Tập đoàn Lam Research (Mỹ) muốn đầu tư hàng tỷ đô vào Việt Nam: Sức hút lớn từ ngành công nghệ chip bán dẫn

Nguyễn Thịnh Thứ năm, ngày 21/03/2024 14:44 PM (GMT+7)
Tập đoàn Lam Research (Mỹ) mong muốn phát triển nhà máy cùng chuỗi cung ứng bán dẫn tại Việt Nam trong giai đoạn 1 với số vốn dự kiến từ 1-2 tỷ USD. Điều này cho thấy Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn “hút vốn” lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là ngành công nghệ chip bán dẫn.
Bình luận 0

Ngành công nghệ cao, chip bán dẫn thu hút các "đại bàng" quốc tế

Chiều qua 20/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Karthik Rammohan, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Lam Research (Hoa Kỳ) và đại diện Công ty Seojin (Hàn Quốc) - hai doanh nghiệp hợp tác sản xuất chíp bán dẫn tại Việt Nam.

Tập đoàn Lam Research (Mỹ) muốn đầu tư hàng tỷ đô vào Việt Nam: Sức hút lớn từ ngành công nghệ chip bán dẫn- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Karthik Rammohan, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Lam Research (Hoa Kỳ). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đây là một trong những tập đoàn cung cấp công cụ sản xuất chip hàng đầu thế giới, thành lập từ năm 1980, có trụ sở tại California, Hoa Kỳ. Doanh thu năm 2022 của tập đoàn là 19 tỷ USD. Tính đến tháng 3/2023, Lam Research có hơn 18.700 nhân viên.

Ông Karthik Rammohan cho biết, Lam Research có định hướng mở rộng hoạt động, đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở khu vực châu Á.

Tại Việt Nam, Lam Research dự kiến hợp tác với Công ty Seojin (hiện đã có các nhà máy đặt tại Bắc Ninh và Bắc Giang) để phát triển nhà máy cùng chuỗi cung ứng trong giai đoạn 1 với số vốn 1-2 tỷ USD. Sau giai đoạn 1, Lam Research có thể đầu tư trực tiếp và tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Lam Research mong muốn tìm hiểu những chính sách khuyến khích đầu tư, sáng kiến và chương trình mà Tập đoàn có thể tham gia để thúc đẩy hỗ trợ các nhà cung cấp và hệ sinh thái chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam

Sự xuất hiện của Lam Research rõ ràng cho thấy Việt Nam thăng hạng trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và đang đứng trước cơ hội rất lớn “hút vốn” lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là ngành công nghệ chip bán dẫn.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong năm 2023 là một điểm sáng trong quá trình phát triển và tăng trưởng của kinh tế đất nước. Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm qua, vốn đầu tư FDI vào nước ta đạt kỷ lục với 36,6 tỷ USD, xếp thứ 3 về số vốn đăng ký giai đoạn 2008 - 2023.

Các nhà đầu tư quốc tế đã đánh giá rất cao vị trí của Việt Nam trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn. Lý do nằm ở chỗ, chúng ta có những đặc điểm đặc biệt khi đã ký 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với rất nhiều quốc gia trên thế giới. Nội dung cơ bản của các Hiệp định này là mở cửa giao thương quốc tế, giảm thuế quan, phi thuế quan, từ đó tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng hóa đi các nơi dễ dàng.

Ngoài ra, Việt Nam có nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng hàng chục năm liên tiếp đều ở mức cao, ngay cả trong năm 2023 chúng ta vẫn nằm trong Top 20 quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, tiềm năng để các nhà đầu tư có thể thu được lợi nhuận cao.

Tập đoàn Lam Research (Mỹ) muốn đầu tư hàng tỷ đô vào Việt Nam: Sức hút lớn từ ngành công nghệ chip bán dẫn- Ảnh 2.

Sự xuất hiện của Lam Research rõ ràng cho thấy Việt Nam thăng hạng trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và đang đứng trước cơ hội rất lớn “hút vốn” lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là ngành công nghệ chip bán dẫn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện tại, có nhiều nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Đây là điểm khởi đầu rất quan trọng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược của Chính phủ, đưa công nghiệp bán dẫn trở thành một trong những ngành công nghiệp tạo nên đột phá cho tăng trưởng.

Trong năm qua, các nhà máy bán dẫn liên tục được thành lập. Nhà máy bán dẫn lớn thứ hai miền Bắc của Tập đoàn Amkor tại khu công nghiệp Yên Phong 2 (Bắc Ninh) đã đi vào hoạt động. Dự án nhà máy sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn của Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) có tổng mức đầu tư 440 triệu USD tại khu công nghiệp Hoàng Mai I (Nghệ An) dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6/2025.

Công ty BE Semiconductor Industries N.V (BESI) của Hà Lan đã được ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM trao giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 2/11/2023. Trong giai đoạn đầu, dự án sẽ được đầu tư với số vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD), thời hạn hoạt động là 50 năm. Dự kiến nhà đầu tư sẽ lắp đặt thiết bị, tuyển dụng lao động vào năm 2024 và vận hành vào quý 1/2025.

Trước đó, các nhà cung cấp lớn trong lĩnh vực công nghệ cao như: Samsung, Intel, Foxconn... đã có mặt tại Việt Nam; trong khi nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới khác cũng đang tiếp tục tìm hiểu cơ hội và dự kiến đầu tư tại Việt Nam.

Đáng chú ý, cuối tháng 10/2023, mạng lưới bán dẫn Việt Nam đã đi vào hoạt động, từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đưa Việt Nam trở thành đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới.

Làm gì để "giữ chân" những tập đoàn công nghệ lớn?

Về chủ trương, Việt Nam hoan nghênh và khuyến khích nhà đầu tư vào lĩnh vực này với các cơ chế, chính sách phù hợp và ưu đãi cụ thể theo quy định của pháp luật, cũng như đẩy mạnh xây dựng hạ tầng hiện đại, đồng bộ.

Việt Nam cũng đang đào tạo, phát triển từ 50.0000-100.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn đến năm 2030, đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp.

Nhưng theo các chuyên gia, để giữ chân được những tập đoàn công nghệ lớn này, ngoài việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách ưu đãi thuế, phí, đất đai phù hợp, Việt Nam cần chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà xưởng, điện, nước, hạ tầng xã hội, đặc biệt là nhân lực nội địa chất lượng cao.

Tập đoàn Lam Research (Mỹ) muốn đầu tư hàng tỷ đô vào Việt Nam: Sức hút lớn từ ngành công nghệ chip bán dẫn- Ảnh 3.

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Cùng với đó, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng là nhân tố thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cải thiện năng suất, đổi mới công nghệ thông qua áp lực cạnh tranh, áp dụng các mô hình sản xuất mới của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để phát triển và thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa. Các doanh nghệp trong nước đang từng bước được tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư suy thoái, Việt Nam đang nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư vào sản xuất chip và chất bán dẫn, những lĩnh vực mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi.

"Với sự hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ, trong năm 2024 Việt Nam có khả năng khai thác, sản xuất chất bán dẫn ở quy mô lớn hơn. Việt Nam có lợi thế về đất hiếm trong hợp tác với Mỹ, nên đây là thời cơ có lợi cho cả hai bên.

Một trong những lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn là đất hiếm. Cuộc chiến của ngành công nghiệp bán dẫn đang diễn ra rất gay gắt và nó gắn liền với đất hiếm. Theo ước tính, trữ lượng đất hiếm của thế giới là 120 triệu tấn. Hiện Việt Nam có trữ lượng đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Xếp sau Việt Nam là Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn)…", GS Nguyễn Mại phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem