Long An: Tập huấn kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa cho nông dân

PV Thứ hai, ngày 18/03/2024 19:03 PM (GMT+7)
Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) tỉnh Long An đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa cho nông dân với các nội dung vô cùng hấp dẫn và bổ ích.
Bình luận 0

Bao gồm các nội dung như sau: Kỹ thuật nhân giống lúa cấp nguyên chủng và xác nhận; Gói tiến bộ kỹ thuật tổng hợp về quy trình thâm canh lúa; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; quy trình, thủ tục cấp mã vùng trồng…

Đây là chương trình nằm trong kế hoạch đào tạo, tập huấn cho nông dân ngoài mô hình "Xây dựng mô hình Hợp tác xã (HTX) tổ chức sản xuất hạt giống lúa liên kết với Doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long" thuộc Dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2023 – 2024.

Tập đoàn Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) là đơn vị chủ trì thực hiện Dự án.

Long An: Tập huấn kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa cho nông dân- Ảnh 1.

Đại diện Vinaseed giới thiệu về mô hình liên kết sản xuất hạt giống lúa.

"Mô hình HTX tổ chức sản xuất hạt giống lúa liên kết với Doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm" đã và đang được thực hiện tại tỉnh Long An từ năm 2022 đến nay.

Cụ thể trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024, Vinaseed đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) tỉnh Long An tổ chức thực hiện mô hình với diện tích hơn 300 ha sản xuất giống lúa Đài Thơm 8 ở các cấp giống nguyên chủng và xác nhận tại huyện Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường.

Tại lớp tập huấn, Kỹ sư Trần Minh Tâm - Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Long An hướng dẫn bà con nông dân quy trình sản xuất hạt giống lúa cấp nguyên chủng và xác nhận, kết hợp với ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh lúa từ khâu chuẩn bị đồng ruộng, gieo cấy, chăm sóc, khử lẫn, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch.

Trong đó, lưu ý khi sản xuất giống lúa thì khâu khử lẫn là rất quan trong và phải được thực hiện xuyên suốt vụ sản xuất; các học viên được hướng dẫn thực hiện và nhận dạng các dạng lẫn trong ruộng sản xuất, phân biệt giữa các bụi lẫn khác giống, khác dạng, cách dạng lúa cỏ và cách kiểm soát lúa cỏ…..

Long An: Tập huấn kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa cho nông dân- Ảnh 2.

Các học viên tham quan mô hình sản xuất hạt giống lúa Đài Thơm 8 cấp xác nhận tại HTX nông nghiệp Đồng Đưng (ấp Gò Ớt, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, Long An).

Bên cạnh đó, để theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng... Th.S Trần Hồng Quyến - Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản, giới thiệu về quy trình, thủ tục cấp mã số vùng trồng cho vùng sản xuất giống lúa.

Để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, ghi nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác. Việc mã hóa vùng trồng mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho nông dân như: chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, quản lý được diện tích trồng, đưa ra quy trình chuẩn trong chăm sóc; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, và ước lượng năng suất…

Mỗi mã số vùng trồng được cấp không phải là không có thời hạn mà theo định kỳ, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành giám sát để bảo đảm vùng trồng đó vẫn đang được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trường hợp nếu không đạt yêu cầu theo quy định, mã số đó sẽ bị thu hồi.

Long An: Tập huấn kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa cho nông dân- Ảnh 3.

Để bà con nông dân dễ tiếp thu kiến thức, nội dung của lớp tập huấn được chia ra nhiều chuyên đề cụ thể.

Trong lớp tập huấn các học viên đã trao đổi và thảo luận rất sôi nổi, các kiến thức được học viên tiếp thu tốt, có khả năng ứng dụng ngay vào sản xuất tại gia đình đồng thời hướng dẫn, quảng bá cho nông dân khu vực lân cận làm theo.

Từ đó, giúp "Mô hình HTX tổ chức sản xuất hạt giống lúa liên kết với Doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm" có thể mở rộng thêm trong thời gian tới, góp phần phát triển sản xuất ổn định, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Chia sẻ về những chính sách dành cho nông dân khi tham gia dự án, ông Lê Văn Phú - Phó Giám đốc Vinaseed Chi nhánh Cờ Đỏ cho biết, bà con sẽ được hỗ trợ 50% giá giống lúa đầu dòng; được tập huấn, hướng dẫn và cung cấp tài liệu kỹ thuật sản xuất giống lúa; tạm ứng chi phí sản xuất là 3 triệu đồng/ha; công ty cũng hỗ trợ 100% bao chứa khi thu hoạch; giá thu mua đối với lúa cấy được cộng thêm 1.000 đồng/kg so với giá thị trường. Ngoài ra các hộ sản xuất còn được hỗ trợ chi phí cân, bốc xếp lúa lên phương tiện vận chuyển là 65 đồng/kg.

Chia sẻ về kết quả triển khai mô hình, ông Nguyễn Minh Tâm - Giám đốc HTX Đồng Đưng cho hay: Vụ Đông Xuân 2023 – 2024, HTX triển khai mô hình 50 ha sản xuất giống Đài Thơm 8 cấp xác nhận, toàn bộ diện tích được cấy bằng máy, hiện trà lúa đang ở giai đoạn trổ - vào chắc. Dự kiến năng suất trong vụ này đạt khoảng 7 - 8 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn so với sản xuất lúa thương phẩm từ 5 - 7 triệu đồng/ha.

Đặc biệt, ngoài được hỗ trợ cả về chi phí sản xuất, bà con nông dân còn được nhân viên kỹ thuật của Vinaseed thường xuyên hỗ trợ về quy trình kỹ thuật sản xuất giống nên rất an tâm khi tham gia dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem