“Tăng thuế giá trị gia tăng lên 12% là đánh mạnh vào người nghèo”

Trần Giang Thứ sáu, ngày 18/08/2017 15:03 PM (GMT+7)
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, ví thuế giá trị gia tăng (GTGT) như vãi thóc cho cả đàn gà, gà to gà bé gì đều bị cả. Nếu tăng thuế lên 12% thì người nghèo sẽ bị tác động mạnh.
Bình luận 0

Mới đây, Bộ Tài chính đã đề nghị nâng mức thuế suất thuế GTGT theo hai phương án. Phương án 1 tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1.1.2019, phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1.1.2019 và 14% từ ngày 1.1.2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.

Tăng thuế “luỹ thoái” làm người nghèo bị tổn thương

Bình luận về phương án này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng tăng thuế "lũy thoái" làm người nghèo bị tổn thương nhiều hơn trong khi lại điều chỉnh thuế thu nhập mà chỉ nhìn thoáng qua đã thấy người nghèo chẳng được giảm tý thuế nào (nghèo thì chẳng có mức thu nhập 19 triệu đồng/tháng).

Một lần nữa "thông lệ quốc tế" lại được đẩy ra "tiền tuyến" để làm lý do tăng thu. Không có biện pháp giảm thất thoát, lãng phí thì tăng thu chính là khuyến khích thất thoát, lãng phí gia tăng.

img

Nguồn: Huỳnh Thế Du Đại học Fulbright Việt Nam

Ông Nghĩa cho rằng thuế GTGT là thuế gián thu, làm cho giá cả hàng hóa tăng lên, chi phí tiêu dùng tăng lên và tác động mạnh đến người nghèo.

“Giống như người nghèo thu nhập được 6 triệu đồng/tháng, thì họ chi tiêu sinh hoạt thiết yếu như ăn, ở, mặc, đi lại… khoảng 4 triệu đồng nên chịu thuế cao. Trong khi người giàu thu nhập 20 triệu đồng/tháng, thì họ cũng chỉ chi từng ấy, phần còn lại họ được tích lũy. Do vậy thuế gián thu có tác dụng điều chỉnh thu nhập, hỗ trợ người nghèo chính xác như thuế trực thu”, ông Nghĩa bình luận.

Cùng quan điểm, ông Vũ  Thành Tự Anh, Giám đốc Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế, Đại học Fulbright Việt Nam, hiện là thành viên của tổ tư vấn chính sách kinh tế của Thủ tướng, khuyến nghị nên cân nhắc việc tăng thuế GTGT lên 12%.

Thuế GTGT nhìn chung có tính “lũy thoái”, do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn. Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế GTGT cho cùng một sản phẩm chịu thuế.

“Song do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế GTGT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn. Do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng”, ông Tự Anh phân tích.

img

Nguồn: Huỳnh Thế Du Đại học Fulbright Việt Nam

Không chỉ người nghèo, ông Nghĩa cho rằng việc tăng thuế GTGT lên 12% còn tác động đến doanh nghiệp, vì đây là loại thuế làm giá cả hàng hoá tăng lên, chi phí tiêu dùng tăng lên. Giá hàng hoá bán cao lên thì người tiêu dùng mua ít đi, làm cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi.

“Giống như chúng ta bán hàng sang Mỹ, đồng USD tăng giá thì hàng ở Mỹ tăng lên, hàng Việt Nam khó cạnh tranh hàng Mỹ. Xét ở phương diện người tiêu dùng và doanh nghiệp thì tăng thuế GTGT đều tác động đến cả hai”, ông Nghĩa phân tích.

Tỷ trọng đóng góp thuế GTGT chiếm 27,5% tổng thu ngân sách

Ông Nghĩa cho rằng việc tăng thuế GTGT sẽ giúp tăng thu ngân sách, vì hiện tỷ trọng thu thuế GTGT trong ngân sách khá lớn. Nên nếu thu thuế GTGT lên vài % thì tạo ra nguồn thu khá lớn, trong khi chi phi thu thấp.

“Nhưng tăng thu ngân sách như vậy có đúng hay không thì không ai nói được”, ông Nghia bày tỏ.

Ông Nghĩa phân tích, thuế TNDN, thuế TNCN tính ra được mức thu nhập thế nào để thu đã khó và thu được cũng khó, vì doanh nghiệp  nhỏ và siêu nhỏ thì chịu thuế khoán.

img

Nguồn: Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam

“Có doanh nghiệp bảo thấp thì biết là thấp, doanh nghiệp bảo cao thì biết là cao và chỉ thu như vậy. Trong khi thuế GTGT đánh một nhát là được. Anh bán hàng là tính tất, cứ hóa đơn bán hàng là thu. Các nước hạn chế thuế gián thu, 1 số nước duy trì và tôi không hiểu tại sao tăng thuế GTGT lên 12%”, ông Nghĩa bình luận.

Theo ông Tự Anh, tỷ trọng đóng góp của thuế GTGT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU, là những nước có thuế suất GTGT thuộc nhóm cao nhất thế giới.

“Với thuế suất GTGT phổ thông hiện nay là 10%, GTGT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Trong khi đó, với mức thuế suất phổ thông trung bình cao hơn hẳn (21,3%), GTGT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU. Điều này cũng ngụ ý rằng, việc tăng thuế suất GTGT không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách”, ông Tự Anh phân tích.

img

Nguồn: Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam

Quan trọng nhất, theo ông Tự Anh, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỷ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28-29% GDP.

“Việc tăng thuế GTGT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án nghìn tỷ đắp chiếu và kém hiệu quả”, ông Tự Anh khuyến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem