Tăng tính cạnh tranh về giá bán xăng dầu

Mai Hương Thứ năm, ngày 21/08/2014 08:45 AM (GMT+7)
Dự thảo nghị định mới cho phép thương nhân phân phối xăng dầu cũng được quy định giá bán xăng dầu trong hệ thống của mình, đồng thời thương nhân phân phối xăng dầu được mua hàng từ nhiều đầu mối. 
Bình luận 0

Ngay sau khi Bộ Công Thương hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết: Theo quy định tại dự thảo nghị định mới, kinh doanh xăng dầu sẽ sát thị trường hơn, thể hiện qua các quy định nhằm tăng tính cạnh tranh về giá bán xăng dầu, về thị phần giữa các DN kinh doanh xăng dầu… Theo đó, dự thảo nghị định mới quy định giá cơ sở được tính trên cơ sở bình quân giá xăng dầu thế giới của 15 ngày sát với ngày điều chỉnh giá; quy định này sẽ làm cho giá bán trong nước phản ánh sát hơn diễn biến giá thế giới, so với quy định hiện hành. Dự thảo Nghị định mới thay đổi biên độ điều chỉnh giá, quy định nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% trở xuống so với giá cơ sở liền kề trước đó thì thương nhân đầu mối được điều chỉnh giá tương ứng. Ông Tú lý giải với mức tăng 3% tương ứng với 700-750 đồng/lít mỗi lần điều chỉnh, phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế và khả năng tiêu dùng của người dân. Còn trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng trên 3%, Dự thảo quy định: Khoảng từ 3-7% thương nhân đầu mối được điều chỉnh giá một phần, một phần sử dụng Quỹ bình ổn giá để giảm mức giá điều chỉnh.

Một điểm mới nữa về bình ổn giá là theo quy định tại Dự thảo Nghị định, chỉ có Chính phủ mới có quyền quyết định bình ổn giá xăng dầu trong nước và giao trách nhiệm cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phối hợp triển khai thực hiện biện pháp bình ổn giá trong thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Nếu như trước đây chỉ có thương nhân đầu mối được quy định giá bán xăng dầu trong hệ thống của mình, thì nay dự thảo nghị định mới cho phép đối tượng mới là thương nhân phân phối xăng dầu cũng được quy định giá bán xăng dầu trong hệ thống của mình, đồng thời thương nhân phân phối xăng dầu được mua hàng từ nhiều đầu mối. Ví dụ, một thương nhân phân phối xăng dầu mua xăng của Petrolimex với giá là 24.000 đồng/lít, mua xăng của PV Oil với giá là 26.000 đồng/lít, sau đó tự định giá bán xăng trong hệ thống phân phối của mình với mức giá là 25.000 đồng/lít để cạnh tranh trực tiếp với các đầu mối. Thế nhưng, giá bán lẻ xăng dầu không được cao hơn giá cơ sở do Nhà nước quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem