Tấp nập chợ gạo miền Tây

Thứ tư, ngày 12/12/2012 06:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở miền Tây hầu như tại mỗi điểm giao nhau giữa các nhánh sông lớn đều có một chợ gạo. Với lợi thế về đường thủy, chợ gạo là cầu nối hiệu quả cho việc tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân.
Bình luận 0

Bà Tư Ân (ngụ phường Thới Long, quận Ô Môn) - một thương lái ở chợ gạo Trung An (quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), kể: Trước kia, chợ gạo Mỹ Tho được xem là lớn nhất vùng ĐBSCL nhờ lợi thế đường thủy kết hợp với đường bộ. Gạo khắp khu vực miền Tây theo các ghe thương lái tập trung về Mỹ Tho, bến gạo cầu An Lạc. Sau này, thương lái gạo tập trung ghe về dọc nhánh sông An Cư (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Thế là chợ gạo Bà Đắc hình thành và trở thành chợ gạo lớn nhất vùng ĐBSCL cho đến ngày nay.

img
Bốc xếp gạo ở chợ Bà Đắc, Tiền Giang.

Nơi kiếm cơm của nhiều người

Vùng ĐBSCL có rất nhiều chợ gạo nhỏ rải rác khắp nơi nhưng đầu mối tiêu thụ lớn nhất thì có chợ gạo Bà Đắc (Cái Bè, Tiền Giang); chợ gạo Tắc Vân (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau); chợ gạo Trung An (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ); chợ gạo Sa Đéc (Đồng Tháp)…

Nằm dọc tuyến Quốc lộ 1A và dòng sông An Cư, chợ Bà Đắc tập trung gần 100 cơ sở xay xát, lau bóng và nhà kho. Trên quốc lộ, lúc nào cũng có hàng trăm xe vận tải lớn nhỏ chờ “ăn hàng”, dưới sông hàng trăm ghe lúa, gạo đậu san sát chờ bốc dỡ lên kho. Với sức tiêu thụ mỗi năm hơn 500.000 tấn lúa gạo, chợ Bà Đắc đã tạo việc làm cho một đội ngũ công nhân bốc vác hơn 1.000 người nghèo ở địa phương và các tỉnh lân cận.

Huyết mạch cho hạt gạo

Chợ gạo nuôi cơm, tạo việc làm cho hàng chục ngàn công nhân và cũng là nơi tạo việc làm thu nhập cho hàng ngàn thương lái trên sông. Ông Yêm, ngụ ở phường Tân Lộ, quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) là thương lái có tuổi nghề hơn 30 năm, cho biết: “Không có thương lái, nông dân không thể chở gạo vượt hàng trăm cây số đường thuỷ đến chợ gạo được. Bấy lâu nay, người ta thường phản ánh thương lái ép giá nông dân. Cần phải hiểu, thương lái chỉ là người mua giùm, bán giùm lấy chênh lệch làm lãi”.

Nhận thấy lợi ích thiết thực của các chợ gạo, nhiều địa phương khu vực ĐBSCL đã đề xuất Chính phủ xây chợ đầu mối nông sản. Và Chính phủ đã đồng ý phê duyệt cho xây dựng chợ gạo quy mô cấp quốc gia ở quận Thốt Nốt. Vị thế chợ gạo nằm ở vị trí rất thuận tiện cả về đường thủy lẫn đường bộ (nằm ở ngã 3 lộ tẻ giáp với 3 tỉnh Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang). Nhưng đến nay, cái chợ gạo tầm vóc ấy cũng chưa hoàn thành. Khi Chính phủ lên tiếng nhắc nhở thì chính quyền địa phương lại xin chuyển mục đích xây chợ gạo đầu mối quốc gia thành… khu công nghiệp.

Tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp cũng đã quy hoạch 2 trung tâm thu mua lúa gạo, đó là Trung tâm Nông sản Phú Cường (Tiền Giang) và Trung tâm Nông sản Thanh Bình (Đồng Tháp). Một người lâu năm trong nghề làm lúa gạo cho biết: “Thay vì đổ tiền tỷ để xây mấy cái chợ gạo, Chính phủ nên đầu tư xây bờ kè, xây cảng và tổ chức hỗ trợ chính sách cho người lao động ở các chợ gạo có sẵn thì sẽ hiệu quả hơn nhiều”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem