Sáng 28.6, Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về Lâm nghiệp lần thứ 15 (ASOF 15) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Tham dự hội nghị có các đại biểu là quan chức cấp cao về lâm nghiệp của các nước thành viên ASEAN, đại diện Ban Thư ký ASEAN, đại diện các đối tác của ASEAN như Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế.
|
Tình trạng buôn lậu gỗ ở Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung được đánh giá rất phức tạp. |
Theo ông Ngãi, tình trạng buôn lậu gỗ ở Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung diễn ra rất phức tạp. Chính vì vậy, các nước trong khu vực mới họp để tập trung vào việc đưa ra các nhiệm vụ này. Ngoài ra, các nước cũng sẽ đưa ra các giải pháp mang tính dài hạn để bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Ngãi cũng cho biết: “Đã có nhiều cam kết hợp tác trong ASEAN được thực hiện, đạt kết quả đáng khích lệ. Chẳng hạn, nhiều vụ buôn bán, trong đó có 4 vụ buôn bán gỗ lậu giữa Việt Nam và Lào được phát hiện, xử lý. Ngoài ra, Việt Nam đã cùng các nước phát hiện và ngăn chặn các vụ việc cháy rừng, khói mù xuyên biên giới. Mới đây nhất, Việt Nam vừa ký với Campuchia hiệp định về bảo vệ rừng, chống cháy rừng và buôn lậu gỗ qua biên giới. Ngoài ra còn ký kết với Lào, tham gia vào mạng lưới các nước ASEAN khác".
Theo phân tích của Tổng cục Lâm nghiệp, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chặt phá rừng xảy ra ngày càng nhiều là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên xảy ra phổ biến tại ASEAN. Indonesia đã đưa vấn đề này ra ASOF 15 một cách rất gay gắt; bởi nước này cũng gặp phải các vấn đề như chuyển đổi rừng làm thủy điện, trồng cao su, ca cao trên đất rừng... như ở Việt Nam. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do sức ép dân số cao, nhu cầu sử dụng gỗ tự nhiên cao, buôn lậu gỗ gia tăng...
Ông Nguyễn Bá Ngãi (ảnh) cho rằng: “Hiện nay thế giới có các quỹ môi trường xanh, quỹ giảm phát thải, quỹ về chống biến đổi khí hậu. Việc hợp tác giữa các nước trong khối sẽ huy động được sự hỗ trợ từ các quỹ này; một nước đơn lẻ thì khó có thể giải trình để nhận được sự hỗ trợ”.
Ông Ngãi cho rằng: “Chúng ta không thể ngăn chặn hoàn toàn được việc phá rừng tự nhiên mà chỉ ngăn chặn và dần hướng tới việc thay thế rừng tự nhiên bằng các loại rừng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Về giải pháp, thứ nhất là nhóm chính sách mang tính chất ép buộc, sử dụng sức mạnh hành chính, thậm chí có thể hình sự hoá một số vụ việc có quy mô lớn.
Thứ hai là thuyết phục và dùng đòn bẩy kinh tế như hỗ trợ đầu vào và đầu ra cho lâm sản. Thứ ba là làm sao để xác lập quyền sở hữu của chủ rừng thật rõ ràng để làm sao người dân giữ rừng như giữ cây ăn quả trong vườn nhà mình".
Cụ thể, theo ông Ngãi, hiện nay gỗ được bán qua rất nhiều khâu trung gian. Giá gỗ ở cửa rừng, của người sản xuất rất thấp, còn giá bán đến tay người tiêu dùng rất cao. “Rõ ràng ở đây, chúng ta phải làm cho quá trình lưu thông ngắn lại, giảm chi phí. Mặt khác, phải nâng cao giá trị của sản phẩm thông qua việc chế biến, hạn chế việc xuất khẩu thô, thậm chí cả dăm gỗ. Có như vậy thì chúng ta mới nâng cao được giá trị lâm sản, từ đó hạn chế việc chuyển đổi rừng tự nhiên” - ông Ngãi nói.
Sỹ Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.