Tạo việc làm để hướng thiện cho người cai nghiện

Thứ năm, ngày 08/03/2012 19:13 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bằng cách dạy nghề, tạo việc làm cho học viên, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm sau cai số 1 Hà Nội đã đưa hàng nghìn con người lầm lỡ trở về thành những công dân có ích cho gia đình, xã hội.
Bình luận 0

100% học viên đều có việc làm

Ông Phạm Quang Thịnh - Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện trung tâm đã đưa 15 nhóm nghề vào để dạy nghề, tạo việc làm như: Dệt may, cơ khí, sửa chữa điện tử, xây dựng, làm gốm, dán mi mắt… tạo việc làm ổn định cho 1.320 (đạt 100%) học viên sau cai.

img
Học viên Trung tâm số 1 học nghề cơ khí.

Học viên Nguyễn Duy Tùng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đang làm nghề dán mi mắt tại trung tâm đào tạo nghề cho người sau cai nghiện số 1 tâm sự: “Sau 6 tháng vừa học vừa làm nghề dán mi mắt, tôi đã tự nuôi sống được bản thân, công việc không mấy vất vả. Tiền lương tuy ít ỏi mình đã có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống nên thấy rất vui”. Trước đó, Tùng đã được học nghề nấu ăn, nên anh hy vọng được trở thành một đầu bếp giỏi và có một cửa hàng bán đồ ăn nho nhỏ khi trở về với gia đình.

Tương tự, anh Võ Đức Cường (Chương Mỹ, Hà Nội) học viên đang theo học nghề khâu bóng chia sẻ: “Em hy vọng sẽ được học thêm nghề cơ khí để sau này có thể về nhà xin đi làm công nhân, kiếm tiền phụ giúp gia đình”. Với nghề khâu bóng, anh Cường cũng rất hy vọng kiếm được việc làm gần nhà.

Ông Thịnh cho biết thêm, năm 2012 trung tâm vẫn tiếp tục đào tạo nghề cho các đối tượng sau cai, chủ yếu là nhóm người chưa có nghề. Mục tiêu giúp họ học nghề bài bản, sau khi về địa phương có thể phát triển kinh tế, làm giàu từ chính nghề đã được học. Mặt khác trung tâm sẽ liên kết với các doanh nghiệp nhận học viên sau đào tạo về làm công nhân trên chính địa phương.

San sẻ chỉ tiêu ít ỏi

Trò chuyện với học viên trong trung tâm, chúng tôi nhận thấy nhu cầu học nghề của họ rất cao nhưng chỉ tiêu lại quá thấp. Số liệu thống kê năm 2011 của trung tâm cho thấy, chỉ tiêu Sở LĐTBXH Hà Nội giao đào tạo nghề cho trung tâm chỉ ở mức 180/1.000 học viên (chiếm tỷ lệ gần 20% số học viên có nhu cầu). Trong đó, chủ yếu là các nghề như may công nghiệp, hàn cơ khí, sửa chữa xe máy… Tuy nhiên, số học viên chưa từng được học nghề có nhu cầu cao hơn gấp 2, thậm chí 3 lần so với chỉ tiêu Nhà nước hỗ trợ.

Ông Thịnh cũng cho biết thêm, chỉ tiêu về dạy nghề cho các học viên thay đổi tuỳ từng năm. Riêng năm 2012, chỉ tiêu dạy nghề chỉ còn 40/1.320 học viên. Điều này khiến nhiều học viên, dù muốn học nghề, cũng khó có cơ hội tiếp cận. Vì vậy, trung tâm phải “san sẻ” số chỉ tiêu ít ỏi này cho những lao động thuộc diện ưu tiên. Số khác thì học theo kiểu truyền nghề.

img Trung bình mỗi lao động vừa học vừa làm tại trung tâm có mức thu nhập từ 8 trăm nghìn đến 1 triệu đồng/tháng. img

Hơn 10 năm gắn bó với công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động sau cai, ông Thịnh vẫn bày tỏ nhiều lo lắng: “Các học viên ở trung tâm học nghề rất nghiêm túc, nhiều người đã được trở về gia đình trước thời hạn vì có nhiều nỗ lực. Dù vậy, khi về địa phương, họ luôn bị kỳ thị nên cơ hội để có việc làm của họ thường là rất thấp”.

Đó cũng là lo lắng của ông Lê Đức Hiền - Cục phó Cục Phòng, chống tệ nạn và xã hội (Bộ LĐTBXH). Ông Hiền bày tỏ: “Mặc dù các học viên đều đã được bổ túc văn hoá, dạy nghề, tạo việc làm nhưng do kỳ thị, chỉ 6% trong số đó có việc làm. Nhàn cư vi bất thiện, họ sẽ dễ quay trở lại đường cũ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem