS gặp và yêu nhau khi họ là phóng viên TTXVN, thường trú tại phân xã Hải Phòng. Phóng viên Cảnh Khanh công tác 2 đợt: 1966- 1968 và 1971 - 1973. Ở đợt 2, ông gặp đồng nghiệp Lê Thị Quý (1950), người con gái da trắng, giàu nghị lực, đến từ Kinh Bắc, huyện Thuận Thành nơi có Thành cổ Luy Lâu, tranh Đông Hồ. Sau thời gian thường trú, họ về phân xã Hà Nội, làm đám cưới tháng 11/1974 và tháng 11/1974 sinh con trai đầu lòng tại Hà Nội. Cháu đích tôn được ông nội đặt tên, ông cũng đặt cho hầu hết các cháu chắt  của mình. Thành đạt nhất trong sự nghiệp được giới khoa học trong và ngoài nước nể phục, là vợ chồng GS Xã hội học Cảnh Khanh - Lê Thị Quý. GS Cảnh Khanh làm nghiên cứu sinh tại Bulgaria, là TS Xã hội học đầu tiên của miền Bắc. Con trai ông cũng theo ngành này. Tiếp bước cha, ông, con trưởng và đích tôn của GS vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy, thừa hưởng tư chất nghệ sĩ của Vũ Khiêu. 

GS Cảnh Khanh tự học nhạc qua sách, lúc trẻ chơi guitar, lớn tuổi thì điêu luyện dương cầm, vẽ tranh thủy mặc và là truyền nhân viết câu đối kế tục cha. TS Cảnh Linh đã có 22 đầu sách, 1 tập thơ, 1 đêm nhạc riêng Anh viết tên em mùa đông (1/2018, tại Nhà hát Lớn Hà Nội) với bút danh Hàn Vũ Linh (tên chắt đích tôn của GS, con trai út của Cảnh Linh là Hàn Linh), cuối năm nay ra 2 album nhạc 4 và 5, trong đó có các ca khúc phổ thơ ông nội. Anh có nhiều kỷ niệm với ông, người thầy lớn của mình. 

Tang lễ GS, Anh hùng lao động Vũ Khiêu: Kho báu gửi tương lai - Ảnh 5.

Hai ông cháu trên vịnh Hạ Long. (Ảnh: TS Cảnh Linh cung cấp)

Năm 2006, TS Cảnh Linh đi nghỉ mát với ông, trên du thuyền ngắm vịnh Hạ Long, ngoạn cảnh thì ít, bàn về nghệ thuật thì nhiều. Hai ông cháu đi nghỉ không thảnh thơi vì bận, mỗi người đều viết sách. Đầu giường ngủ trên tàu, ở khách sạn cũng treo câu đối. Đến phút cuối, GS Vũ Khiêu vẫn còn những trang viết dở dang...

"Ông ơi, hai mùa Thu ông không đủ sức ngồi ăn bánh thưởng trà, ngắm trăng. Cháu giữ những chiếc bánh nướng, dẻo hạn 10/10 đến ngày chót trong chiều mưa nặng hạt nhớ ông vô vàn. Không có quả thị trong tay, mà cứ nghĩ đến ông, là như có rừng thị thơm mùa Thu cổ tích. Cháu không chờ cô Tấm hiện ra, mà cháu mong gặp ông trong mơ, trong nhớ. Ông sẽ luôn hiện ra trên mỗi dòng cháu đọc, viết về ông. Một "ông Tiên" với bao phép màu nhân văn trong đời thực. 

Mùa Xuân 2022 tới, cháu tìm ông trong nét bút bay, trong tên các con thương gọi mỗi ngày..."

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem