Tạo một không gian văn hoá ứng xử học đường

Lê Nguyên Phương (Thế giới tiếp thị) Chủ nhật, ngày 01/04/2018 06:29 AM (GMT+7)
LTS: Nổi bật trong thời gian gần đây là vấn đề ứng xử học đường. Khi bàn đến những vấn đề này, mối tương quan trong tam giác thầy cô – học sinh – phụ huynh trong môi trường chuyển tiếp giữa gia đình và xã hội, một khái niệm chúng ta cần bàn đến là văn hoá học đường và không khí học đường. TS Lê Nguyên Phương đã đưa ra những mấu chốt thiết yếu của vấn đề này để cho mỗi chúng ta tự chọn giải pháp.
Bình luận 0

Trong các nghiên cứu hiện nay, từ “văn hoá học đường” được dùng để chỉ hoạt động của một ngôi trường được liên tục hình thành ảnh hưởng bởi những tín niệm, nhận thức, thái độ và những lề luật bằng văn bản hay bất thành văn tại ngôi trường đó. Một số nghiên cứu khác còn đưa vào nội hàm văn hoá học đường các yếu tố vật chất trong khuôn viên lớp học như phòng ốc, cây cối, bàn ghế, màu sắc; và các yếu tố con người cấu thành khối nhân sự trong học đường gồm học sinh, giáo viên, và toàn thể nhân viên nhà trường như chủng tộc, sắc dân, ngôn ngữ, v.v.

Nếu vận dụng mô hình hệ thống sinh thái của Bronfenbrenner (1) vào trong việc tìm hiểu và nghiên cứu này, chúng ta còn phải kể thêm các yếu tố hệ thống vĩ mô như: chính quyền, chế độ, tập tục xã hội, văn hoá dân tộc, chính sách kinh tế và giáo dục và hệ thống thời gian như lịch sử hình thành, phát triển, và thoái hoá của các yếu tố nói trên. Tất cả điều này sẽ ảnh hưởng đến không khí học đường, tức là phương pháp và tương tác giáo dục giữa thầy và trò, cung cách đối xử, và chung nhất là quan hệ giữa các thành viên trong nhà trường gồm có ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Quan hệ giữa văn hoá học đường và không khí học đường là tương quan nhân quả với nhiều điều kiện cùng tồn tại trong hệ sinh thái học đường, khiến cho mối tương quan này được củng cố hay suy giảm.

img

Một trong hai hướng tiếp cận để xây dựng văn hóa học đường là "tinh thần dân chủ" trong văn hóa học đường. Ảnh: TL.

Trong những tài liệu về việc xây dựng văn hoá học đường phổ biến tại Việt Nam, chúng ta đã thấy những dấu hiệu tích cực qua sự xuất hiện của những giá trị và định hướng mới, không chỉ mới khi so sánh với hệ thống giáo dục hiện nay, mà cả đối với giáo dục truyền thống trong lịch sử quốc gia. Đó là những giá trị và định hướng: hợp tác dân chủ, tôn trọng nhân vị, cải tiến sáng tạo, đồng học đồng tiến, và cộng đồng thực hành. Dĩ nhiên từ nguyên lý đến phương pháp, từ lý thuyết đến thực hành còn là một quãng cách rất xa, vì những tồn tại lịch sử và cơ chế. Nhưng ngày nào những giá trị và định hướng này không phải chỉ là những ngôn từ hoa mỹ trên giấy tờ, mà là nguyện vọng thực sự của toàn thể định chế và thành viên trong hoạt động giáo dục, thì ngày đó chúng ta còn hy vọng vào một sự chuyển mình của giáo dục Việt Nam. Cho dù hiện nay những hiện tượng đơn lẻ, nhưng mang tính bản chất vẫn còn làm cho nhiều người quan tâm hoặc ngao ngán, hoặc đớn đau.

Ở đây tôi muốn đề cập đến hai hướng tiếp cận, và trong hai hướng tiếp cận này tôi lại chọn hai chủ điểm chính mà tôi quan tâm. Hướng tiếp cận đầu tiên tôi gọi là vĩ mô, những yếu tố mang tính nền tảng ảnh hưởng đến toàn thể hệ thống, vốn xuất phát từ ngành “lãnh đạo học đường” mà tôi được đào tạo. Chủ điểm tôi quan tâm trong hướng tiếp cận này là “tinh thần dân chủ” trong văn hoá học đường, và tôi muốn mượn một tài liệu để diễn tả: cuốn Văn hoá dân chủ: Môt thách thức của học đường của UNESCO xuất bản năm 1995.

Khi nghe đến từ “dân chủ,” người đọc ở một số quốc gia sẽ không khỏi ngần ngại khi liên hệ khái niệm này với thế giới Tây phương, đến một thể chế kinh tế và chính trị, và cả đến một thế lực muốn ảnh hưởng các quốc gia khác. Tuy nhiên, điều đầu tiên và quan trọng nhất, dân chủ là một giá trị, và đi đôi với giá trị đó là một lề lối ứng xử, không chỉ trong một quốc gia hay một tổ chức, mà là trong mọi quan hệ giữa người và người. Và cũng vì vậy, nó cũng là một “văn hoá”, có thể được gọi là “văn hoá dân chủ” như tựa đề của cuốn sách mỏng kể trên. Ba giá trị đạo đức mang tính chức năng là nền tảng phổ quát của một nền văn hoá như thế, được UNESCO chỉ rõ là: “Tự do và nhân quyền, quy trình đối thoại, và tính cách độc sáng” (trang 13).

Những giá trị này tạo thành một thể thống nhất năng động, và chỉ được thực hiện và duy trì qua việc thực thi trách nhiệm và quyền lợi công dân, cùng nhau chia sẻ quyền hạn và trách nhiệm xã hội. Khi nói đến tự do và nhân quyền, chúng ta muốn nói đến những khả tính đa phương của một con người như một cá thể, nhưng đồng thời cũng nói đến những giới hạn của con người đó trong một xã hội, nơi những lề luật quy định có mục đích kiến tạo một môi trường, để mỗi công dân đều phát triển được mọi năng lực đến cực hạn và bảo vệ đượcmọi phẩm giá ưu thiết nhất của mình.

           

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem