Tạo cơ chế để dân sống được từ rừng

Thứ tư, ngày 12/10/2011 06:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là ý kiến được đưa ra sáng 11.10 trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đánh giá kết quả Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020.
Bình luận 0

Dự án 5 triệu ha rừng hoàn thành, nhưng…

Thay mặt Chính phủ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Đăng Khoa báo cáo, qua 13 năm thực hiện, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (1998 -2010) đạt được nhiều kết quả. Độ che phủ rừng năm 1998 là 32%, năm 2010 đạt gần 40%.

img
Chăm sóc rừng trồng tại huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn).

Nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ, phát triển rừng của người dân được nâng lên, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tạo được nhiều vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm lâm sản khác.

Tuy đồng tình với đánh giá đó, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, dự án này và thực trạng bảo vệ và phát triển rừng nói chung còn nhiều tồn tại.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước từng đi giám sát nội dung này nêu ví dụ, nhiều nơi như Bình Phước, ông đến cách đây 10 năm nhưng khi vừa trở lại đã không còn rừng. Các vùng như Đăk Nông, miền tây Thanh Hóa và Nghệ An hiện còn rất ít rừng. “Tôi rất hoài nghi về con số trong báo cáo, đặc biệt là rừng tự nhiên” – ông Ksor Phước nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng dẫn ra thực tế mà ông tận mắt chứng kiến: “Quốc lộ 32 từ Phú Thọ - Sơn La chỉ còn một số cánh rừng. Từ trực thăng bay trên biên giới nhìn xuống, chỗ nào có rừng là Lào, chỗ nào không có rừng là ta”. Ông Khoa còn cho rằng: “Một mục tiêu của dự án là tạo vùng nguyên liệu gỗ. Nhưng 80% nguyên liệu gỗ vẫn phải nhập. Như vậy có đảm bảo mục tiêu không?”.

Tăng diện tích rừng kinh tế

Câu chuyện đời sống người dân dưới tán rừng là một trọng tâm của cuộc họp.

Theo đề xuất của Chính phủ, độ che phủ rừng sẽ tăng lên 42 - 43% vào năm 2015 và 44 - 45% vào năm 2020 nhằm góp phần đáp ứng các yêu cầu về môi trường cho quá trình phát triển bền vững của đất nước; lâm nghiệp sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng... Để thực hiện được mục tiêu trên, dự kiến tổng vốn đầu tư cho Chương trình từ 2011-2020 là gần 50.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là 14,6 nghìn tỷ đồng, vốn khác hơn 35 nghìn tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, hiện nay mức thù lao Nhà nước trả cho người trồng rừng là 50.000 đồng/ha/năm là không đảm bảo đời sống. Nếu sắp tới tăng lên 200.000 đồng/ha/năm thì người dân có thể yên tâm hơn.

Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, vấn đề chính là phải tạo ra cơ chế để người dân sống được bằng rừng. Cơ chế mà ông Hiển đề nghị là tăng diện tích rừng trồng để khai thác. “Diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ quá lớn trong khi đó rừng kinh tế thấp. Tăng diện tích rừng kinh tế thì mục đích phủ xanh đất trống đồi núi trọc đạt được nhanh hơn; doanh nghiệp, người dân có thu nhập cao hơn” – ông Hiển nói.

Trong phần phát biểu của mình, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, dự án trồng 5 triệu ha rừng là dự án vô cùng quan trọng, góp phần làm xanh đất nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội… Chủ tịch đồng tình với việc tiếp tục triển khai một dự án trồng rừng mới. Tuy nhiên, Chủ tịch nhấn mạnh: “Làm sao để người dân sống trong rừng có đời sống khá lên, giá trị sử dụng đất rừng tăng lên”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem