Tạo cơ chế hỗ trợ cho các 'nhà sáng chế nông dân'

P.V Thứ tư, ngày 20/09/2023 13:03 PM (GMT+7)
Tại "Hội thảo Kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thành phố Hải Phòng với quốc tế", đại diện báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt có bài tham luận về vấn đề khai thác sáng chế trong sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo lĩnh vực.
Bình luận 0

Đại diện báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, nhà báo Vũ Thị Hải, Trưởng Văn phòng Hải Phòng cho biết, qua nhiều năm làm công tác truyền thông trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chúng tôi nhận thấy, các sáng chế đã trở thành động lực giúp nhiều nông dân khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và gặt hái nhiều thành công. 

Đơn cử như anh Tạ Đình Huy (xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), năm 2005, anh bắt đầu với công việc "nghiên cứu" chế tạo ra những chiếc máy làm thay công việc của con người. Năm 2007, anh cho ra đời chiếc máy đa năng đầu tiên, vừa làm đất, phun thuốc sâu và vừa bơm nước. Hiện, anh đã tiếp tục tích hợp thêm các chức năng của máy và đã nâng cấp thành "15 trong 1": Cày, bừa, phay đất, làm cỏ vườn, tạo luống, gieo hạt, đảo phân, đào hố trồng cây, phun thuốc sâu, bơm nước… 

Đặc biệt, năm 2019, anh Huy đã sáng chế thành công bộ phận điều khiển từ xa, chỉ cần bấm nút, chiếc máy sẽ tự động cày bừa, người nông dân không phải tốn công sức vận hành máy như trước đây. 

Những sáng chế của anh có tính ứng dụng cao, giá thành hợp lý, không chỉ được bà con nông dân cả nước biết đến, mà còn nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các nước bạn: Lào, Campuchia..., giúp cơ sở của anh có việc làm, thu nhập ổn định.

Tạo cơ chế hỗ trợ cho các 'nhà sáng chế nông dân' - Ảnh 1.

Đại diện báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, nhà báo Vũ Thị Hải, Trưởng Văn phòng Hải Phòng tham luận về vấn đề khai thác sáng chế trong sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo lĩnh vực.

Với những thành tích trong sáng chế, ứng dụng máy nông nghiệp vào thực tế, anh Tạ Đình Huy đã được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.

Hay ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Tư Hùng (ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đã rất thành công với nghề sáng chế tạo nông cụ. Những sản phẩm của ông cũng tham dự và đạt không biết bao nhiêu giải sáng tạo khoa học kỹ thuật khắp trong và ngoài tỉnh. Hầu hết máy cơ khí của ông đều ra đời từ gợi ý hoặc nhu cầu bức thiết trên đồng ruộng. Không chỉ giúp nông dân sản xuất hiệu quả, những sáng chế đó còn giúp ông Hùng có thu nhập cao, khởi nghiệp thành công.

Từ nghề sửa máy nổ, anh Dương Quốc Thái ở Hậu Mỹ Bắc B (Cái Bè – Tiền Giang) đã khởi nghiệp với nghề sáng chế nông cụ. Đánh giá về các nông cụ sáng chế của mình, anh Thái cho rằng, về mặt kinh tế, các sản phẩm này xuất phát từ nhu cầu của sản xuất thực tế. Các sản phẩm này giúp nông dân giảm ngày công lao động, giảm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành so với những nông cụ ngoại nhập đắt tiền. Hiện, các sản phẩm nông cụ sáng chế của anh Thái không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Anh Thái cho biết, hàng năm cơ sở của anh giải quyết việc làm cho hơn 42 lao động có việc làm thường xuyên, với thu nhập ổn định 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, cơ sở còn tạo việc làm cho 20 - 25 lao động thời vụ với số tiền 300.000 đồng/người/ngày.

Những năm qua, đánh giá cao vai trò của "Nhà sáng chế không chuyên" đối với phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các sáng kiến của các nhà sáng chế không chuyên, từ khâu hình thành ý tưởng, nghiên cứu chế tạo đến hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm và thành lập doanh nghiệp khoa học - công nghệ. 

Nhiều địa phương cũng đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động sáng kiến, sáng chế phù hợp với tình hình của địa phương thông qua cơ chế, chính sách về vốn vay, thuế, hỗ trợ tiêu thụ, bảo hộ sáng kiến…

Tạo cơ chế hỗ trợ cho các 'nhà sáng chế nông dân' - Ảnh 2.

Anh Tạ Đình Huy (bên trái) ở xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bên chiếc máy đa năng do mình sáng chế. Ảnh: VOV.

Theo số liệu tổng hợp của Vụ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ), giai đoạn 2016-2020, cả nước có 781 sáng kiến, sáng chế được phát hiện và ghi nhận thông qua các cuộc thi khác nhau từ trung ương đến địa phương. 

Đối với thực tế triển khai ở địa phương, bà Hải cho biết, thời gian qua, các ngành chức năng, hội đoàn thể của Thành phố rất tích cực tổ chức các cuộc thi tìm kiếm các sáng chế, giải pháp hữu ích, từ đó có những hỗ trợ, khuyến khích để các tác giả ứng dụng sáng chế vào thực tiễn sản xuất. Trong đó, Hội Nông dân thành phố có hội thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông, đã qua 4 lần tổ chức.

Ở Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông thành phố Hải Phòng lần thứ ba năm 2020-2021, Ban tổ chức hội thi đã nhận được 50 công trình, giải pháp, sáng kiến của các tác giả, nhóm tác giả ở 3 nhóm lĩnh vực gồm chăn nuôi; trồng trọt; cơ khí và chế biến nông sản. Ban tổ chức hội thi đã tổ chức đi thực tế 100% ở các huyện, quận có công trình, giải pháp, mô hình.

Hội thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ tư, năm 2022 – 2023" của Hội Nông dân TP.Hải Phòng cũng nhận được 42 đề tài dự thi. Trong đó, có 18 đề tài thuộc lĩnh vực trồng trọt, 9 đề tài thuộc lĩnh vực chăn nuôi và 15 đề tài thuộc lĩnh vực cơ khí, chế biến nông sản đến từ các tác giả, nhóm tác giả của các sở, ngành, địa phương.

Tạo cơ chế hỗ trợ cho các 'nhà sáng chế nông dân' - Ảnh 3.

Phiên tọa đàm tại "Hội thảo Kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thành phố Hải Phòng với quốc tế". Ảnh: D.V

Trong đó, nhiều công trình giải pháp có ý nghĩa trong đời sống xã hội như đưa giống lúa ST25 vào sản xuất lúa trên ruộng rươi theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao của tác giả Trần Văn Trung - Công ty cổ phần đầu tư Hải Âu Việt, đã phát huy lợi thể diện tích vùng bãi bồi ven sông Văn Úc huyện Kiến Thụy; nghiên cứu thử nghiệm thành công ứng dụng vi sinh xử lý rác thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp, nguồn bèo tây chăn nuôi giun trùn quế phục vụ trồng trọt chăn nuôi khép kín tuần hoàn, tác giả Đỗ Thị Hà, xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên phục vụ chăn nuôi, đây là mô hình có thể nhân rộng ra các địa phương khác như khu vực sông Đa độ, sông Trung thủy nông ở các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo… vì có nguồn bèo tây lớn và góp phần bảo vệ môi trường. Giải pháp sơ chế cá trắm đen một nắng bán công nghiệp của tác giả Vũ Văn Đa, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên đã góp phần đa dạng các sản phẩm chế biến và nâng cao giá trị nông sản. Đây đều là những ứng dụng được người dân áp dụng vào thực tế, hỗ trợ quá trình khởi nghiệp, mang lại giá trị kinh tế cao.

Từ thực tế triển khai ở Hải Phòng có thể thấy, tiềm năng khai thác các sáng chế ở các địa phương còn rất lớn, nhưng việc ứng dụng các sáng chế trong quá trình khởi nghiệp còn hạn chế do người nông dân còn thiếu rất nhiều điều kiện như: hiểu biết về thị trường, về các thủ tục pháp lý liên quan đến đăng ký bản quyền.

"Dù đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động, song so với tiềm năng sáng tạo, khả năng nhân rộng và nhất là những giải pháp hỗ trợ để các sáng chế, sáng kiến này hoàn thiện được quy trình công nghệ, bảo hộ được tài sản trí tuệ (bản quyền), sản xuất quy mô công nghiệp và thương mại hóa được sản phẩm ra thị trường… rất cần những cơ chế, chính sách đồng bộ hơn nữa từ trung ương đến các địa phương như: Giới thiệu tham gia hội chợ, sự kiện khoa học và công nghệ; hướng dẫn thủ tục, đăng ký bảo hộ sáng chế; tôn vinh trên phương tiện truyền thông bằng nhiều hình thức khác nhau. Về lâu dài, cần có cơ chế hỗ trợ, tài trợ từ ngân sách nhà nước để "Nhà sáng chế không chuyên" tiếp tục công tác nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, xây dựng các mô hình nhân rộng, hợp đồng chuyển giao, góp vốn, bảo lãnh bằng chính sáng chế của mình để hợp tác sản xuất, vay vốn ngân hàng mở rộng sản xuất, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo từ chính những phát minh, sáng chế của mình", bà Hải nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem