Tạo sức bật cho nông dân

Chủ nhật, ngày 01/05/2011 11:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - LTS. Nông dân, chủ thể chính của tam nông luôn có đóng góp vô cùng lớn cho đất nước, kể cả trong chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước. Vậy nhưng sự ghi nhận, tưởng thưởng cho họ nhiều khi chưa thật xứng đáng.
Bình luận 0

Hiện nay, số lớn nông dân vẫn còn nghèo, khó khăn bởi cơ chế, chính sách đôi khi còn cản trở họ. Làm sao tạo sức bật cho nông dân tiến lên làm giàu, xoá đói giảm nghèo? NTNN giới thiệu bài viết của GS Tương Lai như một sự gợi mở, hiến kế giúp người nông dân vượt lên.

img
Cuộc sống của nhiều hộ nông dân vẫn còn ở mức nghèo khổ.

Những người làm nên lịch sử

Nếu ai đó từng hình tượng hóa bán đảo hình chữ S này như một lực sĩ gồng vai gánh hai thúng thóc lớn ở hai đầu Bắc - Nam thì lực sĩ đó chính là người nông dân Việt Nam. Trải bao biến thiên của lịch sử, kế thừa truyền thống quật khởi của dân tộc, người nông dân, chủ lực quân của cách mạng và kháng chiến, đã đưa "đất nước từ trong máu lửa, rũ bùn đứng dậy sáng lòa".

Còn ngay trong thời bình, chính người nông dân đã 2 lần cứu đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng: Một là vào cuối năm 1980 với sự sụp đổ của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa, và cuối 1990 với khủng hoảng ở các nước Đông Nam Á. Cả hai lần, sản xuất công nghiệp, có lần cả dịch vụ đều sa sút, có lúc tăng trưởng âm, chỉ nhờ nông dân kiên cường và nhẫn nại trên mặt trận sản xuất, nông nghiệp phát triển, mới cứu được cho cả nền kinh tế đã đứng bên bờ vực.

Thế đó! Nhưng rồi, liệu những gì mà nông dân và nông thôn gặt hái được có tương xứng với những gì mà người nông dân đã dốc cạn sức cho công cuộc giữ nước và dựng xây đất nước?

Để thấm thía hơn với thân phận người nông dân, có lẽ phải ngoái nhìn lại lịch sử. Cày sâu cuốc bẫm, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, hai sương một nắng làm ra thóc gạo và thực phẩm nuôi sống xã hội, song bao đời nay nông dân vẫn là người gánh chịu thân phận thua thiệt, nghèo khổ nhất.

Nghịch lý ấy dai dẳng bám riết lấy thân phận người nông dân. Xin hãy chỉ gợi lên một hình ảnh: Mấy chiến sĩ xe tăng húc đổ cánh cổng sắt "Dinh Độc Lập" trưa ngày 30.4.1975, không ai khác, là những nông dân mặc áo lính. "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" ấy lại trở về với "việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy tay vốn quen làm" (Nguyễn Đình Chiểu)!

Nhưng rồi, làm ruộng không đủ sống phải đổi nghề đi lái xe lam, một số khác phải bươn chải kiếm sống với nhiều nghề khác nhau. "Lý lịch trích ngang" của "năm anh em" xem ra cũng giống như với bao người nông dân cởi bỏ áo lính trở về nông thôn.

Trong một chuyến khảo sát đã được công bố, người viết bài này đã phác thảo về "nhiều cái nhất" của người nông dân: "Cống hiến nhiều nhất. Hy sinh lớn nhất. Tha thứ cao cả nhất. Thích nghi tài giỏi nhất. Cam chịu lâu dài nhất. Năng động khôn ngoan nhất "nhưng lại "Hưởng thụ ít nhất. Được giúp kém nhất. Chịu thua thiệt nặng nhất". Liệu có còn phải bổ sung, chỉnh sửa thêm?

Làm gì cho nông dân?

Chắc là còn nhiều việc phải làm. Vì rằng, hiện nay nước ta có 14,5 triệu nông hộ với gần 70 triệu mảnh ruộng mà 10% số đó có diện tích mỗi mảnh từ 100m2 trở xuống. Rồi bờ vùng, bờ thửa và đường đi lại giữa các mảnh ruộng manh mún đó đã ngốn bao nhiêu diện tích và thời gian đi lại, chuyên chở sản phẩm.

Một thực tế khác còn gay gắt hơn nhiều với người nông dân đó là vấn đề đất đai. Kinh nghiệm lịch sử, không chỉ ở nước ta, mà ở tất cả các nước, việc sử dụng, phân bổ, quy hoạch và quản lý đất luôn là những vấn đề nhạy cảm bậc nhất, được tranh cãi nhiều nhất và chịu áp lực chính trị nhiều nhất.

Với tổng diện tích khoảng 33 triệu ha với dân số hơn 88 triệu người, diện tích đất nông nghiệp bình quân trên đầu người chưa đến 0,3ha, nước ta là một trong những nước có diện tích bình quân đầu người thấp nhất thế giới! Cho nên, thực nạn mất đất đang là một bức xúc xã hội lớn vì đó là mất cái không bao giờ còn sinh sôi ra được nữa...

Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa cũng là quá trình diễn ra chuyện mất đất nông nghiệp dường như khó hãm lại. Nhiều cánh đồng màu mỡ đã biến mất, thay vào đó là khu công nghiệp, là sân golf, là các khu "rì dọt"...

Liệu có phải đây là chuyện chẳng đặng đừng không, hay là do thiếu một tầm nhìn xa và ý thức về trách nhiệm đối với nông dân trong cái gọi là "quy hoạch" các khu công nghiệp và đô thị của một số nơi? Được đền bù, nhưng không phải ai cũng biết cách làm cho đống tiền đền bù đó sinh sôi, nảy nở khi mà bao đời nay, họ chỉ biết kiếm sống từ đất. Và thế là, đối với không ít người, đất thì đã mất, đống tiền "đền bù" đã cạn dần vào những chi phí không hợp lý, nhiều gia đình nông dân trở nên điêu đứng, thất cơ lỡ vận.

Trong khi đó sở hữu toàn dân về đất đai và quản lý Nhà nước đối với đất đai đã được quy định nhưng lại không đưa ra hướng dẫn đầy đủ về việc đất sẽ được quản lý như thế nào. Chính điều này đẻ ra những cách giải thích thiếu hợp lý và chỉnh sửa liên tục, tạo ra sự mập mờ và bất định trong quản lý đất đai.

Giá trị của đất bị thu hồi khi chuyển sang mục đích đô thị, thương mại, công nghiệp thường cao hơn hàng trăm lần số tiền đền bù trả cho nông dân. "Lực hút của đất" đã khiến cho không ít cơ quan nhà nước địa phương đẩy mạnh việc thu hồi đất. Điều đó gây bức xúc cho người dân và dẫn đến những tranh chấp và khiếu kiện triền miên.

Tạo hứng thú cho nông dân

Lại nữa, việc hạn chế khả năng chuyển đổi đất lúa sang những mục đích sản xuất nông nghiệp khác cũng làm giảm giá trị của đất. Ấy vậy mà thu nhập từ trồng lúa thường thấp hơn từ 3-5 lần thu nhập từ các sản phẩm mùa khác như rau, hoa quả và thủy sản.

Nhiều cánh đồng màu mỡ đã biến mất, thay vào đó là khu công nghiệp, là sân golf, là các khu "rì dọt"... Liệu có phải đây là chuyện chẳng đặng đừng không, hay là do thiếu một tầm nhìn xa và ý thức về trách nhiệm đối với nông dân?

Cho nên, nếu người nông dân bị ép trồng lúa nghĩa là nông dân đang phải gánh cái gánh rất nặng thực hiện mục tiêu tự cung tự cấp lúa gạo trong chính sách an ninh lương thực quốc gia nhưng họ lại không nhận được sự đền đáp cụ thể và thích đáng cho sự phục vụ lợi ích quốc gia. 30% lợi nhuận (theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ) thật ra chỉ được tính dựa vào giá thành sản xuất nên thực tế người dân không được trả công xứng đáng cho những nỗ lực của họ.

Với thu nhập từ trồng lúa chỉ khoảng 28 USD/người/tháng, một nửa số nông dân đang canh tác 4 triệu ha lúa trên cả nước đang kề ngay hoặc gần sát với chuẩn nghèo mới. Và rồi thu nhập thấp cũng đã ngăn cản người trồng lúa tích lũy đất sản xuất. Vì, người nông dân nhận ra nếu họ mở rộng đất đai và khi đất đai bị thu hồi, giá trị đền bù sẽ không phản ánh đúng giá trị thực sự mà họ đã trả khi mua. Đất đai vẫn tiếp tục manh mún!

Thế là, cùng với những thành tựu không thể phủ nhận của những nỗ lực không mệt mỏi của các tầng lớp nhân dân từng ngày từng giờ làm thay đổi diện mạo và vị thế đất nước, trong đó có sự đóng góp lớn lao của người nông dân, cần phải nhìn thẳng vào những khó khăn và dám nói lên sự thật để biết cách tháo gỡ, đưa đất nước đi tới.

Nông dân, nông thôn, nông nghiệp đang đứng trước những thách đố lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem