Táo Pháp, Mỹ giá 40.000 - 60.000 đ/kg do thuế nhập khẩu giảm?

Thứ ba, ngày 11/04/2017 17:04 PM (GMT+7)
Tại các siêu thị lớn như Big C, Vinmart đều niêm yết giá táo, lê nhập khẩu từ Mỹ, Pháp, Hàn Quốc chỉ 40.000 – 90.000 đồng/kg là một thực tế cho thấy hoa quả nhập ngoại ngày càng rẻ và cạnh tranh mạnh mẽ với hoa quả trong nước.
Bình luận 0

img

Người tiêu dùng có nhiều lựa chọn trước các loại hoa quả ngoại nhập phong phú . Ảnh minh họa

Hoa quả nhập khẩu ngày càng rẻ

Tại hệ thống siêu thị Big C, một kg táo nhập từ Pháp giá 39.900 đồng, táo Gala Mỹ 59.900 đồng/kg, lê Hàn Quốc 70.000 đồng/kg, nho không hạt Nam Phi 135.000 đồng/kg…

Tương tự, hệ thống siêu thị Vinmart niêm yết táo Juliet Oganic Pháp 89.000 đồng/kg, táo Gala Pháp 66.000 đồng/kg, táo Gala Mỹ 89.000 đồng/kg, lê Hàn Quốc 69.000 đồng/kg, táo xanh Mỹ 73.000 đồng/kg, nho không hạt Nam Phi 115.000 đồng/kg…

Theo một người mua hàng tại Big C, giá hoa quả nhập khẩu tại các siêu thị hiện chỉ ngang bằng hoặc nhỉnh hơn một chút so với các loại hoa quả nội. Ví dụ táo Pháp, Mỹ chỉ từ 40.000 – 70.000 đồng/kg. Đây là mức giá khó tin với người tiêu dùng. Vì trước đây, các mặt hàng hoa quả nhập khẩu có giá ít nhất cũng từ 80.000 đồng – 200.000 đồng/kg. Do vậy, chúng tôi rất băn khoăn về chất lượng của hoa quả nhập khẩu.

Giải thích về việc giá hoa quả nhập khẩu giảm đột biến, theo đại diện Big C, thay vì nhập khẩu qua các đơn vị trung gian, Big C đã tiến hành nhập khẩu trực tiếp một số loại trái cây, giảm chi phí đáng kể, nên giá một số loại hoa quả nhập rẻ hơn nhiều so với trước kia. Ngoài ra, Big C còn có nhiều chương trình giảm giá để kích thích người tiêu dùng.

Còn theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam, doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart: "Hiện siêu thị chúng tôi bán dòng sản phẩm táo Mỹ và Pháp với mức giá 50.000 – 70.000 đồng. Táo cũng theo mùa, có thời điểm nhiều, có thời điểm ít nhưng mức giá này ổn định trong năm (hết mùa thì bán táo dự trữ).

"Sở dĩ siêu thị có thể bán được với giá phải chăng như vậy vì chúng tôi nhập khẩu trực tiếp với nguồn gốc, xuất xứ đảm bảo, không phải thông qua các khâu trung gian nên tiết kiệm chi phí. Ngoài ra còn do chiến lược kinh doanh, chúng tôi giữ giá tốt để níu chân khách hàng. Các cửa hàng bên ngoài thì chỉ bán một vài mặt hàng, lượng nhập khẩu nhỏ nên họ phải đẩy giá lên cao đề bù cho số lượng hàng bị thối hỏng", bà Hậu nói thêm.

Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), trái cây ngoại đang được nhập ngày càng nhiều hơn, đó là xu thế tất yếu. Đặc biệt, năm 2017 - 2018, khi các hiệp định tự do thương mại trong khu vực ASEAN và các nước có hiệu lực thì trái cây ngoại còn có thể được nhập về nhiều hơn nhờ thuế suất về 0%.

Còn theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, lượng hoa quả nhập khẩu của Việt Nam tháng 3/2017 tăng đột biến, đạt 12 triệu USD. Tính chung 3 tháng đầu năm Việt Nam đã chi 171 triệu USD (gần 4.000 tỷ đồng) để nhập hoa ngoại từ các nước như Mỹ, Australia, New Zealand… tăng gần 52% so với cùng kỳ 2016.

img

Các loại táo nhập khẩu có các mức giá khác nhau, từ 40.000 - 100.000 đồng/kg. Ảnh minh họa

Tâm lý sinh ngoại gây nhiễu loạn giá

Tuy nhiên, tại các cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu, giá các loại hoa quả trên lại không hề rẻ như vậy.

Chuỗi cửa hàng hoa quả nhập khẩu Klever fruits bán táo Gala Mỹ với giá 129.000 đồng/kg, táo xanh Mỹ 129.000 đồng/kg, thậm chí táo hữu cơ RosaLynn Mỹ có giá tới 350.000 đồng/kg. Táo Gala Pháp có giá từ 99.000 đồng/kg, táo Juliet Oganic 299.000 đồng/kg, kiwi Pháp 200.000 đồng/kg, táo Úc 250.000 đồng/kg, nho không hạt Nam Phi 299.000 đồng/kg…

Cửa hàng thực phẩm sạch Clevel food bán táo Juliet Pháp 210.000 đồng/kg, lê Hàn Quốc 135.000 đồng/kg, táo Mỹ 120.000 - 250.000 đồng/kg, nho Mỹ 250.000 đồng/kg.

Có thể thấy rằng, cùng một mặt hàng hoa quả nhập khẩu nhưng mỗi nơi lại bán một giá khác nhau. Đặc biệt, các cửa hàng hoa quả nhập khẩu thường có giá đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba lần siêu thị.

Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, thị trường hoa quả nhập khẩu đang bị nhiễu loạn về giá cả, cùng một mặt hàng nhưng giá chênh lệch tới hàng trăm ngàn đồng.

Nguyên nhân là do “Một số cửa hàng lợi dụng tâm lí sính ngoại của người tiêu dùng, họ đã cố tình đẩy giá hoa quả nhập khẩu lên cao. Người tiêu dùng không có thông tin để so sánh, không biết mua đắt hay rẻ. Vì vậy, để không bị hớ, mua hoa quả ngoại nhập với giá đắt, người tiêu dùng nên so sánh giá cả, chất lượng trước khi mua. Hoặc yêu cầu cửa hàng cho xem giấy tờ, hóa đơn nhập khẩu”, ông Vũ Vinh Phú nói.

Tuy nhiên, ông Phú cho rằng, mọi sự so sánh đều mang tính võ đoán. Muốn biết chính xác xuất xứ các sản phẩm thì cơ quan quản lý thị trường phải vào kiểm tra chứng từ nhập khẩu của cả các siêu thị và các cửa hàng nhập khẩu hoa quả ngoại. Cần làm tập trung ở các siêu thị lớn và các cửa hàng chuyên doanh lớn. Các siêu thị bán được giá rẻ có thể là do họ nhập nhiều, có bạn hàng lâu năm. Nhập cả chục tấn sẽ khác với nhập có mấy tạ. Giá rẻ chưa chắc đã là hàng giả, biết đâu các cửa hàng ngoài tự nâng giá lên cao để tạo tâm lý “đắt tiền là hàng xịn”.

H.V - Nam Hoàng (Báo Tin tức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem