NTNN đã trao đổi với ông Lê Khả Đấu - Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc (ảnh) về vấn đề này. Về tiềm năng kinh tế - xã hội của Tây Bắc, ông Đấu cho biết.
|
Thu hoạch chè tại Mộc Châu, Sơn La. |
- Đây là địa bàn có hơn 30 dân tộc anh em chung sống với những nền văn hoá đậm đà bản sắc qua hàng ngàn năm lịch sử. Tài nguyên khoáng sản, nguồn thuỷ năng giàu vào bậc nhất trong các vùng miền của nước ta. Đất lâm nghiệp, nông nghiệp rộng lớn, với nhiều tiểu vùng sinh thái đa dạng. Tây Bắc còn có khả năng rất lớn trong việc mở rộng giao thương với nước ngoài qua các tuyến cửa khẩu với Trung Quốc, Lào.
Những tiềm năng ấy cho phép Tây Bắc phát triển nhiều ngành kinh tế có giá trị cao: Thuỷ điện, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh tế rừng, cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, thuỷ đặc sản, du lịch...
Những tiềm năng ấy đã và đang được đánh thức ra sao, thưa ông?
- Nguồn thuỷ năng đã được quan tâm đặc biệt với nhiều công trình thuỷ điện lớn như: Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang... Kinh tế rừng được quan tâm trên cả 3 loại hình: Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất.
Nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ bảo vệ, phát triển vốn rừng được ban hành và triển khai thực hiện như Dự án 5 triệu ha rừng. Nghị quyết 30a/NQ-CP về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, trong đó vùng Tây Bắc có 43 huyện…
Nhiều cơ sở công nghiệp chế biến, tiêu thụ gỗ rừng sản xuất và sản phẩm lâm nghiệp được đầu tư, đã kích thích phát triển kinh tế rừng. Nhiều tỉnh như Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang… đã đạt diện tích trồng rừng hàng năm lên tới 12-15 nghìn ha.
Nhiều cơ sở công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, gắn với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đang thúc đẩy khai thác tiềm năng, tạo nguồn thu nhập bền vững cho doanh nghiệp và hộ nông dân, như chè (Sơn La, Yên Bái, Hà Giang), cà phê (Sơn La, Điện Biên), sữa (Mộc Châu - Sơn La), cá hồi, cá tầm (Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái)… Công nghiệp khai thác và chế biến các loại khoáng sản có trữ lượng lớn trong vùng như sắt, đồng, chì, kẽm, apatit… đang được tập trung cao độ.
Hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện đáng kể: Các trục quốc lộ được nâng cấp, mạng lưới giao thông được cải thiện rõ rệt; hầu hết các xã đã có điện lưới; 100% số xã đã có điện thoại, 73% có trạm bưu điện, 65% số phòng học được kiên cố hoá...
Nhưng dường như việc khai thác, sử dụng tiềm năng kinh tế - xã hội của Tây Bắc vẫn chỉ ở mức rất khiêm tốn?
- Tuy đạt tốc độ tăng trưởng khá, nhưng kết quả đạt được so với tiềm năng vẫn chưa tương xứng. Nông nghiệp có nhiều lợi thế, nhưng đến nay nhiều địa phương vẫn còn phải nhập rau, quả, thực phẩm từ các tỉnh miền xuôi.
Sản phẩm hàng hóa vẫn còn manh mún, tổ chức bảo quản, tiêu thụ còn khó khăn, nhưng chưa đủ quy mô cho chế biến công nghiệp. Du lịch, dịch vụ vẫn còn ở mức manh nha, quy mô còn nhỏ, hiệu quả chưa cao. Hiện Tây Bắc vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước.
Để giúp Tây Bắc phát triển nhanh, hàng năm, nhà nước đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho các địa phương trong vùng, thông qua nhiều chương trình, dự án. Tây Bắc đã thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi qua Chương trình phát triển các xã đặc biệt khó khăn, Chương trình giảm nghèo, Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn… Có thể nói chưa bao giờ các tỉnh Tây Bắc được Nhà nước quan tâm đầu tư lớn như vậy.
Tuy nhiên, do điểm xuất phát còn rất thấp, có những hạn chế về năng lực tổ chức sản xuất hàng hóa, lại phải đảm đương nhiều nhiệm vụ vì lợi ích quốc gia như bảo vệ rừng, cải thiện môi trường, gìn giữ biên cương Tổ quốc… nên nhu cầu huy động nguồn lực, nhất là cho phát triển sản xuất kinh doanh vẫn còn rất lớn.
Thưa ông, thời gian tới, hướng thu hút đầu tư phát triển vùng Tây Bắc sẽ tập trung mạnh vào mũi nhọn nào?
- Trước hết là cho công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản gắn với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Với lợi thế về đất đai và nhiều tiểu vùng sinh thái, đây là thế mạnh của vùng. Thời gian qua, chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn qua các dự án trồng rừng nguyên liệu cho chế biến gỗ, giấy, trồng chè giống mới gắn với công nghệ chế biến hiện đại trồng cao su, cà phê qua mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân…
Một đồng đầu tư cho công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản sẽ kéo theo nhiều đồng thu nhập cho các hộ nông dân làm nguyên liệu, đồng thời thúc đẩy việc tiếp cận nền nông nghiệp công nghệ cao để tổ chức sản xuất hàng hóa. Đây cũng chính là tiền đề vật chất, trực tiếp thúc đẩy nâng cao kiến thức và năng lực cho giai cấp nông dân, xây dựng nông thôn mới.
Thứ hai là thu hút đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ. Du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử là thế mạnh của vùng, phù hợp với nhu cầu đang ngày càng tăng của du khách trong nước và quốc tế. Thứ ba là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Cải thiện mạng lưới giao thông vận tải sẽ rút ngắn khoảng cách Tây Bắc với các đầu mối giao lưu, nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa.
Xin cảm ơn ông!
Tăng trưởng GDP toàn vùng Tây Bắc giai đoạn 2005-2010 đạt 9-11%, năm 2010 đạt trên 10%; thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 11 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 3 - 4%.
Kiều Thiện - Khánh Gia (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.