Giá xăng dầu giảm - giá hàng hóa không giảm: Nghịch lý khó dẹp

Mai Hương (thực hiện) Thứ hai, ngày 11/08/2014 06:06 AM (GMT+7)
“Giá xăng dầu tăng thì ngay lập tức giá các loại hàng hóa dịch vụ ùn ùn tăng theo. Nhưng khi giá xăng dầu giảm, chẳng hàng hóa dịch vụ nào chịu xuống giá. Phóng viên NTNN đã phỏng vấn ông Vũ Vinh Phú  - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội xung quanh nghịch lý này.
Bình luận 0

Thưa ông, giá xăng dầu với 2 lần giảm tổng cộng khoảng 800 đồng/lít có thể nói có tác động khá lớn tới các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Tuy nhiên, cho đến nay, các mặt hàng trên thị trường vẫn chưa có biểu hiện giảm giá?

img

Ông Vũ Vinh Phú  - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội 

- Đúng là giá xăng dầu đã 2 lần giảm liên tiếp song đến nay chưa có tác động nhiều đến thị trường. Nhìn chung, giá các loại hàng hóa và cước vận tải không có biến động lớn. Tại các chợ cóc, chợ tạm có thể nhận thấy hầu hết các mặt hàng đều không có dấu hiệu giảm giá. Cá biệt, một số ít mặt hàng còn có xu hướng tăng giá nhẹ như hàng thực phẩm, rau quả… Ở các chợ xu hướng là người ta buôn bán nhỏ lẻ nên giá lên thì nhanh hơn siêu thị nhưng giá xuống lại chậm hơn siêu thị. Còn với siêu thị, do lượng hàng hóa tồn kho lớn nên khi kiểm kê để tăng hay giảm giá cũng đều chậm. Hàng hóa bán tại siêu thị lại đắt đỏ hơn chợ vì chi phí kinh doanh cao, quản lý kinh doanh còn cồng kềnh… do vậy cũng không hy vọng có sự giảm giá. Vận tải hành khách đến thời điểm này cũng không có dấu hiệu giảm giá cước.

Ông có cho rằng đây là một nghịch lý cần sớm có giải pháp để dẹp bỏ không?

- Tôi cho đây là nghịch lý không dễ xóa bỏ nếu với cung cách quản lý và điều hành thị trường nói chung như của chúng ta hiện nay. Nguyên tắc kinh doanh là bao giờ người ta cũng muốn có lợi nhuận ở mức cao nhất. Hiện với nhiều mặt hàng Nhà nước còn định giá, quản giá mà chúng ta cũng đã khó quản lý giá cả. Các chiêu lách luật tăng giá, rút ruột hàng hóa, giảm chất lượng hàng hóa để phù phép vẫn đang diễn ra hàng ngày. Với những mặt hàng khác thì càng khó bắt buộc phải giảm giá. Chúng ta có hàng vạn mặt hàng vậy, liệu có thể dùng biện pháp hành chính mà giảm giá được không? Lực lượng quản lý thị trường bây giờ không có luật nào để bắt một bà bán rau muống phải bán hạ giá. Ngay việc đi kiểm tra hết được việc bán hàng hóa đúng giá, đúng chất lượng của một công chức quản lý thị trường cũng phải mất 10 năm mới quay trở lại được 1 cửa hàng đã kiểm tra.

Nói như vậy thì người tiêu dùng sẽ cứ phải chịu đựng nghịch lý này mãi sao, thưa ông?

- Nói như vậy để thấy chúng ta phải thay đổi việc quản lý giá cả hàng hóa, thị trường theo cơ chế thị trường thực sự, theo cạnh tranh, cung cầu của hàng hóa. Bàn tay Nhà nước ở đây phải là bàn tay vô hình, điều hành ở trên thị trường chứ không thể bằng mệnh lệnh hành chính nhìn thấy mà chúng ta vẫn đang áp dụng với nhiều mặt hàng như hiện nay. Giá cả hàng hóa thực tế được quyết định bởi vấn đề cung-cầu, tổ chức thị trường, cạnh tranh lành mạnh. Nói rộng ra, ở đâu có nhiều nhà đầu tư đầu tư vào thì hàng hóa đó giảm và người tiêu dùng sẽ được lợi.

Hiện nay việc quản giá của ta đang theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, nay mặt hàng này, mai mặt hàng khác, làm từng mặt hàng thế sẽ không ổn, điển hình là giá sữa. Nhà nước phải điều hành bằng cách không ngăn sông cấm chợ, không độc quyền; mở rộng liên kết sản xuất, phân phối, đảm bảo chất lượng hàng hóa… còn giá cả lúc đó sẽ thuận theo quy luật của thị trường… Tôi đang lo sợ, 5-7 ngày nữa các hãng taxi định giảm giá mà chỉnh đồng hồ chưa kịp xong thì giá xăng dầu đã lại vọt lên. Chi phí chỉnh sửa lên tới hàng tỷ đồng thì ai là người gánh chịu? Ngay giá xăng dầu điều hành còn chưa đạt nên càng làm cho cái nghịch lý “xăng dầu giảm mà hàng hóa đứng yên” khó mà giải quyết.

Tới đây, nếu giá xăng dầu vẫn ở mức giảm như hiện nay, liệu các cơ quan nhà nước có giải pháp để giá hàng hóa giảm không? Ông đánh giá như thế nào về tác động của giá xăng dầu tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI)?

- Quy luật tất yếu với mỗi mặt hàng là nhiều người làm thì giá sẽ cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng, đừng độc quyền, ngăn sông cấm chợ như nhiều mặt hàng hiện nay. Hiện các doanh nghiệp xăng dầu nhỏ không vật lộn lại được với Petrolimex. Bộ Công Thương thì lại sắp vừa đá bóng, vừa thổi còi với mặt hàng này thì người ta e ngại cái “đầu vào” này của hàng hóa còn khó có thể ổn định và có lợi cho sản xuất, tiêu dùng. Trước mắt, tôi cho trách nhiệm của các cơ quan chính phủ là không nên ôm đồm quá nhiều mà chỉ tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu của thị trường như gạo, thịt cá, rau quả, sữa; tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng các mặt hàng này. Mặt hàng nào ế sẽ tự nhiên giảm giá ngay. Thị trường là yếu tố quan trọng nhất trong giá và quy luật cung-cầu là rất kinh khủng với giá cả hàng hóa, trước cả quy luật tiền-hàng. Dù xăng dầu đã hai lần giảm giá nhưng mặt bằng giá cả hiện vẫn đang ở mức cao và “bảo thủ” ghê gớm. CPI có tốc độ tăng thấp gần đây càng là lý do để giá cả hàng hóa “treo” cao, không xuống. Chúng ta cũng đừng hy vọng giá giảm nhiều bởi nhiều DN đang còn mải “cứu” lỗ đã phải chịu trước đó. Họ còn phải hạch toán đủ thứ chi phí không tên nữa.

Xin cảm ơn ông!

Mới chỉ giảm chi phí cho DN vận tải

Ông Nguyễn Văn Thanh- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, giá xăng giảm lần thứ 2 liên tiếp với mức giảm gần 500 đồng/lít chưa đủ mạnh để khiến các DN vận tải điều chỉnh giá cước. Theo ông Thanh, các DN vận tải trong thời gian qua đã phải gánh chịu nhiều tác động từ các yếu tố đầu vào như giá xăng dầu liên tục tăng, trong khi DN không điều chỉnh giá cước. Thêm nữa, nếu so sánh với những lần tăng giá xăng từ đầu năm đến nay thì mức giảm lần này vẫn còn thấp. Đại diện Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội - ông Bùi Danh Liên cũng cho hay, mỗi lần muốn thay đổi giá cước, DN sẽ mất nhiều thời gian về thủ tục đăng ký điều chỉnh giá cước, chi phí thay đồng hồ đối với taxi, bảng biểu... Đợt giám giá lần này mới chỉ là động thái giúp giảm gánh nặng chi phí đầu vào cho DN vận tải.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem