Thông tin từ người đại điện AECID cho biết, đây là khoản hỗ trợ được ký kết từ năm 2011, song quá trình giải ngân đã không diễn ra. Nguyên nhân của việc hủy khoản viện trợ này là do để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Theo AECID, khi dự án được ký kết, Việt Nam đang là nước có thu nhập thấp, nay Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, những khoản viện trợ xóa đói giảm nghèo sẽ không còn phù hợp, thay vào đó Tây Ban Nha sẽ chuyển khoản hỗ trợ sang các hình thức khác, phù hợp với vị thế một đất nước có thu nhập trung bình.
Tây Ban Nha sẽ chuyển hình thức viện trợ xóa đói giảm nghèo cho Việt Nam sang hình thức khác (ảnh minh họa).
Đại diện của AECID cũng cho biết, Chính phủ Tây Ban Nha vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên sẽ tập trung ở các hạng mục như bảo hiểm nông nghiệp, biến đổi khí hậu…
Cũng theo AECID, quyết định hủy dự án đã được thông báo cho phía Chính phủ Việt Nam từ năm 2012 và đến nay các thủ tục hành chính mới hoàn thiện.
Trước đó, truyền thông Tây Ban Nha ngày 24.11 đưa tin, Chính phủ Tây Ban Nha thông báo sẽ điều chỉnh chính sách viện trợ phát triển đối với Việt Nam để phù hợp với tình hình mới sau khi Hà Nội đạt được những bước tiến nhanh trong phát triển kinh tế-xã hội.
Cụ thể, Nội các Tây Ban Nha đã cho phép hủy một khoản viện trợ phát triển trị giá 3,5 triệu euro (tương đương 91 tỷ đồng) mà nước này quyết định cấp cho Việt Nam từ tháng 11.2011. Theo kế hoạch, số tiền này được sử dụng để tài trợ một
chương trình xóa đói giảm nghèo ở các địa phương do Chính phủ Việt Nam chỉ định.
Tuy nhiên, do Việt Nam đạt tiến bộ nhanh hơn mong đợi trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, kinh tế tăng trưởng và chỉ số phát triển con người được cải thiện, nên Tây Ban Nha đã thông báo cho Việt Nam về việc rút khoản viện trợ trên. Cùng với việc thông báo rút khoản viện trợ này, AECID còn cho biết sự hợp tác của Tây Ban Nha sẽ tập trung vào các dự án phù hợp hơn với giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội mới của Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ Tây Ban Nha nhấn mạnh rằng sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam cũng khiến các nước khác hoạch định lại chính sách hợp tác với Hà Nội. Thụy Điển và Hà Lan cũng từng bước giảm viện trợ, trong khi các nước khác như Phần Lan, Ireland hoặc Na Uy cũng đã điều chỉnh chính sách hợp tác phát triển phù hợp với thực tế mới tại Việt Nam.
Đăng Thúy (Đăng Thúy)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.