Chuyện thực như hai năm là mười, nhưng với anh Hải (mà không chỉ anh Hải) là một giấc mơ giữa ban ngày. Bởi vì, sau khi bỏ tiền nong công của ra làm trực thăng với giấc mộng giúp nông dân rải phân, phun thuốc trừ sâu và nhiều công việc đồng áng khác, anh Hải vẫn không được ai ngó ngàng tới hay giúp đỡ đồng xu cắc bạc nào. Thậm chí anh muốn thử nghiệm vỗ cánh một cái cũng không được vì đụng phải bao nhiêu thủ tục. Cuối cùng, anh lại như “mảnh chĩnh vất ngoài bờ ao”, mèo lại hoàn mèo, một ông nông dân có ý chí lớn nhưng việc không thành, thế thôi.
Thế nhưng sự đời lại không phụ người có tâm có tài. Không hiểu do nguyên do nào hay nhờ ở Tây Ninh là láng giềng gần gũi với nước bạn Campuchia mà cái “mảnh chĩnh” ấy được nhìn thấy. Anh được mời sang chữa máy móc nông nghiệp. Chuyện này với anh chắc dễ ợt. Nhưng anh cũng phấn khởi lắm vì “mảnh chĩnh” được lấp lánh chứ không bị vùi dưới lá ở bờ ao. Thấy anh chữa máy giỏi, một đơn vị quân đội Campuchia mời anh xem qua mấy chục chiếc xe bọc thép cũ nát đang bỏ xó. Anh làm cho chúng nổ máy giòn tan. Được khuyến khích, anh bỏ vốn làm thử một chiếc xe bọc thép hẳn hoi, không những chẳng kém cạnh mà còn có vẻ ưu việt, thích hợp với quân đội Cămpuchia hơn mấy cái xe sản phẩm cũ kia.
Quốc vương Campuchia tặng hai bố con anh Hải huân chương “Đại tướng quân” sau mấy vụ xe cộ đó. Không biết cái loại huân chương này nó to nó oai đến cỡ nào, nhưng bây giờ thì anh Hải được “vua biết mặt, chúa biết tên” chứ không còn là “mảnh chĩnh” như trước đây nữa.
Mừng cho anh Hải, người tài được dùng, cũng mừng cho nước bạn không đẻ ra, không nuôi dưỡng, không mất công học thêm dạy thêm mà được dùng một người tài không phải người nước mình. Thấy câu thơ của Lý Bạch thật đúng: “Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng” (Trời sinh ra ta có tài ắt sẽ có chỗ dùng). Sở dĩ có lúc là “mảnh chĩnh” vì cái tài bị vùi lấp, lại sinh ra nơi người ta không khuyến khích đúng đắn và tôn trọng đúng mức người tài. Nhưng khi được tôn trọng, được tạo điều kiện thì không người tài nào lại bị mai một thành mảnh chĩnh. Tất nhiên trừ mấy ông người tài xài bằng giả và chỉ có tài nói dối hay chém gió.
Nhưng cũng buồn cho cái tài không được dùng hay chưa được dùng ở nước ta. Hàng vạn tiền sĩ mà mỗi năm chưa có được dăm bảy công trình khoa học công bố ra thế giới. Cũng chỉ thấy nông dân bất đắc dĩ thành nhà phát minh, nhà khoa học để làm ra nào máy cày máy đào đất máy tuốt ngô máy bóc lạc, máy thái hành… chứ ít thấy máy nào hữu dụng do một ông tiến sĩ trong nước sáng chế. Hay có nhiều mà chúng ta chưa biết?
Và cũng sợ phần nào cho anh Hải. Vì nhớ câu: “Mảnh chĩnh vất ngoài bờ ao/Hễ ai đụng đến của tao đó mày!” Không biết anh có bị làm khó dễ gì về chuyện thủ tục trong chuyện này hay không?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.