Tẩy độc nhà máy Rạng Đông phức tạp như thế nào?

Thứ hai, ngày 09/09/2019 07:30 AM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, xử lý, tiêu độc khu vực quanh Công ty Rạng Đông sẽ khó khăn, phức tạp bởi thuỷ ngân có hoá tính phức tạp và đã ngấm vào nhiều thành phần môi trường.
Bình luận 0

Trao đổi với Zing.vn ngày 8/9, lãnh đạo Viện Hóa học Môi trường Quân sự cho biết đơn vị làm việc cả 2 ngày cuối tuần, đến nay đã có kết quả giám định hóa chất tại hiện trường vụ cháy Rạng Đông. Viện đã gửi kết quả giám định lên Binh chủng Hóa học và chờ các bước chỉ đạo tiếp.

Phải tẩy độc ở nhà máy Rạng Đông

Mặc dù không công bố chi tiết kết quả giám định, đơn vị này khẳng định với mức ô nhiễm như vậy thì việc tẩy độc, xử lý môi trường là cần thiết và tất yếu phải làm trong thời gian tới. Đến nay, Viện Hóa học Môi trường Quân sự đang lên các phương án tẩy độc, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được yêu cầu.

Đánh giá về sự tham gia của Bộ Tư lệnh Hoá học, GS.TSKH Lưu Văn Bôi (nguyên Chủ nhiệm Khoa Hoá học, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), cho rằng việc này là cần thiết.

"Thuỷ ngân cũng là một dạng chất thải nguy hại, rất độc đối với con người, đòi hỏi đơn vị xử lý phải có trình độ, kỹ thuật cao và có trang thiết bị hiện đại. Kết quả quan trắc, đánh giá của Bộ Tư lệnh Hoá học sẽ khách quan, chính xác và họ sẽ có hướng xử lý tối ưu cho những vụ việc thế này", GS. Lưu Văn Bôi nhìn nhận.

Theo vị chuyên gia, các thí nghiệm, phân tích thuỷ ngân vô cơ trong môi trường không phải đơn vị nào cũng có thể triển khai được và mức độ chính xác cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

"Chúng tôi khi thí nghiệm với thuỷ ngân cũng phải rất thận trọng, luôn thực hiện trong hộp kín chứ không phải trong phòng thí nghiệm thông thường. Ngoài ra, kỹ thuật phân tích thuỷ ngân vô cơ cũng rất phức tạp, tốn kém, vài ngày mới ra được kết quả. Lúc này, tôi nghĩ Bộ Tư lệnh Hoá học có đủ năng lực và điều kiện để thực hiện được việc này", GS. Lưu Văn Bôi cho hay.

Ông Bôi cho rằng các kết quả kiểm tra nhanh, quan trắc nhanh mà Sở TNMT Hà Nội hay Bộ TNMT công bố mới chỉ mang tính tương đối, muốn biết được chính xác môi trường có an toàn thì cần phân tích rất nhiều và quan trắc liên tục.

"Vài chục kg thuỷ ngân thì không phải là chuyện đơn giản nữa, lượng thuỷ ngân này đã thành bụi, phát tán vào không khí, đất, nước rồi nước ngầm. Vì vậy, người ta phải quan trắc, đánh giá liên tục, chứ đánh giá 5 hay 10 mẫu rồi bảo an toàn thì không khách quan về mặt khoa học", GS. Bôi phân tích.

img

Việc xử lý môi trường sẽ tốn thời gian

Về việc đề xuất biện pháp xử lý, tẩy độc khu vực quanh nhà máy Rạng Đông, GS. Lưu Văn Bôi nhận định đây sẽ là công việc khó khăn, vất vả và mất nhiều thời gian.

"Trong hoá học, để phân tích được thuỷ ngân kim loại trong các thành phần môi trường mất rất nhiều công sức. Thuỷ ngân là chất dễ bay hơi và để xử lý được thì rất khó", vị chuyên gia khẳng định.

Theo GS. Lưu Văn Bôi, phần lớn thuỷ ngân trong vụ cháy đã phát tán vào không khí, còn lại đã ngấm xuống đất, nước ngầm nên việc xử lý sẽ mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, thuỷ ngân khi để trong môi trường, nhiệt độ lên cao có thể tiếp tục bay hơi, phát tán vào không khí, gây nguy hiểm đến sức khỏe người dân.

Trong khi đó, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho rằng người dân không nên quá lo lắng với sự xuất hiện của Bộ Tư lệnh Hoá học.

"Trước tiên, đây là sự cố nghiêm trọng về môi trường liên quan đến hoá học, nên mời một đơn vị có kinh nghiệm khắc phục sự cố như Bộ Tư lệnh Hoá học là điều bình thường", TS. Dương Tùng nói.

img

Theo ông, việc các đơn vị chuyên môn cần làm ngay là phải dọn dẹp, tiêu huỷ những tàn, tro, xỉ từ vụ cháy, phải đưa những chất này vào container để ngăn cách, đảm bảo an toàn vì đây là chất thải nguy hại. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Hoá học cần đánh giá lại ngoài thuỷ ngân còn chất độc nào khác, mức độ tồn dư là bao nhiêu để tìm hướng giải quyết.

Nếu lượng tồn dư trong đất vẫn còn lớn, các cơ quan chuyên môn không chỉ dọn dẹp tro trên bề mặt, mà còn phải xúc ở dưới đất để mang đi tiêu huỷ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải quan trắc, đánh giá theo dõi kết quả liên tục, bên trong, ngoài nhà máy và đặc biệt là khu dân cư vì đây mới là nơi cần các tính toán phân tích kỹ nhất.

GS. Lưu Văn Bôi cho rằng Bộ tư lệnh Hoá học đã có nhiều kinh nghiệm trong xử lý các chất thải nguy hại, các hậu quả chiến tranh như dioxin, nên vụ việc ở Rạng Đông đáng ra nên giao cho đơn vị này sớm hơn.

"Người dân phải được biết vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, cuộc sống của họ. Không được tiếp tục để người dân hoang mang, lo lắng thêm nữa", GS. Lưu Văn Bôi chia sẻ.

Rạng Đông gian dối việc dùng thuỷ ngân lỏng độc hại

Tổng cục Môi trường thuộc Bộ TNMT cho biết qua kiểm tra thực tế cùng quá trình đấu tranh với lãnh đạo công ty, Rạng Đông mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thuỷ ngân lỏng có độc tính cao hơn so với amalgam.

Trước đó, công ty này báo cáo rằng 3 năm qua, Rạng Đông sử dụng hợp chất amalgam gồm thuỷ ngân, kẽm và bismut để thay cho thuỷ ngân lỏng trong sản xuất bóng đèn. Điều đó cho thấy vụ cháy nhà máy Rạng Đông ngày 28/8 không chỉ phát tán thuỷ ngân chứa trong amalgam mà còn có cả thuỷ ngân lỏng.

Cũng theo Tổng cục Môi trường, lượng thuỷ ngân lỏng phục vụ sản xuất trữ trong nhà kho lúc đó của Rạng Đông lên đến hơn 100 kg và theo tính toán của các nhà khoa học có đến 27,2 kg thuỷ ngân bị thất thoát vào môi trường.

Sơn Hà-Ngọc Tân (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem