Tàu Tết Bính Thân chỉ còn ghế phụ

An Nhiên Thứ ba, ngày 22/12/2015 07:46 AM (GMT+7)
Chưa đến Tết Dương lịch, lượng vé tàu phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân chiều ga Sài Gòn - ga Hà Nội chỉ còn chưa đến 1.000 vé ghế phụ.
Bình luận 0

Không nghẽn mạng

Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết ngay trong ngày đầu tiên triển khai bán vé tàu tết đồng loạt trên hệ thống website và các cửa vé (ngày 1.10.2015), lượng vé bán ra đã tăng gần 60% so với ngày đầu tiên bán vé tàu tết 2014. Trong đó, lượng vé bán qua các trang đặt vé trực tuyến là 33.651  và số vé bán tại ga là 39.484 vé.

Ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trong thời gian đầu mở bán vé tàu Tết Bính Thân, lượng vé xuất ra lớn và tăng đột biến nhưng không xảy ra tắc nghẽn đường truyền.

img

Các chuyến tàu ngày 3.2.2016 (ngày 25 tháng Chạp âm lịch) chiều ga Sài Gòn đi các ga từ Diêu Trì đến Hà Nội đều đã hết chỗ (ảnh chụp màn hình). Ảnh: A.N

Ngày 21.12, truy cập vào website www.vetau.com.vn - 1 trong 3 website bán vé tàu trực tuyến, phóng viên ghi nhận ở những ngày cao điểm trước Tết Nguyên đán, chiều “nóng” từ TP.HCM đi Hà Nội, nhiều chuyến tàu đã được đặt hết chỗ.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đợt cao điểm trước Tết âm lịch chiều ga Sài Gòn - ga Hà Nội từ ngày 29.1.2016 đến ngày 6.2.2016 (20 - 28 tháng Chạp âm lịch) chỉ còn ghế phụ. Cụ thể từ 29 - 31.1.2016 (20 - 22 tháng Chạp) còn hơn 700 ghế, từ 1 - 6.2.2016 (23 - 28 tháng Chạp) chỉ còn gần 190 ghế. Thời gian trong Tết Âm lịch hiện còn 1.330 chỗ.

Dẹp nạn cò vé

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khuyến cáo hành khách khi mua vé phải nhập hoặc cung cấp thông tin giấy tờ tùy thân chính xác để đảm bảo quyền lợi. 

Bà Phùng Thị Lý Hà - Trưởng ga Hà Nội cho biết từ khi triển khai hệ thống bán vé tàu điện tử, số lượng cò vé hoạt động trước cửa ga gần như không còn thấy xuất hiện.

Trong thời gian triển khai thí điểm hệ thống, có một số hành khách phản ánh bị cò vé dụ dỗ mua vé ngoài ga. Nhưng thực chất họ cũng đặt chỗ qua mạng, sau đó đưa lại thông tin cho hành khách. Nếu xảy ra nhầm lẫn về họ tên, số chứng minh thư, hành khách sẽ là người bị chịu thiệt. Tuy nhiên hiện vẫn có những đối tượng rao bán thẻ lên tàu và số chứng minh nhân dân kèm theo. Đây đều là các bản copy không trùng khớp với thông tin của khách đi tàu nên không được sử dụng để lên tàu.

Ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: "Vé tàu chỉ hợp lệ khi thông tin cá nhân phù hợp với thông tin in trên thẻ lên tàu. Hành khách không nên mua và sử dụng thẻ lên tàu có thông tin không phù hợp với thông tin trên giấy tờ tùy thân. Đồng thời, cần giữ bí mật thông tin về vé tàu nhằm tránh bị kẻ gian lợi dụng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem