Khởi công năm 2003, tích nước hồ chứa năm 2006 và đưa vào vận hành năm 2009, nhưng đến nay công tác đền bù, tái định cư cho dân trong vùng ảnh hưởng Thủy điện Plei Krông (Kon Tum) vẫn chưa xong.
Đẩy dân vào rừng
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, hiện còn 110 hộ tại các huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô thuộc khu vực di dời của thủy điện này chưa nhận đất sản xuất. Hơn 260ha đất khai hoang từ năm 2005 chỉ để tái hoang hóa vì dân cho rằng quá dốc và xấu. Chưa hết, 35 hộ dân tại xã Hơ Moong (Sa Thầy) đến này vẫn chưa nhận hơn 2,2 tỷ đồng tiền bồi thường đất và hoa màu.
|
Hàng chục nhà dân tại Đăk Plao chưa được đền bù đã ngập sâu trong lòng hồ thủy điện. |
Tại công trình Thủy điện An Khê- Kar Nak (đã phát điện ngày 11.6.2011), 55 hộ dân vẫn chưa được chi trả đền bù, 121,78ha đất mà Ban quản lý dự án cam kết khai hoang vẫn chưa thấy đâu. Trong các ngày từ 23-25.5, công trình xả lũ gây thiệt hại gần 4,5 tỷ đồng của dân (kết quả kiểm tra của Đoàn liên ngành tỉnh Gia Lai) nhưng Ban quản lý Thủy điện 7 kiên quyết chỉ chi 1 tỷ đồng. Chẳng ai chịu ai chỉ có người dân là hứng đủ.
Tại các huyện Đăk Glong (Đăk Nông) và Di Linh (Lâm Đồng), hàng trăm người dân vẫn chưa được đền bù thỏa đáng từ các dự án thủy điện, hàng trăm hộ thiếu đất sản xuất, chủ đầu tư vẫn còn nợ dân 24 tỷ đồng. Đất đai của người dân tại Di Linh ngập trong nước từ năm 2010 nhưng đến nay việc kiểm đếm, đo đạc vẫn chưa làm xong. Điều trái khoáy nữa là hàng trăm hộ thậm chí chưa hề có quyết định thu hồi đất. Chưa hết, đến nay, hơn 50 hộ dân tại xã Đăk Plao (Đăk Glong) vẫn phải trú ngụ trong rừng để mưu sinh.
Thủy điện né tránh
Tại một cuộc họp mới đây, Ban chỉ đạo Tây Nguyên “nói thẳng”: “Mặc dù đã kiểm tra, kiến nghị nhiều lần nhưng ở một số nhà máy thủy điện vẫn còn tình trạng né tránh trách nhiệm, chưa tập trung giải quyết các tồn đọng về đền bù giải tỏa, tái định canh, định cư. Đó là các nhà máy: Ya Ly, Plei Krông, An Khê- Kar Nak, Đăk RTik, Đăk Nteng, Đồng Nai 3,4…”.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, trên địa bàn có 34 dự án thủy điện lớn và vừa, 88 dự án thủy điện nhỏ đã hoàn thành hoặc đang xây dựng và hàng chục dự án khác đang ở giai đoạn nghiên cứu đầu tư.
Theo đó, Ban chỉ đạo Tây Nguyên chỉ rõ, dân không nhận đất bởi đất quá xấu, dốc, không thể canh tác được; giá đền bù quá thấp so với thực tế; việc xây dựng một số công trình phục vụ tái định cư không phát huy tác dụng; xây nhà ở, các công trình sinh hoạt cho dân chất lượng thấp không phù hợp với điều kiện thực tế; phần lớn các dự án tái định cư thiếu quỹ đất cho việc tách hộ…
Thế nhưng phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại cho rằng tất cả những tồn tại trên hầu hết xuất phát từ dân.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, lợi ích của thủy điện đối với nền kinh tế- xã hội không thể phủ nhận. Nhưng kéo theo đó là những tác động tiêu cực đến môi trường sản xuất, đời sống của nhân dân. Bên cạnh việc mất đất, mất rừng, nắn dòng chảy, xả nước, xả lũ tổn hại đến môi trường, việc đền bù, tái định cư, định canh ở một số công trình kéo dài nhiều năm làm cho sản xuất, đời sống của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Duy Hậu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.