Hiện nay, T-62 được xem là loại xe tăng chiến đấu chủ lực mạnh nhất của lực lượng tăng - thiết giáp Việt Nam. So với T-55, T-62 có hỏa lực tăng từ 10-20%, khả năng bảo vệ tăng 5-15%.
Tuy nhiên, được sản xuất theo công nghệ từ những năm 1960, cũng giống như T-54/55, T-62 đã khá lỗi thời, lạc hậu trên thế giới cả về giáp bảo vệ và hỏa lực.
Tương tự T-54/55, một số nước trên thế giới đã phát triển chương trình hiện đại hóa, nâng cao sức mạnh T-62, giúp nó tương đương hoặc tiến gần tới "san bằng" khoảng cách so với dòng tăng hiện đại.
Nhưng gói nâng cấp này có thể phù hợp ở mức nào đó nếu Việt Nam muốn nâng sức mạnh cho T-62.
Dưới đây là các chương trình nâng cấp xe tăng T-62 nổi bật:
T-62M
Năm 1983, "cha đẻ" của dòng xe tăng T-62 (Liên Xô) đã đưa ra chương trình nâng cấp hiện đại hóa sâu rộng mang tên T-62M. Tập trung chủ yếu vào việc cải tiến khả năng cơ động và hệ thống bảo vệ của xe tăng.
Theo đó, xe được trang bị thêm giáp bổ sung BBD bao gồm các tấm Glacis hình bán nguyện ở hai bên tháp pháo. Bổ sung các tấm giáp dưới sàn xe để tăng khả năng chống mìn.
|
Xe tăng chiến đấu T-62M của Quân đội Afghanistan. |
Về mặt hỏa lực, T-62M vẫn giữ nguyên pháo 2A20 115mm nhưng được tích hợp khả năng phóng tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser bán chủ động 9K116-2 Sheksna với kính ngắm 1K13-BOM (quan sát cả hai chế độ ban ngày và bên đêm).
Với loại tên lửa này, sức mạnh của T-62M tăng đáng kể, có thể tiêu diệt mục tiêu ở tầm 4.00m với độ chính xác cao.
T-62M trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực Volna với hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu bằng lade KTD-2, máy tính đường đạn BV-62. Pháo thủ và trưởng xe được hỗ trợ hệ thống quan sát mới TShSM-41U.
Xe tăng lắp động cơ diesel V-55U công suất 620 mã lực khỏe hơn.
Gói nâng cấp T-62M có giá khá "mềm", khoảng 800.000 USD. Tuy nhiên, hệ thống phòng vệ của xe vẫn được coi là khó kháng cự nổi so với vũ khí chống tăng hiện đại.
Sau này, gói nâng cấp khác dựa trên T-62M là T-62MV xuất hiện với giáp phản ứng nổ Kontak-1 trên tháp pháo, mặt trước thân và sườn xe tăng khả năng bảo vệ hơn.
|
Gói nâng cấp xe tăng T-62MV với kiểu giáp mới tăng khả năng chống đạn xuyên giáp. |
T-62AGM
T-62AGM là gói nâng cấp dành cho xe tăng T-62 nhưng dùng phương án tương tự gói nâng cấp T-55AGM dành cho dòng T-54/55 do Cục thiết kế Kharkiv Morozov Ukraine thực hiện.
Gói nâng cấp T-62AGM cải tiến mạnh về hệ thống hỏa lực với pháo nòng trơn KBM1 125mm kết hợp hệ thống nạp đạn tự động. Pháo được tích hợp khả năng phóng tên lửa chống tăng có điều khiển qua nòng cho phép tiêu diệt mục tiêu tầm 5.000m. Thậm chí, tên lửa có thể bắn hạ trực thăng bay thấp.
Trên tháp pháo lắp giá điều khiển vũ khí tự động lắp súng máy phòng không 12,7mm. Với giá điều khiển này, pháo thủ có thể điều khiển bắn từ trong xe mà không cần mà chui ra ngoài.
Về hệ thống giáp bảo vệ, T-62AGM trang bị giáp phản ứng nổ (ERA), hệ thống gây nhiễu điện tử. T-62AGM trang bị động cơ diesel đa nhiên liệu 5TDFM công suất 850 mã lực.
Theo nhà sản xuất, sau nâng cấp T-62AGM có sức tấn công và phòng thủ gần tương đương với loại T-80. Đây có thể nói là một trong những gói nâng cấp tốt nhất, hoàn thiện nhất cho xe tăng T-62. Tuy nhiên, cái giá của nó cũng không hề rẻ, lên tới 2 triệu USD.
|
Xe tăng chiến đấu T-62AGM với bộ giáp và pháo mới. |
T-62AG
Đề phòng trường hợp khách hàng "khó nhai" biến thể nâng cấp đắt đỏ T-62AGM. Kharkiv Morozov đã đưa ra gói nâng cấp rẻ hơn, T-62AG lược bỏ bớt một số tính năng, nhưng vẫn đảm bảo sức chiến đấu cao, tính bảo vệ tốt.
T-62AG trang bị pháo nòng trơn KBM-1 125mm (hoặc KBM-2 120mm) được tích hợp khả năng phóng tên lửa chống tăng dẫn đường bằng lade qua nòng. Tuy nhiên, pháo chính không có hệ thống nạp đạn tự động. Đây là điểm lược bỏ so với T-62AGM để giảm chi phí.
Hệ thống điều khiển hỏa lực trên xe tăng trang bị máy tính đường đạn và hệ thống chỉ thị mục tiêu bằng lade (hỗ trợ cho tên lửa chống tăng).
Ngoài pháo chính, trên tháp pháo được trang bị súng máy phòng không 12,7mm nhưng không thể điều khiển tự động từ trong xe như T-62AGM.
Về hệ thống bảo vệ, T-62AG trang bị giáp phản ứng nổ Nozh thế hệ thứ 3 ở mặt trước thân, tháp pháo. Ngoài ra, có thể lắp đặt hệ thống phòng vệ chủ động Varta đối phó với tên lửa chống tăng dẫn đường qua dây hoặc dẫn đường vô tuyến.
T-62AG trang bị động cơ diesel đa nhiên liệu 5TDF công suất 700 mã lực, yếu hơn so với T-62AGM.
Tuy có lược bỏ bớt một vài tính năng, nhưng nhìn chung T-62AG khá mạnh với giá "mềm" hơn. Đây có thể là gói nâng cấp phù hợp cho xe tăng T-62 của Việt Nam.
Theo Kiến Thức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.