Các đội tàu sẽ mạnh hơn
Sáng 6.3, gặp phóng viên, lão ngư Phan Thuẫn - Ủy viên Hiệp hội Cá ngừ đại dương Phú Yên, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (TP.Tuy Hòa) vui mừng nói ông đã biết đến Quyết định 375 và kỳ vọng quyết định này được triển khai hiệu quả sẽ góp phần củng cố, phát triển bền vững ngành khai thác hải sản Việt Nam. Điều ông Thuẫn quan tâm nhất là việc tổ chức khai thác hải sản trên biển theo các mô hình liên kết.
Ông cho hay, việc liên kết các tàu đánh bắt xa bờ theo từng tập đoàn 5-10 chiếc đã được ngư dân Tuy Hòa thực hiện từ nhiều năm nay. Đến nay, 100% tàu cá ngừ đại dương của ngư dân phường 6 (Tuy Hòa) – nơi được xem là “thủ đô” của nghề “bò gù” (cá ngừ đại dương) Việt Nam, đã hoạt động theo tổ, đội (dân địa phương gọi là tập đoàn). Ngư dân xa bờ lúc này không bao giờ đi lẻ từng tàu, họ đi theo tổ, nhóm để còn tương trợ nhau về nhân lực, nhiên liệu, an ninh, tinh thần… Đây là là liên kết tự nguyện (bạn bè, dòng họ…) nên rất bền chặt.
|
Tới đây, nhiều chính sách hỗ trợ sẽ được triển khai giúp ngư dân yên tâm và có điều kiện vươn khơi, bám biển. |
Theo Sở NNPTNT Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 105 tổ tàu thuyền an toàn (tập đoàn) gồm 787 tàu cá xa bờ với gần 6.000 lao động thường xuyên trên biển. Chủ đầu tư, kiêm thuyền trưởng tàu cá ngừ PY90936 - Nguyễn Thanh Hiệp (phường 6, Tuy Hòa) nói, việc liên kết thành tập đoàn trong đánh bắt đã thành truyền thống của ngư dân Nam Trung Bộ. Các tập đoàn này hoạt động rất linh hoạt, cơ động. Ví dụ, 2 ngày tới có chuyến biển mà vì lý do gì đó vắng 1-2 tàu, thì ngay lúc ngồi uống cà phê, qua thông tin hỏi han lẫn nhau, thì sẽ có ngay 1-2 tàu bổ sung tức khắc.
“Chúng tôi hỗ trợ nhau rất thiết thực, nhất là những lúc tàu gặp rủi ro, tai nạn trên biển. Khi có một tàu “đứng bánh”, thì cả tập đoàn bàn nhau phương án cứu hộ. Nếu các cơ quan chức năng chưa kịp có mặt, thì tập đoàn sẽ cử tàu lai dắt tàu bị nạn về nơi an toàn; phí tổn “dừng câu” sẽ được tập đoàn chung tay chia sẻ một phần với chủ tàu”-ông Hiệp chia sẻ.
Tiếp thêm quyết tâm cho ngư dân
Cách đây 6 tháng, ông Trần Toàn (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã cho hạ thủy con tàu 450CV để ra Hoàng Sa tiếp ứng nhiên liệu cũng như mua hải sản cho các tàu thuyền trong tổ đội khai tác xa bờ đang đánh bắt ở ngư trường này. Ông Toàn cho biết, để đóng được con tàu này, gia đình phải huy động nguồn vốn lớn, gần 2 tỷ đồng từ rất nhiều nguồn. Tuy nhiên đến nay, con tàu đã giúp gia đình ông tăng thu nhập lên khá cao.
“Nếu Nhà nước có chính sách đầu tư và quan trọng nhất là cho ngư dân vay vốn ưu đãi của Nhà nước thì gia đình tôi sẽ đóng thêm con tàu nữa”- ông Toàn khẳng định. Lý giải về sự mạnh bạo này, ông Toàn cho hay: “Tàu cá của ngư dân đánh bắt thì nhiều lắm, trong khi tàu dịch vụ gắn liền thu mua và tiếp nhiên liệu cho các tổ đội đánh bắt xa bờ thì quá ít. Mỗi chuyến đi biển xa bờ thường kéo dài cả tháng, khi vào bờ hải sản của ngư dân hao hụt 20-40% vì phải bảo quản quá lâu trên biển. Như tàu của tôi chỉ đáp ứng cho khoảng 10-15 tàu hoạt động đánh bắt. Nhiều chủ tàu thuyền khác muốn tôi thu mua hải sản và tiếp nguyên liệu ngay trên biển cho họ nhưng tôi cũng chịu”.
Trong khi đó, bà Lê Thị Huệ (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) chủ 2 con tàu đánh bắt xa bờ có tổng công suất gần 1.500CV cho biết: Trước cơn bão Chan Chu (2006), tàu đánh bắt xa bờ của quận Thanh Khê có hơn cả trăm chiếc, nhưng đến nay chỉ còn hơn 10 chiếc. Năm đó bà Huệ mất chồng, tài sản cũng “bay” theo cơn bão khủng khiếp. Đến năm 2011, bà Huệ cầm nhà để vay tiền ngân hàng đóng mới tàu, tiếp tục theo nghề biển nhưng không được. Không chịu khuất phục, bà bán luôn nhà, cộng với sự hỗ trợ của TP. Đà Nẵng và vay mượn bạn bè để đóng tàu 605CV cùng tham gia tổ đội đánh bắt xa bờ của phường.
TP. Đà Nẵng cũng đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm nghề cá mạnh của miền Trung và cả nước, có mức tăng trưởng cao về giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản từ 14-15%/năm. Để đạt được mục tiêu trên, Đà Nẵng đang hướng tới thành lập các đội tàu cùng nghề với số lượng 10-15 chiếc/đội để hỗ trợ nhau khai thác trên biển, mỗi tàu có công suất từ 200CV trở lên. Ông Trần Đình Quỳnh-Giám đốc Sở NNPTNT TP. Đà Nẵng cho biết: “Đề án của Chính phủ vừa đưa ra rất thiết thực cho ngành khai thác hải sản của Đà Nẵng cũng như cả nước, vì sẽ giúp ngư dân yên tâm, vững vàng hơn khi khai thác, sản xuất trên biển”.
Đầu tháng 4 bắt đầu triển khai đề án
Mục tiêu của Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản là đến năm 2020, khoảng 40% tàu có khai thác hải sản trên biển hoạt động theo các mô hình liên kết. Trong đó, 90-100% tàu cá hoạt động ở vùng khơi tổ chức sản xuất theo mô hình có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên ngư trường. Giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%; giảm số vụ tàu cá bị thiệt hại do thiên tai, rủi ro trên biển xuống dưới 75% vào năm 2020 so với năm 2011.
Về cơ chế, chính sách, đề án xác định sẽ tiếp tục xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ phát triển tổ đội sản xuất trên biển, HTX và các mô hình liên kết sản xuất trong khai thác hải sản xa bờ gắn kết với hậu cần dịch vụ trên biển; hỗ trợ rủi ro cho ngư dân khi tham gia sản xuất trên biển...
Hôm qua (6.3), trao đổi với NTNN, ông Đào Hồng Đức- Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết: Theo đề án, tới đây ngư dân sẽ được hỗ trợ một loạt các chính sách từ liên kết tổ đội, thông tin ngư trường, bảo quản sau thu hoạch cho đến tiêu thụ sản phẩm…
Ông Đức cũng cho biết, cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới, chúng tôi sẽ triển khai hội nghị vụ cá nam để phổ biến và bắt tay ngay vào triển khai đề án này. Việc hỗ trợ lần này sẽ được tiến hành rất cụ thể, đi vào từng chính sách một, nhằm giúp ngư dân khai thác, sản xuất hải sản bền vững.
Hải Hà
Đức Tuấn - Đình Thiên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.