Tăng dư nợ, mở cơ hội thoát nghèo
Ngày 11.5, UBND tỉnh Gia Lai và Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tổ chức hội nghị “Tổng kết 10 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)” giai đoạn 2007-2017 do ông Nguyễn Đức Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai: Qua 10 năm, doanh số cho vay đạt 8.639 tỷ đồng với gần 460 nghìn lượt hộ vay. Tính đến hết quý I 2018, tổng dư nợ các chương trình cho vay đạt hơn 4.000 tỷ, tăng gấp 5,5 lần so với năm 2007. Trong 13 chương trình tín dụng chính sách được NHCSXH cho vay thì có 12 chương trình có đối tượng được thụ hưởng là hộ đồng bào DTTS với hơn 70.000 hộ vay, chiếm trên 50% số hộ vay, bình quân dư nợ hộ DTTS 26,6 triệu đồng/hộ.
Ông Lê Văn Chí - GD NHCSXH Gia Lai phát hiểu tại hội nghị
Ông Lê Văn Chí – GĐ NHCSXH Gia Lai chia sẻ: “Công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, cải thiện đời sống của người dân trong vùng đồng bào DTTS trong 10 năm qua luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong chiến lượt phát triển kinh tế xã hội tỉnh. NHCSXH đã chủ động tham mưu các cấp, tranh thủ nguồn vốn ưu tiên cho các hộ nghèo nhất là vùng DTTS, bình quân mỗi năm vốn vay tăng thêm hơn 20%, có hộ được vay vốn từ 2-3 chương trình. Vốn vay của NHCSXH được hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới sẽ ưu tiên vốn cho vùng sâu, vùng đồng bào DTTS nhằm đảm bảo 100% hộ nghèo được vay vốn”.
Theo thống kê, giai đoạn 2011-2015, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 23,7% còn 11,3%; giai đoạn 2016-2017 giảm từ 19,7% xuống 13,3% (trong đó, hộ nghèo DTTS giảm từ 40,1% xuống còn 27,7%), góp phần giảm hộ nghèo hàng năm 3-4%. Từ năm 2007 đến nay, vốn tín dụng đã hỗ trợ cho hơn 203 nghìn hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động. Đồng thời, xây dựng gần 10 nghìn căn nhà hộ nghèo, 29 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh vùng sâu góp phần chung vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
UBND tỉnh Gia Lai trao giấy khen cho các tập thể xuất sắc trong phối hợp cho vay tín dụng
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam bày tỏ: “Tôi rất ấn tượng với kết quả về chính sách tín dụng mà Gia Lai đã đạt được trong 10 năm qua, trong khi tỉnh còn rất nhiều khó khăn, tỉ lệ người đồng bào DTTS lại cao, chiếm 44%. So với nhiều địa phương, Gia Lai là điển hình làm tốt cho vay vốn đối với người đồng bào DTTS. Hoạt động đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết những vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống và giúp đồng bào DTTS làm quen với việc vay vốn để sản xuất kinh doanh”.
“Bà đỡ” của dân nghèo
Nói về công tác giảm nghèo, ông Kpă Ngun – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa thổ lộ: Huyện có đến 64% là người DTTS, có tỉ lệ hộ nghèo cao thứ 3 của tỉnh với gần 5.000 hộ nghèo nên nhu cầu vay vốn để làm ăn ở địa phương rất cao. Cũng nhờ được tiếp cận vốn vay chính sách kịp thời, bà con đã từng bước sử dụng vốn vay hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Trong 10 năm, có 1.750 hộ vay vốn thoát nghèo, 560 hộ thoát cận nghèo và đã có hàng nghìn công trình vệ sinh, nước sách được xây dựng phục vụ nhu cầu của dân.
Cùng chia sẻ tác động tích cực của nguồn vốn vay, ông Rơ Châm Hin – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Păh nói: “Giữa Hội và NHCSXH huyện thường xuyên có những trao đổi thông tin, giải quyết vướng mắc để hướng đến mục tiêu tạo điều kiện cho nguồn vốn vay được phát huy hiệu quả cao nhất. Nếu như năm 2007, toàn huyện có 35 hộ đạt chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi thì nay đã có gần 4.000 hộ, trong đó có 360 đạt thu nhập từ 500 -1 tỷ đồng/năm. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác thông qua Hội đạt 79 tỷ đồng.
Chị Ksor H’Ayết – làng Klăh 2 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, kinh tế hết sức khó khăn. Năm 2013, tôi được NHCSXH huyện cho vay 10 triệu đồng đầu tư trồng cà phê, nuôi heo và sau vài năm được thoát nghèo. Năm 2016, gia đình tôi được tạo điều kiện vay thêm 30 triệu đồng mở rộng sản xuất, đến nay đã có thu nhập ổn định hàng năm hơn 100 triệu đồng, con cái được học hành dầy đủ. Hiện tôi đang làm 1 tuyên truyền viên đi vận động, giúp một số bà con khác trong làng cách sử dụng vốn hiệu quả để thoát nghèo”.
Kiểm tra mô hình vay vốn sản xuất ở huyện Mang Yang
Tương tự, nông dân Rơ Lan Blao (tổ 6, thị trấn Chư Prông) kể: “Sau khi thoát nghèo, tôi được bà con tin tưởng bầu làm Bí thư Chi đoàn tổ dân phố, hàng tuần vẫn thường xuyên đi tuyên truyền vận động bà con mạnh dạn vay vốn làm ăn. Để chắc ăn và cho dân tin, tôi luôn đi đầu trong việc gửi tiết kiệm, hàng tháng đều đặn đóng trước vào tổ tiết kiệm 100.000 để dồn tiền trả nợ gốc. Ban đầu, tài sản tôi chỉ có 8 sào rẫy thôi, nhờ vay vốn làm ăn giờ đã có hơn 1.000 gốc cà phê, đàn bò 7 con và đang tiếp tục vay vốn mở rộng sản xuất”.
Tăng vốn, đẩy lùi “tiến dụng đen”
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Cư – GĐ Ngân hàng Nhà nước tỉnh Gia Lai bày tỏ: Nhờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã tạo điều kiện cho người dân ở địa bàn nông thôn đầu tư phát triển kinh doanh, góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn, giảm tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh hàng năm 3-4% là đã rõ. Đồng thời, cũng góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen” ở nông thôn, nhất là vùng DTTS. Bởi “tín dụng đen” lâu nay đã trở nên nhứt nhối ở khu vực nông thôn.
Theo ông Cư, thời gian qua tình hình “tín dụng đen” ở Gia Lai diễn biến hết sức phức tạp, một số đối tượng lợi dụng lúc kinh tế khó khăn để cho vay không thế chấp, cho vay lãi nặng đối với nhiều hộ dân nghèo dẫn đến “lãi mẹ đẻ lãi con”, có hộ phải gán nhà, bán đất, không còn phương tiện sản xuất rơi vào nghèo đói. Hiện, các địa phương vẫn chưa có thống kê cụ thể số hộ vay “tín dung đen”, qua hội nghị này cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp rà soát lại nạn “tín dụng đen” để có biện pháp xử lý.
Đồng thời, ông Cư cũng đưa ra nhiều giải pháp hạn chế “tín dụng đen”, một số vấn đề nổi bật như: Tăng cường đầu tư nguồn vốn và tăng tiền cho vay; Chính quyền các cấp thực hiện tuyên truyền tác hại của “tín dụng đen” để dân phòng tránh; Phía NHCSXH kịp thời thông tin về các chương trình tín dụng cho dân nắm bắt, tiếp cận vốn vay dễ dàng.
Nhiều hộ dân DTTS ở vùng sâu, vùng xa lao đao vì tín dụng đen
Bàn về phương hướng sắp tới, ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam khẳng định: “Ngân hàng sẽ có đề xuất với Chính phủ tăng nguồn vốn cho vay, nhất là đối với người đồng bào DTTS và có thể cho vay mức vượt trần, tăng từ 50 triệu lên 80 hoặc 100 triệu đồng. Đồng thời cũng đề xuất với Quốc hội bố trí nguồn vốn riêng cho đồng bào DTTS vay vốn phát triển sản xuất. So với hiện tại, lượng vốn cho vay đối với mỗi hộ dân vẫn còn thấp”.
Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Đức Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng thống nhất với ý kiến chung của nhiều đại biểu là đề nghị tăng nguồn vốn và số vốn cho dân vay. Theo ông Hoàng, nguồn vốn có phát huy hiệu quả hay không là cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cần rà soát chặt chẽ vốn vay, thực hiện tốt cải cách hành chính. Vấn đề “tín dụng đen”, tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương vào cuộc làm rõ.
Đồng thời, ông Hoàng cũng trăn trở: “Ngành ngân hàng còn “không tin dân nghèo”, bởi số tiền hiện nay cho vay mỗi hộ còn rất thấp, chưa thật sự giải quyết hết vấn đề khó khăn của dân”. Nếu cho vay thấp quá thì dân sao thoát được nghèo, trong khi có một số đơn vị “đại gia” được cho vay hàng nghìn tỷ, bằng dân vay cả 10 năm. Do đó, để dân nhanh chóng thoát nghèo thì cần tăng nguồn tiền và số tiền cho vay, nếu cấp trên đồng ý thì tỉnh sẵn sàng trích vốn của địa phương cho người dân vay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.