Thời điểm này dọc theo các triền núi một số huyện phía tây Quảng Ngãi như: Trà Bồng, Tây Trà... cùng với màu xanh của những nương lúa rẫy chỉ mới lớn hơn gang tay người lớn, là những dây triên được trồng xen lẫn bò ngang dọc dưới mặt đất đang bắt đầu ra hoa. Tại một vài nơi do được trồng sớm, triên đã ra trái to bằng bắp tay, có thể thu hoạch.
Triên được trồng xen với lúa trên nương rẫy (ảnh to). Thương lái đang mua triên chở về đồng bằng để bán (ảnh nhỏ). Ảnh: C.X
Trái triên có hình dáng như trái dưa chuột (dưa leo) nhưng kích cỡ to và ngắn hơn, với chiều dài trung bình từ 10-20 cm/trái; trái lớn nhất bằng bắp tay người lớn. Cũng giống như dưa chuột, trái triên dùng để ăn sống, hoặc thái mỏng trộn với rau sống. Tuy nhiên thịt trái triên giòn, có vị ngọt thanh hơn nên được xem là trái đặc sản của vùng miền núi Quảng Ngãi, với giá bán từ 1.000 - 3.000 đồng/trái.
Người dân trong vùng cho biết: Do hương vị ngon, lạ và đặc biệt là sản phẩm sạch 100% nên triên được người miền xuôi lên mua về bán. Vì vậy cùng với thu hái từ số mọc hoang trong rừng, người dân lấy hạt đem về trồng xen trong nương lúa rẫy để bán. Bà Bùi Thị Liên (40 tuổi) - một người chuyên đi thu mua nông sản ở các bản làng ở huyện Trà Bồng cho hay: Gọi là trồng thế nhưng với tập quán, thói quen lâu nay của bà con “gieo xuống và giao cho trời”, đợi đến khi thu hoạch chứ không chăm sóc, hay sử dụng bất kỳ loại thuốc phân nào cả. Cho nên không khác gì triên mọc hoang trên rừng”.
Cứ vào tầm tháng 8 hàng năm, khi lên nương tỉa lúa, các hộ gia đình lại mang hạt triên gieo luôn. Hơn 1 tháng sau, khi lúa lên cao gần đến đầu gối người lớn cũng là lúc trái triên to bằng bắp tay người lớn, người dân chỉ cần mang gùi ra hái về bán.
Tuy số tiền thu hoạch từ trồng triên rừng của các hộ dân không nhiều, chỉ khoảng từ 1-3 triệu đồng/vụ/năm nhưng đã góp phần tạo thêm nguồn thu nhập cho hàng trăm hộ gia đình người Kor ở vùng miền núi phía tây Quảng Ngãi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.