Theo The Wall Street Journal, Lầu Năm Góc ngày 10.5 điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường U.S.S. William P. Lawrence tuần tra vùng Biển Đông - một động thái nhằm phản đối các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại các vùng lãnh hải quanh một loạt đảo nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép trong khu vực.
Các quan chức quốc phòng Mỹ mô tả đây là hoạt động tuần tra thường lệ, song từ chối cung cấp thông tin chi tiết về chuyến tuần tra này. Theo The Wall street Journal, thông thường, các quan chức quân sự Trung Quốc sẽ liên lạc vô tuyến với các tàu Hải quân Mỹ để yêu cầu họ đưa tàu ra khỏi vùng lãnh hải Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Khu trục hạm tên lửa dẫn đường U.S.S. William P. Lawrence của Mỹ, ảnh chụp hồi tháng 1. Ảnh: WSJ/AP.
Ông Daniel R. Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Phụ trách Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh rằng, việc Mỹ điều chiến hạm tiến vào đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông không phải là hành động khiêu khích, mà chỉ hướng đến mục đích bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực.
"Nếu Lực lượng Hải quân mạnh nhất trên thế giới không thể di chuyển trong những vùng biển được luật pháp quốc tế cho phép, thì chuyện gì sẽ xảy ra với các tàu thuộc Hải quân của một quốc gia nhỏ hơn?", ông Russel, người trước đó vừa hội đàm với các quan chức Việt Nam để chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama trong hai tuần tới nhấn mạnh.
Hiện giới chức Trung Quốc chưa chính thức bình luận về chuyến tuần tra của khu trục hạm Mỹ, U.S.S. William P. Lawrence.
Trung Quốc đã ngang ngược đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines…
Bất chấp sự phản đối của các nước có liên quan cũng như cộng đồng quốc tế, Trung Quốc còn tiến hành nhiều hoạt động cải tạo, bồi đắp phi pháp biến một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trở thành những hòn đảo nhân tạo có khả năng sử dụng cho các mục đích quân sự. Ước tính, từ năm 2014, Trung Quốc đã cải tạo và xây dựng phi pháp ít nhất 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Mỹ đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc động thái của Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải. Washington cũng nhiều lần nhấn mạnh, không công nhận các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại các vùng lãnh hải quanh các hòn đảo nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép.
Tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã điều tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Subi, một trong 7 bãi đá Trung Quốc đang bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sau đó, Mỹ cũng từng điều cả máy bay B-52 tới gần các đảo nhân tạo Trung Quốc cải tạo và xây dựng phi pháp trong khu vực, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trong khu vực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.